Mùa thu là mùa đặc biệt bởi gắn liền với nhiều sự kiện lớn của đất nước. Nhân buổi giao ban báo chí mùa Thu 2023, tôi xin phép được chia sẻ mấy ý.
Thứ nhất, ngày 28/8 là ngày truyền thống ngành TT&TT, là ngày truyền thống khi công nghệ số và truyền thông về chung một nhà, chung một bộ quản lý nhà nước. Cũng đã chung một nhà được 16 năm rồi, từ năm 2007. Từ năm ngoái, năm 2022, Bộ TT&TT đã tổ chức gặp mặt chung cho cả khối bưu chính- viễn thông, công nghệ thông tin, công nghệ số và báo chí, xuất bản, truyền thông, thông tin cơ sở. Kết hợp quản lý nhà nước về công nghệ số và truyền thông vì truyền thông bây giờ cơ bản là truyền thông số. Xin được chúc mừng tất cả mọi người trong ngôi nhà chung TT&TT.
Thứ hai, Ngày Quốc khánh 2/9, ngày khai sinh nước Việt Nam mới làm chúng ta nhớ lại khát vọng về một Việt Nam sánh vai cường quốc năm châu của cha ông chúng ta. Thế hệ chúng ta phải kế thừa quá khứ và mở ra tương lai. Kế thừa quá khứ là kế thừa cái tinh thần Đại Việt, kế thừa cái ý chí độc lập, cái khát vọng cường quốc của cha ông chúng ta. Nhưng cũng phải kể được câu chuyện của thế hệ mình, viết nên trang sử của thế hệ mình, phải làm cái phần của thế hệ mình để Việt Nam thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, tức là chỉ còn hơn 20 năm nữa. Xin chúc báo chí chúng ta thổi lên khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, từ đó tạo lên sức mạnh tinh thần để dựng xây Việt Nam phồn vinh và hạnh phúc. Xin chúc mỗi chúng ta hãy làm tốt cái phận sự của mình.
Thư ba là về ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). AI, nhất là học sâu, đã qua giai đoạn khám phá, nghiên cứu, đã bước vào giai đoạn ứng dụng. Nghiên cứu, khám phá thì cần giới tinh hoa, bỏ ra công sức vài chục năm mới có được một đột phá. Vẫn là Mỹ và một số nước phát triển đóng vai chính trong giai đoạn nghiên cứu, khám phá công nghệ mới.
Việt Nam thì chưa tham gia được nhiều trong giai đoạn này. Nhưng giai đoạn ứng dụng thì chỉ cần kỹ sư, cần nhiều kỹ sư mức ứng dụng, ai nhanh chân ứng dụng thì được hưởng lợi nhiều nhất. AI đã trở thành như điện của CMCN lần thứ 2, như động cơ hơi nước của CMCN lần thứ nhất, nó cần được phổ cập, thâm nhập vào mọi lĩnh vực, mọi nơi, mọi chốn, mọi công việc hàng ngày, của mọi người, mọi doanh nghiệp, mọi tổ chức. Cách phổ cập AI là biến công nghệ AI thành một dịch vụ giá rẻ, phổ cập như dịch vụ điện thoại. Bộ TT&TT đang kiến nghị Chính phủ ban hành một chương trình hành động quốc gia về đẩy nhanh ứng dụng AI trong chuyển đổi số (CĐS), trong Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. AI sẽ giúp tăng năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm, tạo ra các giá trị mới. Báo chí chúng ta đã có Chiến lược quốc gia về CĐS báo chí.
Bộ TT&TT đang phát triển một nền tảng AI để giúp cho các cơ quan báo chí. AI là để trao thêm quyền năng cho con người thay vì thay thế con người, nó là công cụ để mỗi người vẫn làm việc của mình nhưng làm tốt hơn, nó hơi giống như mỗi người chúng ta có thêm một người trợ lý giúp việc. Nhanh chóng phổ cập hóa ứng dụng AI, nhưng phải là AI do chúng ta phát triển, do chúng ta “nuôi dạy” (dữ liệu, mục tiêu, lựa chọn thuật toán, huấn luyện là của chúng ta).
Thứ tư, tôi xin phép được chia sẻ với mọi người về sức mạnh của câu nói “Tôi không biết”. Nói “Tôi không biết” thì não của chúng ta mới mở ra, nói “Tôi biết” là nó đóng lại. Nói “Tôi biết” thì người đối diện cũng sẽ không nói gì nữa. Nói “Tôi không biết” thì họ lại sẵn sàng chia sẻ, và chúng ta sẽ tiếp cận được tới hàng triệu kho tri thức.
Bởi vậy, thay vì tự hào nói “Tôi biết” thì hãy nhìn thấy cái hay, cái hiệu quả, cái giá trị của câu nói “Tôi không biết”. Sức mạnh này cũng sẽ tăng lên gấp bội nếu chúng ta có câu hỏi đúng, câu hỏi hay.
Nghề báo của chúng ta vốn là nghề đi tìm hiểu, nghề đi hỏi. Chúng ta vốn đã có sức mạnh của người không biết, và sức mạnh của câu hỏi. Thời đại đang đổi mới này, đang chuyển đổi số này, không có ai biết tất cả mọi thứ, thì cả 2 sức mạnh đó lại lớn hơn bao giờ hết. Vậy thì báo chí chúng ta hãy tận dụng 2 sức mạnh cốt lõi này của báo chí.