Không chỉ bán ở chợ làng, phải bán ở “chợ thế giới”
Tại Hội nghị Thúc đẩy giao thương nông sản, thủy sản Việt - Trung trong bối cảnh mới sáng 14/2, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, doanh nghiệp, doanh nhân có vai trò và sứ mệnh cao cả trong giao thương giữa hai nước.
Nhìn lại lịch sử giao thương, từ những chiếc ghe đẩy nông sản qua sông Hồng, từ phía bên này sang bên kia thanh toán cho nhau rồi trở về, rồi đường mòn, lối mở... đến buôn bán tiểu ngạch tiến sang chính ngạch theo chủ trương lãnh đạo của hai quốc gia. Theo Bộ trưởng, đó là chặng đường có đi có lại, bổ sung bổ trợ cho nhau.
“Tôi có nghe chính thương nhân Trung Quốc, trong quá trình mua bán với chúng ta, đã mang kỹ thuật canh tác nhiều loại rau củ quả chuyển giao giúp nông dân Việt Nam canh tác tốt hơn, tăng năng suất, chất lượng”, Bộ trưởng nói.
Ông cũng cho rằng, hãy nhìn ở mặt tích cực như vậy để trân quý những người đồng hành, những thương nhân Trung Quốc hàng năm nhập khẩu hơn 70% sản lượng trái cây của nước ta.
Người đứng đầu ngành Nông nghiệp cũng dẫn lời nói của Hồ Tuyết Nham - một thương gia nổi tiếng của Trung Quốc: “Buôn bán nhất định phải có tầm nhìn. Nếu bạn có tầm nhìn ở trong thôn, bạn chỉ có thể buôn bán ở trong thôn; có tầm nhìn ở trong huyện thì chỉ buôn bán ở trong huyện. Nếu có tầm nhìn ở quốc gia thì chỉ buôn bán ở cả nước. Nếu bạn có tầm nhìn toàn thiên hạ thì có thể buôn bán rộng ra toàn thiên hạ”.
Ông lưu ý, hiện chúng ta không chỉ buôn bán ở chợ làng, chợ huyện, chợ trong nước mà là buôn bán ở chợ thế giới. Vậy nên, phải xác lập lại tầm nhìn, tâm thế để bước vào cuộc chơi.
Ông cũng mong muốn người Việt Nam nghiên cứu, học hỏi những triết lý buôn bán của nước bạn như: Buôn có bạn bán có phường, Một lần bất tín vạn lần bất tin, Trăm người bán vạn người mua,... Từ đó, bỏ tư duy buôn chuyến, tiểu ngạch để chuyển dần sang chính ngạch.
“Bộ NN-PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao cùng các đơn vị liên quan cam kết sẽ làm mọi cách để thúc đẩy quan hệ hợp tác giao thương với Trung Quốc, để hai bên có thể đồng hành một cách bền vững, lâu dài”, Bộ trưởng Hoan khẳng định.
Trước khi tính lợi nhuận, hãy nghĩ mình là người Việt
Tại hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong cộng đồng doanh nghiệp, thương nhân Việt Nam trước khi tính toán đến lợi nhuận hãy nghĩ mình là người Việt Nam, đại diện cho Việt Nam giao thương với Trung Quốc; như vậy mới có trách nhiệm hơn trong mỗi lần buôn bán hợp tác.
“Ở đây tôi không phân biệt doanh nghiệp của tư hay công mà xem là tài sản, là nguồn lực của đất nước trong quá trình phát triển. Mỗi người không nên tự ti mình là tư nhân. Hãy đồng đẳng, chúng ta là người Việt đang bàn công việc với các bạn hàng ở quốc gia rất gần gũi. Có như vậy mới thấy rằng, mình cần làm điều gì đó cao cả hơn là một doanh nghiệp, doanh nhân chỉ đi tìm kiếm lợi nhuận”, Bộ trưởng lưu ý.
Thông qua kinh doanh, ông bày tỏ mong muốn các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp sẽ tạo ra sức phát triển cho cộng đồng. Từ đó, lợi nhuận sẽ tự được tạo ra.
Ông cũng đặc biệt lưu ý đến công tác phát triển thương hiệu. Xem thương hiệu là cái "hiệu" để người ta "thương", ông cho rằng việc xây dựng thương hiệu không thể là chuyện một sớm một chiều mà là quá trình liên tục qua nhiều giai đoạn, qua nhiều chuyến hàng.
Nhấn mạnh thông điệp “Chính phủ luôn đề cao thị trường Trung Quốc”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan kêu gọi sự vào cuộc mạnh mẽ của các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp. Theo đó, ông đề nghị cơ quan quản lý nhà nước coi đây là những người bạn đồng hành, thay vì là đối tượng quản lý.
Theo Bộ trưởng, thị trường thế giới ngày càng trở nên khó đoán. Nhà sản xuất giờ không những phải đối đầu với biến đổi khí hậu mà còn phải ứng phó với biến chuyển xu thế tiêu dùng. Ông cũng nhắc đến “sức ì” khi đâu đó xuất hiện tư tưởng hài lòng với con số lợi nhuận.
Mượn bí quyết thành công của tỷ phú Lý Gia Thành - “không dạy kinh doanh mà dạy làm người” - Bộ trưởng Hoan hy vọng Lạng Sơn nói riêng và 63 tỉnh, thành nói chung gắn kết hơn nữa, để đưa giao thương với Trung Quốc gấp 10, gấp 100 lần hiện tại.