Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung là thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn vào ngày 6/6.
Trong 4 tháng đầu năm, cả nước có 49,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số lao động đăng ký gần 331,4 nghìn người. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên quý I năm 2023 đạt 52,2 triệu người. Tuy nhiên, tốc độ tăng lực lượng lao động có dấu hiệu chậm lại. Tại một số địa phương lao động có việc làm có xu hướng giảm so với quý IV năm 2022.
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, trong năm 2022 số người giải quyết hưởng BHXH một lần là 997.470 người (tăng 3,55% so với cùng kỳ năm 2021). Đa số người lao động có thu nhập không cao, khả năng tích lũy không nhiều dẫn đến khi mất việc làm phải đối mặt với nhu cầu tài chính trước mắt rất lớn. Hầu hết lao động trẻ có tâm lý chỉ quan tâm đến nhu cầu trước mắt hơn là nhu cầu hưởng lương hưu khi về già.
Tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn, đặc biệt là trong giai đoạn từ năm 2020 đến nay, dẫn đến nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động, thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh dẫn đến cắt giảm lao động.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh sẽ trả lời về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực dân tộc.
Nhóm vấn đề này gồm chính sách thu hút nguồn lực hỗ trợ đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện KT-XH khó khăn và đặc biệt khó khăn giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong chính sách dân tộc liên quan đến phân định các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Giải quyết khó khăn về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc, khắc phục tình trạng du cư, du canh tự phát, chặt phá rừng.
Thành viên Chính phủ thứ ba trả lời chất vấn là Bộ trưởng KH&CN Huỳnh Thành Đạt.
Trước phiên chất vấn, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, một số lĩnh vực khoa học tự nhiên đạt trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới; nhiều thành tựu KH&CN hiện đại được ứng dụng nhanh chóng và rộng rãi trong lĩnh vực y tế, nông nghiệp, công nghiệp, thông tin, xây dựng....
Tuy nhiên, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho rằng, hệ thống quy định pháp luật nói chung còn thiếu sự đồng bộ, không thống nhất giữa quy định pháp luật về tài chính, đầu tư với quy định pháp luật về KH&CN.
Đội ngũ cán bộ KH&CN tuy có tăng về số lượng nhưng thiếu nhà khoa học đầu ngành, chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; cơ chế đãi ngộ còn bất cập. Cơ sở vật chất kỹ thuật và trang thiết bị cho hoạt động KH&CN còn thiếu và chưa đồng bộ.
Bộ trưởng cho rằng, cần đổi mới tư duy về trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các tổ chức KH&CN công lập. Trao quyền tự chủ tối đa gắn với trách nhiệm giải trình, chịu sự đánh giá độc lập về kết quả hoạt động và công khai kết quả đánh giá.
Tư lệnh ngành cuối cùng trả lời chất vấn trong kỳ họp lần này là Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng.
Bức tranh hạ tầng giao thông với nhiều điểm nhấn về việc triển khai dự án giao thông trọng điểm từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay. Trong 3 năm từ đầu nhiệm kỳ đã hoàn thành 566km đường cao tốc, bằng 1/2 khối lượng đã triển khai trong gần 20 năm trước đây với khoảng 1.163km.
Nhiều mục tiêu quan trọng được Bộ GTVT xác định, gồm: Đến năm 2025 cả nước có khoảng 3.000km, thông tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông; phấn đấu đến 2030 có khoảng 5.000km...
Giải pháp cho bài toán ùn tắc giao thông, theo Bộ GTVT, là thực hiện nghiêm quy định đất dành cho giao thông chiếm 16-26% diện tích xây dựng đô thị; tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương di dời trường đại học, bệnh viện, khu công nghiệp ra khỏi nội thành.
Dù vậy, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng thừa nhận, vẫn còn những tồn tại như một số quy định pháp luật chưa đồng bộ dẫn đến thủ tục đầu tư còn phức tạp, kéo dài. Bên cạnh việc vốn đầu tư chưa đáp ứng nhu cầu, Bộ GTVT cho biết, việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông còn hạn chế.
Cuối cùng, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái sẽ có 90 phút báo cáo, làm rõ vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của ĐBQH.
Liên quan đến phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì buổi làm việc với các cơ quan để rà soát công tác chuẩn bị.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, với tinh thần cộng đồng trách nhiệm, chất vấn là để cùng làm rõ vấn đề, cùng tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc: “Chất vấn không phải sát hạch hay "đánh đố" các Bộ trưởng, Trưởng ngành.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, để góp phần thành công của phiên chất vấn, vai trò của người hỏi cũng rất quan trọng. Muốn có được câu trả lời hay thì trước hết phải hỏi đúng, hỏi trúng với tinh thần xây dựng.
Còn với các thành viên Chính phủ đăng đàn, nội dung trả lời cũng phải đi thẳng vào những việc phải làm, không nói chung chung.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng lưu ý, quá trình phát triển không tránh khỏi có những nội dung chính sách, pháp luật cần sửa đổi, bổ sung nhưng không vì thế mà “đổ thừa” những vướng mắc, khó khăn đều do thể chế, pháp luật.
Hôm nay, Quốc hội sẽ thảo luận về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Hai ngày làm việc cuối tuần, Quốc hội sẽ thảo luận về Luật Đất đai (sửa đổi); dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi); Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Luật Viễn thông (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). |