Vượt qua những thách thức do dịch Covid-19, năm 2021, Bộ Tài chính đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước, đồng thời cũng thực hiện nhiều biện pháp cấp bách về chính sách thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã trao đổi xung quanh vấn đề này và chia sẻ về những kỳ vọng, giải pháp của ngành Tài chính trong năm 2022.

{keywords}
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Năm 2021 tiếp tục là một năm nhiều gian khó do đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, tuy nhiên, ngành Tài chính sớm về đích thu ngân sách. Xin cho biết đánh giá của Bộ trưởng về sự chủ động, nỗ lực trong điều hành tài chính ngân sách năm 2021 và những kết quả đạt được trong thu - chi ngân sách, hỗ trợ phục hồi nền kinh tế?

Trong bối cảnh chịu tác động của đại dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã quản lý, điều hành thu, chi NSNN chặt chẽ, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên; chủ động xây dựng và triển khai các phương án điều hành đảm bảo cân đối NSNN các cấp, tập trung ưu tiên nguồn lực cho phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân, hỗ trợ phục hồi nền kinh tế. Cụ thể:

Về thu NSNN, Bộ Tài chính chủ động đề xuất cấp có thẩm quyền kịp thời có những điều chỉnh về chính sách tài khóa nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp, hộ gia đình và người dân, như: giảm 30% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong cả năm 2021; cho phép tính vào chi phí các khoản chi ủng hộ, tài trợ (tiền, hiện vật) cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 khi xác định thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp; gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất từ quý I/2021 cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19; miễn giảm trên 30 loại phí, lệ phí trong năm 2021. Trước tác động nghiêm trọng của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 ảnh hưởng nặng nề tới doanh nghiệp, người dân, Bộ Tài chính đã khẩn trương trình cấp có thẩm quyền giảm 30% tiền thuê đất phải nộp năm 2021 cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19; ban hành một số giải pháp về miễn, giảm thuế.

Kết quả trong năm 2021, đã thực hiện miễn, giảm, giãn khoảng 119,4 nghìn tỷ đồng tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19, gồm: (i) 96,9 nghìn tỷ đồng gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo các Nghị định số 52/2021/NĐ-CP và số 104/2021/NĐ-CP của Chính phủ; (ii) 22,5 nghìn tỷ đồng miễn, giảm thuế, phí, lệ phí. Tính cả số thực hiện các chính sách đã ban hành trong năm 2020 nhưng tiếp tục được thực hiện trong năm 2021 là 16,8 nghìn tỷ đồng và hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp là 38 nghìn tỷ đồng, thì tổng số đã thực hiện miễn, giảm, giãn trong năm 2021 khoảng 174,2 nghìn tỷ đồng

Trong tổ chức thực hiện các luật thuế và nhiệm vụ thu NSNN năm 2021, cơ quan Thuế, Hải quan đã tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng làm tốt công tác quản lý thu NSNN trên địa bàn, nhất là các lĩnh vực, địa bàn trọng điểm, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản phát sinh; đẩy mạnh chống thất thu, chuyển giá, gian lận thương mại, trốn thuế, tăng cường thanh tra, kiểm tra hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về thuế; quyết liệt xử lý, thu hồi nợ đọng thuế. Đồng thời, tập trung triển khai các giải pháp chính sách thu NSNN tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, với phương châm đơn giản hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh được thụ hưởng đầy đủ, kịp thời chính sách; đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tránh việc lợi dụng chính sách để trục lợi. Cơ quan Hải quan cũng triển khai nhiều giải pháp tạo thuận lợi về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Với các giải pháp chính sách tài khóa nêu trên, kết hợp đồng bộ với chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế khác. Đồng thời, từ cuối tháng 9/2021, tình hình kiểm soát dịch Covid-19 đã có chuyển biến tích cực; các địa phương đã triển khai Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; từng bước khôi phục các hoạt động sản xuất - kinh doanh, ổn định đời sống cho người dân trong trạng thái bình thường mới.

Qua đó, tổng số thu NSNN năm 2021 ước đạt 1.523,4 nghìn tỷ đồng, vượt 13,4% (180 nghìn tỷ đồng) so dự toán, trong đó chủ yếu tăng thu từ dầu thô, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu và thu tiền sử dụng đất; cả NSTW và NSĐP đều vượt dự toán, tỷ lệ động viên vào NSNN đạt 17,94% GDP ước thực hiện (vượt mục tiêu kế hoạch đề ra là 15,5% GDP).

Về công tác điều hành chi NSNN, ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính đã ban hành văn bản hướng dẫn các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tổ chức triển khai thực hiện dự toán NSNN năm 2021, đảm bảo chủ động, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, tập trung ưu tiên nguồn lực cho phòng, chống dịch Covid-19, kiểm soát dịch bệnh và đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân.

Trong quá trình điều hành, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Bộ Tài chính đã đề xuất cấp có thẩm quyền nhiều chế độ, chính sách chi NSNN cho phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo nguồn kinh phí đẩy nhanh tiến độ mua vắc-xin tiêm phòng Covid-19 cho nhân dân và hỗ trợ lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021; thu hồi các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai để bổ sung dự phòng NSTW và NSĐP, tập trung kinh phí chi phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, đã bổ sung dự phòng NSTW 14,6 nghìn tỷ đồng từ nguồn kinh phí cắt giảm, tiết kiệm này.

Để có thêm nguồn kinh phí mua và tiêm vắc-xin, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 để huy động nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân. Đến nay, Quỹ đã huy động được 8,8 nghìn tỷ đồng; Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chi gần 8 nghìn tỷ đồng từ Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 để mua vắc-xin tiêm phòng cho người dân.

Nhờ chủ động trong điều hành, các nhiệm vụ chi NSNN năm 2021 đã đáp ứng kịp thời nhiệm vụ chi phát sinh theo tiến độ thực hiện của đơn vị sử dụng ngân sách; ưu tiên bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, đảm bảo quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội và thanh toán đầy đủ các khoản nợ đến hạn; NSNN đã chi 74 nghìn tỷ đồng cho phòng chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cùng với đó đã kịp thời xuất cấp vật tư, trang thiết bị dự trữ quốc gia cho công tác phòng, chống dịch; xuất cấp 158,2 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và hỗ trợ trong dịp Tết và giáp hạt đầu năm 2021 (trong đó, xuất cấp 141,97 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 ở 33 địa phương).

Với kết quả thu, chi NSNN nêu trên, cân đối NSTW và NSĐP được đảm bảo. Ước tính năm 2021, bội chi NSNN thực hiện đạt dưới 4% GDP.

Bộ Tài chính đã chủ động điều hành việc phát hành trái phiếu Chính phủ để vừa sử dụng có hiệu quả ngân quỹ nhà nước, vừa đảm bảo nguồn thanh toán, chi trả kịp thời các khoản nợ gốc đến hạn và góp phần định hướng sự phát triển của thị trường, cơ cấu lại nợ công. Lũy kế đến ngày 31/12/2021 đã thực hiện phát hành được 318,2 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, với kỳ hạn bình quân 13,92 năm, lãi suất bình quân 2,3%/năm.

Bên cạnh đó, tiếp tục trao đổi thông tin về kế hoạch, thời điểm, kỳ hạn và lãi suất phát hành trái phiếu Chính phủ để tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa công tác phát hành trái phiếu Chính phủ với việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.

Bước sang năm 2022, dịch bệnh Covid-19 vẫn còn rình rập với mức độ lây nhiễm mạnh của các chủng virus mới trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn. Bộ Tài chính đưa ra giải pháp gì để nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách bền vững mà không phải dựa vào các khoản thu đột biến thưa Bộ trưởng?

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang còn diễn biến phức tạp, để có thêm nguồn lực cho Nhà nước thực hiện chương trình phục hồi kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng, an sinh xã hội và nhiệm vụ chi cho công tác chống dịch,... Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo toàn ngành phát huy truyền thống đoàn kết, nhất trí, chung sức, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ thu NSNN năm 2022 đã được Quốc hội, Chính phủ giao. Trong đó, tập trung vào một số giải pháp trọng tâm sau đây:

Thứ nhất, điều hành chính sách tài khóa chủ động, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với chính sách tiền tệ và các chính sách khác nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Tiếp tục hoàn thiện trình các cấp có thẩm quyền và triển khai các giải pháp hỗ trợ về thuế trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giúp cho DN và người dân ổn định, khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo nguồn thu vững chắc cho NSNN.

Thứ hai, tiếp tục triển khai mạnh mẽ cải cách TTHC về thuế, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, đẩy mạnh điện tử hóa quản lý thuế trên phạm vi cả nước ở tất cả các khâu quản lý thuế để hỗ trợ hoạt động kinh doanh của NNT. Tập trung tháo gỡ, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc cho DN, cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để các DN phát triển ổn định, vững chắc, phục hồi mạnh mẽ hoạt động sản xuất kinh doanh ngay sau khi dịch bệnh được khống chế. Đẩy mạnh thu hút đầu tư, tăng thêm năng lực sản xuất mới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo cơ sở để tăng thu cho NSNN.

Thứ ba, thực hiện tốt Luật Quản lý thuế, bảo đảm thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào NSNN; quản lý hiệu quả các nguồn thu mới phát sinh từ các giao dịch TMĐT và nền kinh tế số. Tiếp tục thực hiện quyết liệt công tác quản lý thu NSNN, chống thất thu thuế, chống chuyển giá, trốn thuế; tăng cường giám sát kiểm tra thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại; giảm tỷ lệ nợ thuế; kiểm soát chặt chẽ hoàn thuế GTGT; đẩy nhanh triển khai HĐĐT trên phạm vi toàn quốc;...

Thứ tư, thực hiện nghiêm quy định về đấu giá khi thực hiện bán, chuyển nhượng, cho thuê tài sản công, giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về đất đai, tài nguyên, khoáng sản. Đẩy mạnh sắp xếp, cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các DN theo các Đề án đã được phê duyệt để huy động kịp thời nguồn thu từ thoái vốn vào NSNN theo dự toán được giao.

Thứ năm, tăng cường sự phối hợp các Bộ, ngành và địa phương trong việc thực hiện các chính sách tài khóa, tiền tệ cùng với việc thực hiện các giải pháp quản lý chặt chẽ đối với các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản, thị trường chứng khoán; quản lý thu, chống thất thu, trốn thuế, xử lý nợ đọng thuế,... Tăng cường quản lý thu NSNN phát sinh từ các hoạt động chuyển nhượng vốn, chứng khoán, chuyển nhượng bất động sản. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Công thương kiểm soát chặt chẽ về giá, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, chống thất thu NSNN, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh để khuyến khích, thu hút đầu tư.

Thứ sáu, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành để xây dựng, tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành các giải pháp căn cơ nhằm hỗ trợ cho DN phát huy tất cả các nguồn lực để đẩy mạnh đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng bền vững, góp phần tăng thu NSNN trong dài hạn. Đồng bộ hóa cơ chế, chính sách thu NSNN với các chính sách khác, kiên quyết loại bỏ những cơ chế, chính sách có dấu hiệu cản trở, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN và người dân. Đẩy mạnh cải cách, hiện đại hóa công tác quản lý thuế, nâng cao tính minh bạch, chuyên nghiệp, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh giúp thu hút đầu tư kinh doanh vừa nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong công tác quản lý thu NSNN vừa tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho NNT thực hiện nghĩa vụ với NSNN.

Trên cương vị Bộ trưởng Tài chính, Bộ trưởng mong muốn doanh nghiệp, người dân nhìn nhận về ngành Tài chính trong năm mới 2022 như thế nào?

Trong bối cảnh khó khăn do đại dịch Covid-19, nhiệm vụ của ngành Tài chính nói chung và công lĩnh vực thu NSNN nói riêng càng trở nên nặng nề hơn bao giờ hết khi vừa đảm bảo công tác thu - chi NSNN, vừa tham mưu cho Chính phủ trong việc xây dựng chính sách để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, góp phần tích cực trong việc thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch hiệu quả, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển KT-XH trong trạng thái bình thường mới.

Có thể nói, trong những năm qua, ngành Tài chính nói chung và ngành Thuế, ngành Hải quan nói riêng không chỉ làm rất tốt nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính giao, mà đã từng bước chủ động xây dựng được hình ảnh đẹp trong mắt cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Đặc biệt trong 2 năm qua, khi dịch Covid-19 tác động tới toàn bộ đời sống kinh tế xã hội, với các đề xuất về giải pháp xử lý miễn, giảm, gia hạn thời gian nộp thuế phù hợp, ngành Thuế, ngành Hải quan đã chứng tỏ là một cơ quan quản lý nhà nước năng động, sáng tạo, chủ động, luôn sát cánh, đồng hành cùng cộng đồng DN và người dân. Đây là điều rất đáng tự hào của ngành Tài chính.

Bước sang năm 2022, năm có ý nghĩa vô cùng quan trọng thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021-2025 và Kế hoạch tài chính quốc gia 05 năm 2021-2025. Tôi tin tưởng với truyền thống tốt đẹp, ngành Tài chính sẽ nỗ lực đổi mới và sáng tạo, tiếp tục đoàn kết đồng lòng, phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, nỗ lực vượt khó, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.

Theo Cổng TTĐT Bộ Tài chính