Sáng 29/9, tại Hội trường Diên Hồng của Toà nhà Quốc hội, T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội đồng Đội T.Ư phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong khuôn khổ phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” năm 2024.
Phiên họp giả định có sự tham gia của 306 đại biểu thiếu nhi đến từ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Tại đây, các em được vào vai đại biểu Quốc hội và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Quốc hội, Chính phủ để chất vấn, tranh luận và trả lời chất vấn các vấn đề.
Ở phiên chất vấn, các đại biểu Quốc hội trẻ em giả định đã tham gia phát biểu các ý kiến, nêu lên những mong muốn, nguyện vọng của các cử tri trẻ em tại địa phương với 2 vấn đề “phòng, chống bạo lực học đường” và “phòng chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường”.
Dự phiên họp này, 2 bộ trưởng của Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế cũng đã trao đổi với các đại biểu trẻ em về 2 chủ đề này.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho hay dự phiên họp này, ông hồi hộp hơn cả cuộc họp trả lời chính thức. “Tôi cảm nhận được sự tự tin và những dấu hiệu rất đáng mừng từ phía người học mà các em đã thể hiện”, ông Sơn nói.
Ông Sơn cho hay, phiên họp giả định nhưng vấn đề mà các em chất vấn là vấn đề có thật. Các em đã hỏi và trả lời chạm đến những vấn đề rất cốt lõi, trong đó có bạo lực học đường.
Bộ trưởng Giáo dục cũng đặt một câu hỏi cho tất cả các đại biểu Quốc hội trẻ em: “Trong tất cả các bên liên quan, để thực hiện việc loại bỏ bạo lực ra khỏi học đường, ai là người có vai trò quan trọng nhất?”.
Một đại biểu “nhí” nói: “Theo em, người có vai trò quan trọng nhất để giải quyết vấn nạn bạo lực học đường là chính bản thân các bạn học sinh. Bởi nếu các bạn không dám lên tiếng, nói lên tiếng nói của mình sẽ không ai có thể giúp đỡ được các bạn”.
Người đứng đầu ngành giáo dục cho rằng: “Người cần làm nhiều việc nhất không ai khác, chính là các em. Nếu như các em học tập tốt, sống có hoài bão, có lý tưởng, biết quan tâm, chia sẻ, ắt hẳn sẽ không thực hành việc bạo lực với người khác. Nếu các em có đủ kỹ năng để có thể tự giải quyết của mình và giúp bạn giải quyết việc của các bạn, không tham gia vào bạo lực nó không có chỗ trong trường học".
Cũng theo ông Sơn, nếu học sinh biết chọn lọc thông tin, biết sử dụng mạng xã hội, bày tỏ chính kiến thì những ảnh hưởng xấu độc của xã hội cũng không có cơ hội để đến với mình.
Ông Sơn hy vọng sau khi rời phiên họp giả định này, trở về với vai trò là người thực hiện, các em cần làm nhiều việc hơn để góp phần vào việc giải quyết câu chuyện của chính mình - bạo lực học đường.
Bên cạnh đó, các thầy cô giáo, những người hiệu trưởng cần làm hết trách nhiệm với trường học của mình, phát triển văn hóa học đường, để cùng nhau từng bước đẩy lùi bạo lực, xây dựng môi trường hạnh phúc.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cũng cho hay, từ phía cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Y tế sẽ tiếp thu những ý kiến của các em để tiếp tục hoàn thiện, tham mưu cơ chế, chính sách và những giải pháp ngăn chặn thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng để trình Chính phủ, Quốc hội trong thời gian tới.
Ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ: "Dù nhỏ tuổi nhưng các cháu đã rất chịu khó nghiên cứu, tìm hiểu, phát biểu mạch lạc, phong thái tự tin, chững chạc. Nhiều câu hỏi đề xuất, kiến nghị giải pháp của các cháu rất xác đáng, xuất phát từ thực tiễn", ông Mẫn nói.
Ông Mẫn cho hay, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, đoàn thể sẽ nghiên cứu những điều này trong quá trình soạn thảo, ban hành chính sách pháp luật giải quyết các vấn đề có liên quan tới trẻ em.
Ông Mẫn cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ, địa phương, T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội đồng Đội T.Ư và các bộ ban ngành liên quan quan tâm thực hiện tốt một số nội dung để làm tốt hơn nữa việc bảo vệ, giáo dục, chăm sóc trẻ em trong thời gian tới.
"Tôi cũng đề nghị Bộ GD-ĐT tăng cường hơn nữa công tác giáo dục đạo đức trong trường học. Tiên học lễ, hậu học văn. Thầy ra thầy, trò ra trò, trường ra trường, lớp ra lớp", ông Mẫn nói.