Sáng 18/12, Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 21 khai mạc với chủ đề "Phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại phục vụ phát triển bền vững của các địa phương". Hội nghị Ngoại vụ nằm trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, từ Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 20 đến nay, tình hình thế giới và khu vực đã trải qua những biến động lớn, phức tạp, tác động nhiều chiều đến nước ta cũng như sự phát triển của các địa phương.
Công tác đối ngoại đã đóng góp quan trọng vào thành tựu chung to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước. Trong thành tựu chung to lớn đó của đối ngoại, có đóng góp quan trọng của đối ngoại địa phương.
Trong 3 năm qua, lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam đã thực hiện 45 chuyến thăm tới các nước láng giềng, các nước đối tác chiến lược, nhiều đối tác quan trọng, bạn bè truyền thống. Đồng thời cũng có 50 chuyến thăm của lãnh đạo các nước đến Việt Nam, trong đó có những chuyến thăm mang tính lịch sử.
Vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam tiếp tục được nâng cao, khuôn khổ quan hệ với nhiều đối tác quan trọng được nâng lên tầm cao mới. Việt Nam đã và đang thực hiện tốt nhiều trọng trách quốc tế, nhất là trong ASEAN và Liên Hợp Quốc.
Điểm lại những thành tựu của công tác đối ngoại địa phương, Bộ trưởng Ngoại giao cho biết, với sự chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp và hỗ trợ của Trung ương, các địa phương đã thực hiện tốt công tác biên giới lãnh thổ, góp phần củng cố vững chắc đường biên giới hòa bình, hữu nghị và hợp tác phát triển.
Ngoại giao kinh tế của hầu hết địa phương được triển khai mạnh mẽ, hiệu quả hơn. Xuất nhập khẩu năm 2023 đạt gần 700 tỷ USD, trên 30 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, thu hút FDI tăng 14,8% trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn.
Trong 3 năm qua, các địa phương đã ký 422 thỏa thuận hợp tác với các đối tác quốc tế; riêng xuất khẩu của 5 địa phương gồm TP.HCM, Bắc Ninh, Bình Dương, Thái Nguyên và Hải Phòng năm 2023 đã vượt tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước cách đây 10 năm.
Ngoại giao văn hóa ở các địa phương tiếp tục khởi sắc với 13 danh hiệu được UNESCO công nhận trong 3 năm qua và còn nhiều hồ sơ di sản đang được UNESCO xem xét.
Kết nối địa phương với đồng bào ta ở nước ngoài ngày càng sâu rộng, chặt chẽ hơn, thiết thực phục vụ phát triển địa phương.
Tránh "tác chiến độc lập"
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn chia sẻ, xác định đối ngoại địa phương là một trong những "binh chủng hợp thành" quan trọng của đối ngoại, Bộ Ngoại giao đề cao tinh thần phục vụ, luôn coi trọng phối hợp, hỗ trợ, hướng dẫn và đồng hành cùng các địa phương trong tất cả lĩnh vực ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, biên giới lãnh thổ, truyền thống đối ngoại, công tác người Việt Nam ở nước, bảo hộ công dân...
Bộ trưởng chỉ ra những giải pháp để làm tốt, hiệu quả hơn trong công tác đối ngoại địa phương. Đó là cần đổi mới tư duy hơn nữa để công tác đối ngoại địa phương mang tầm chiến lược, đồng bộ và sáng tạo hơn.
Các địa phương cần kết hợp hiệu quả sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để tăng cường sức mạnh tổng thể. Các địa phương cũng cần chung tay, cùng liên kết, phân công và hợp tác để phát huy tối ưu nguồn lực, tiềm năng, lợi thế của từng vùng trong hợp tác cấp độ địa phương với đối tác, doanh nghiệp nước ngoài, tránh tình trạng "tác chiến độc lập".
Để phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại phục vụ phát triển bền vững của các địa phương, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị các cơ quan đối ngoại địa phương chủ động tham mưu các cấp chính quyền địa phương cụ thể hóa các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước thành các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, chương trình, kế hoạch gắn với điều kiện đặc thù và mục tiêu phát triển bền vững của địa phương.
Bộ Ngoại giao cùng các ban, bộ, ngành Trung ương tiếp tục đồng hành, phối hợp và hướng dẫn triển khai.
Bộ trưởng cho rằng cần phát huy tốt thế và lực mới của đất nước để tiếp tục đẩy mạnh đối ngoại địa phương một cách đồng bộ, hiệu quả, sáng tạo, trong đó ngoại giao kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, cơ bản.
Với thế và lực của nước ta ngày nay đã khác so với trước trên nhiều phương diện, các địa phương cần xác định tâm thế mới trong quan hệ với các đối tác quốc tế trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, tiếp cận liên vùng, liên ngành, có trọng tâm, trọng điểm, lấy chất lượng, hiệu quả và tính bền vững làm tiêu chí hàng đầu.
Theo Bộ trưởng, phát triển đối ngoại địa phương theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, trong đó then chốt là nâng cao chất lượng, năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại địa phương.
Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc diễn ra cả ngày với phiên đối nội, phiên đối ngoại.