Phân rõ vai, tránh chồng chéo nhiệm vụ
Chiều ngày 31/1, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cùng đoàn công tác của Bộ TT&TT đã làm việc với Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số Việt Nam.
Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số Việt Nam là đơn vị thuộc Bộ TT&TT có chức năng nghiên cứu, xây dựng, thực hiện chiến lược, chính sách, quy hoạch, kế hoạch và đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp phần mềm và nội dung số.
Theo báo cáo của Viện trưởng Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số Việt Nam Lưu Vũ Hải, nhân sự của Viện đa số có trình độ đại học trở lên, được đào tạo cơ bản, nhiệt huyết. Năng lực của các cán bộ, nhân viên của Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số Việt Nam, theo đánh giá của Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng là không thua kém so với người lao động các đơn vị khác trong khối công nghệ số của Bộ.
Dù vậy, qua nhiều năm Viện chưa khởi sắc, chưa có hướng đi, chưa có lãnh đạo phù hợp và cũng chưa có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Bộ, ngành.
Chức năng và nhiệm vụ, hoạt động của Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số Việt Nam, nếu duy trì như hiện tại cũng sẽ có mâu thuẫn, chồng chéo với một số đơn vị khác của Bộ như: Viện Chiến lược TT&TT, Cục Chuyển đổi số quốc gia, Cục Công nghiệp CNTT và Truyền thông, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã chỉ rõ việc đầu tiên phải làm là phân vai cho rõ, tránh chồng chéo hoặc bỏ sót.
Nghĩ ngược lại và làm khác đi để trở thành đơn vị xuất sắc
Nhấn mạnh định hướng phát triển cho Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số Việt Nam trong ngắn hạn, trung hạn cũng như dài hạn là việc cần đặc biệt chú trọng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề xuất phương án Viện chuyển hẳn sang làm công việc mới.
Chỉ rõ cái mới hiện nay là chuyển đổi số, người đứng đầu ngành TT&TT cho rằng, nghĩ ngược lại và làm khác đi là việc Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số Việt Nam rất cần lúc này.
Bộ trưởng đề nghị Viện đừng sợ cái mới. Làm cái mới, khả năng để Viện trở thành xuất sắc. “Cái mới dễ ở chỗ, Viện sẽ phải dùng người ngoài nhiều hơn, và vì thế tổ chức của Viện sẽ gọn, nhẹ hơn và thực hiện nhanh hơn... Cái mới còn dễ ở chỗ vì không biết nên tính học hỏi cao hơn. Sức mạnh của tổ chức là học hỏi. Cái mới mà mình không biết thì tính học hỏi rất cao. Và cũng vì không biết, không có mà chúng ta sẽ phải đi ra ngoài để tìm, để biết ai tốt nhất cái gì rồi mang về. Người giỏi nhất bây giờ là người biết ai giỏi nhất cái gì. Cho nên, Viện sẽ có chỗ đứng tốt, thậm chí rất tốt, siêu tốt nếu làm cái mới”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Viện có thể chọn làm tư vấn, mang tri thức xuất sắc về chuyển đổi số đến các bộ, ngành, địa phương – những nơi cần đến các tri thức này và tạo ra giá trị.
Nhiều tri thức xuất sắc về chuyển đổi số đang ở Bộ TT&TT, song hiện chưa có ai mang đến các địa phương, đến các tổ chức để biến thành giá trị. Theo Bộ trưởng, việc của Viện sẽ là tổng hợp các tri thức xuất sắc của Bộ về chuyển đổi số, đi các địa phương, các tổ chức để tư vấn cái phù hợp và gọi tên đúng doanh nghiệp triển khai, tập trung vào giải các nỗi đau của địa phương.
Trong các tư vấn, 2 việc Viện cần làm thêm là tính toán để giá trị tạo ra lớn hơn chi phí bỏ ra của các địa phương; và biết giá dịch vụ của các doanh nghiệp để không xảy ra tình trạng đẩy giá lên cao gây tai nạn cho các địa phương, tổ chức.
“Mục tiêu là không phải là tạo ra tri thức xuất sắc mà là đưa được tri thức xuất sắc đến được với người cuối cùng cần nó và tạo ra giá trị”, Bộ trưởng lưu ý.
Trao đổi tại cuộc làm việc, ông Nguyễn Thành Phúc, Viện trưởng Viện Chiến lược TT&TT cho rằng, việc chuyển hẳn sang làm cái mới sẽ tạo ra sự khác biệt, đưa Viện trở thành một đơn vị hoàn toàn mới so với trước.
Theo Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Nguyễn Minh Sơn, Viện cũng nên đầu tư nghiên cứu kỹ về chuyển đổi số cho các ngành, lĩnh vực. Có thể chọn một số ngành, lĩnh vực chủ chốt để nghiên cứu sâu, tổng hợp các tri thức xuất sắc để có tư vấn cho các bộ, ngành.
Từ những gợi mở, những trao đổi tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh 2 việc đặc biệt quan trọng thuộc trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị đó là: xác định đường hướng, làm gì trong ngắn hạn, trung hạn, dài hạn và xây dựng tổ chức – bộ máy, quy trình, con người để thực thi các nhiệm vụ.