Tại phiên thảo luận tổ sáng 26/10 về tình hình kinh tế - xã hội, đại biểu Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ) nêu, cử tri đang rất quan tâm đến việc xử lý điểm đen tai nạn giao thông trên các tuyến cao tốc. Cử tri cũng băn khoăn khi đầu tư cao tốc 2 làn đường, không có làn khẩn cấp.
Ông Nghĩa đề nghị tính toán việc đầu tư làn dừng khẩn cấp trên cao tốc để đảm bảo xử lý tình huống, khi có sự cố giao thông sẽ có điểm thoát, tránh ùn tắc cục bộ.
Đại biểu Đào Chí Nghĩa phản ánh vướng mắc về khan hiếm cát làm cao tốc, đặc biệt khi ĐBSCL đang triển khai 600km trục dọc và 600km trục ngang.
Phát biểu sau đó, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết trong nhiệm kỳ này, Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt việc nâng cấp các tuyến cao tốc 2 làn xe. Việc Quốc hội, Chính phủ cho triển khai cao tốc 2 làn trước đây là hợp lý, bởi thực tế nhiều tuyến có lưu lượng xe rất thấp nhưng sau một thời gian phát triển, nhu cầu nâng cấp là đương nhiên.
Bộ GTVT cũng đang nâng cấp các tuyến cao tốc từ 2 lên 4 làn xe và một số tuyến 4 làn hạn chế lên đầy đủ và lớn hơn.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, ở châu Âu nhiều tuyến cao tốc 4 làn xe vẫn không có làn dừng khẩn cấp, nhưng người dân đi lại ý thức rất tốt.
“Đến đoạn đó, người ta chấp nhận đi chậm lại, đi từ tốn. Vì thế, đường không nhất thiết phải to, phải rộng. Đường càng to nhưng nếu ý thức không cao, tai nạn càng thảm khốc”, ông Thắng nói.
Ông dẫn thống kê nguyên nhân tai nạn có hơn 90% đến từ ý thức người tham gia giao thông, vì vậy cùng với đầu tư hạ tầng phải có giải pháp thay đổi thói quen và văn hóa của người tham gia giao thông.
Về vật liệu san lấp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết: "Theo trữ lượng và nhu cầu thực tiễn, chúng ta không thiếu cát nhưng trong nhiệm kỳ này, Chính phủ rất quan tâm đẩy mạnh kết cấu hạ tầng ĐBSCL. Khi cùng lúc phải thực hiện nhiều dự án, nhu cầu cát tăng lên đột biến, dẫn đến thiếu cục bộ".
Do đó, việc các địa phương làm thủ tục theo đúng quy trình rất mất thời gian, buộc Quốc hội phải ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề để thúc đẩy, cắt giảm thủ tục.
Vừa qua, nhờ sự quyết liệt của Chính phủ và Quốc hội, đã tháo gỡ cơ bản hơn 72,3 triệu m3 cát sông, trong đó cấp phép khai thác khoảng 40 triệu m3, còn lại 32,3 triệu m3 đang trong quá trình làm thủ tục.
Chính phủ cũng đã chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu cát biển như một nguồn vật liệu san lấp. Bộ GTVT cho biết cát biển có chất lượng tốt, không gây vấn đề về ngập mặn và có độ kết dính cao. Đến nay, tỉnh Sóc Trăng đã cấp phép cho khoảng 5,5 triệu m3 cát biển phục vụ cho tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.
Việc khai thác cát biển thay cho cát sông được đánh giá sẽ giúp giảm áp lực lên nguồn cát sông. Tại Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ, ước tính có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, với 145 triệu m3 đã được cấp phép chỉ trong một vùng.
Nguồn vật liệu này rất dồi dào và Bộ GTVT đang mở rộng thí điểm sử dụng cát biển cho các cao tốc ở phía Bắc và miền Trung. Dự kiến, vào cuối năm nay, sẽ công bố cho phép sử dụng rộng rãi cát biển với toàn bộ tuyến cao tốc.
Bộ trưởng GTVT cũng thông tin thêm về các tuyến đường sắt lớn. Đường sắt trên trục Bắc - Nam có 3 đoạn tuyến: Từ Lạng Sơn - Hà Nội, Hà Nội - TPHCM, TPHCM - Cần Thơ.
Với tuyến Lạng Sơn - Hà Nội hiện khai thác khổ lồng (gồm khổ 1.000mm và khổ 1.435mm). Sắp tới Chính phủ sẽ tiếp tục trình Quốc hội nâng cấp đoạn tuyến này. Dự kiến đề xuất khai thác khổ tiêu chuẩn vận tải hành khách và hàng hoá, tốc độ khoảng 200km/h.
Với tuyến TPHCM - Cần Thơ, Bộ GTVT đang chuẩn bị hoàn thành báo cáo tiền khả thi để trình Chính phủ và Quốc hội. Tuyến sẽ khai thác đường sắt khổ tiêu chuẩn với tốc độ thiết kế 200km/h vận tải hành khách và hàng hoá khoảng 170m/h, chiều dài 174km, tổng mức đầu tư dự tính 9 tỷ USD (tương đương 220.000 tỷ đồng).
Dự án này sẽ chia 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 kinh phí khoảng 155.000 tỷ đồng, khai thác vận tải cả hành khách và hàng hóa do nhu cầu hàng rất lớn. Khi đưa vào khai thác, đi từ TPHCM đi Cần Thơ chỉ còn 1 giờ.