Kính thưa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính,
Kính thưa Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng,
Kính thưa các đồng chí,

Ngành Ngân hàng đã đi đầu về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT). Sự đi đầu này vừa có nguyên nhân khách quan là áp lực hội nhập quốc tế vừa có nguyên nhân chủ quan là sự vào cuộc mạnh mẽ của lãnh đạo ngành Ngân hàng.

Ngành Ngân hàng là ngành đầu tiên có ngày chuyển đổi số (CĐS) của ngành. Một lần nữa ngành Ngân hàng lại đi tiên phong trong việc áp dụng công nghệ mới để đổi mới ngành.

Người đi đầu là người đi vào vùng 5%. Khi mới có 5% người dùng đầu tiên thì chúng ta đã mạnh mẽ bước vào. Đó là người bản lĩnh, dấn thân. Chị Hồng là một người như vậy.

Ngành Ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế. Ngành Ngân hàng mà CĐS nhanh thì sẽ thúc đẩy cả nước CĐS nhanh.

Chuyển đổi từ ứng dụng CNTT sang CĐS là một sự chuyển đổi mang tính cách mạng. Tìm hiểu sự khác biệt này sẽ giúp chúng ta làm CĐS tốt hơn. Tôi xin nói về sự khác biệt này.

Chuyển trọng tâm từ chính quyền sang người dân, từ tổ chức sang nhân viên, từ doanh nghiệp sang khách hàng. Ứng dụng CNTT thì tập trung vào mang lại giá trị cho nhà quản lý nhiều hơn, phục vụ nhà quản lý, làm dễ việc cho nhà quản lý. CĐS thì tập trung vào mang lại giá trị cho người dùng, cho khách hàng, cho người dân. Lấy người dân làm trung tâm. Lấy người dùng, người sử dụng làm trung tâm.

Chuyển từ chi phí sang tạo ra lợi ích và giá trị. CNTT thì chỉ nói đến chi phí là bao nhiêu, nói đến đầu tư là bao nhiêu. Nhiều dự án CNTT hoành tráng ở chỗ chi nhiều tiền cho nhà cửa, máy móc, phần mềm. CĐS thì nói đến mang lại giá trị gì, lợi ích gì. CĐS thì chú trọng đánh giá hiệu quả, giá trị tạo ra trừ đi chi phí có dương không. Giống như một dự án đầu tư.
 
Chuyển từ phần mềm riêng lẻ sang nền tảng số dùng chung. CNTT thì nói đến phần mềm. Phần mềm là viết cho một phòng ban, một tổ chức, một xã, một huyện, một tỉnh. CĐS thì xuất hiện khái niệm nền tảng số. Nền tảng số là một phần cứng, một phần mềm nhiều người dùng chung trên phạm vi toàn tỉnh, toàn quốc, toàn cầu.

Chuyển từ ứng dụng công nghệ sang thay đổi cách làm việc. CNTT thì nói đến ứng dụng. Nó giống như là một công cụ. CNTT là cung cấp một công cụ để tự động hoá một việc cũ, một cách làm cũ, một quy trình cũ. CĐS thì chuyển đổi là danh từ, số là tính từ. Chuyển đổi cách làm là chính, là mục tiêu, công nghệ số chỉ là phương tiện thực hiện. CĐS ngành Ngân hàng là thay đổi cách làm ngân hàng, là ngân hàng số, là tiền kỹ thuật số, là tiền di động. Ngành Ngân hàng rất nên đi đầu về thử nghiệm các công nghệ mới, mô hình mới rồi cho áp dụng rộng rãi.

Chuyển từ cách làm từng phần sang làm toàn diện. CNTT thì chỗ làm, chỗ không, cái làm cái không. Phòng kế toán có thể làm nhưng phòng tổ chức cán bộ thì chưa làm. Phòng kế toán làm nhưng mới làm phần kế toán chi phí mà chưa làm phần khai thuế. Như vậy là trong một tổ chức, tồn tại cái trên máy tính, cái trên giấy, cái trong đầu người. Không có cái nào phản ánh toàn diện, và cuối cùng bản giấy vẫn là quyết định, làm cho CNTT trở thành một gánh nặng tăng thêm, vẫn máy tính và vẫn giấy. CĐS thì là toàn diện, mọi nơi, mọi chỗ, không còn cái gọi là nửa này nửa kia. Chỉ có một môi trường số. Mọi việc sẽ diễn ra trên môi trường số. Công việc của mỗi người mà rời máy tính ra là không làm được. Và chỉ khi này thì công nghệ số mới phát huy hiệu quả.

Chuyển trọng tâm từ giám đốc CNTT sang người đứng đầu. CNTT thì tập trung vào công nghệ, là tự động hoá cái cũ, không phải thay đổi nhiều về cách làm, cách vận hành tổ chức, nên vai trò quyết định là giám đốc CNTT. CĐS thì phải chuyển đổi cách làm, thay đổi cách vận hành tổ chức là chính nên người đứng đầu đóng vai trò quyết định. Phá huỷ cái cũ, đưa vào cách làm mới thì chỉ một người làm được, đó là người đứng đầu. Người đứng đầu mà không muốn thay đổi cách làm thì sẽ không có CĐS. Người đứng đầu muốn thay đổi cách làm mà uỷ quyền cho cấp phó làm CĐS thì cũng sẽ không có CĐS.

Chuyển từ sản phẩm sang dịch vụ. CNTT thì là mua phần cứng, phần mềm về dùng, tức là mua sản phẩm. Một sản phẩm mua về có thể dùng không hết công suất, vì vậy lãng phí. Thống kê cho thấy, các máy tính mua về ít khi dùng hết 20% công suất. Mua sản phẩm về thì phải bỏ tiền, bỏ công ra để nuôi sống sản phẩm. CĐS thì không mua sản phẩm mà là mua dịch vụ, trả tiền theo tháng, theo năm. Là chi phí thường xuyên. Dịch vụ thì dùng bao nhiêu trả bấy nhiêu. Không phải lo nghĩ về việc nuôi sống dịch vụ.
 
Chuyển từ chú trọng vào làm như thế nào sang làm cái gì. CNTT thì hay chú trọng vào làm như thế nào. Vì vậy mà nhà lãnh đạo rất khó tham gia. Giám đốc CNTT nói cái này không làm được thì nhà lãnh đạo cũng đành chịu vậy. Vì vậy mà nhà lãnh đạo thường đứng ngoài cuộc. CĐS thì nhà lãnh đạo nói muốn gì, cần làm cái gì, cần thay đổi cái gì, và sau đó là việc của nhà kỹ thuật. CNTT thế hệ mới, hay còn gọi là công nghệ số thì có đủ sức mạnh để thực hiện hầu hết các yêu cầu của nhà lãnh đạo. Và vì thế mà nhà lãnh đạo ở vào vị trí trung tâm.

Chuyển trọng tâm từ người giỏi phần mềm sang người giỏi sử dụng. CNTT thì tập trung vào người viết phần mềm. Tập trung vào đi tìm người giỏi phần mềm. CĐS thì tập trung vào người dùng. Tập trung vào việc đặt ra bài toán, vào việc sử dụng ngay từ giai đoạn phát triển ban đầu và đóng góp cho phần mềm thông minh dần lên. Phần mềm thông minh là mục tiêu cuối cùng, và để làm được việc này thì đóng góp tri thức của người dùng có ý nghĩa quyết định. Người dùng xuất sắc thì tạo ra phần mềm xuất sắc. Người đứng đầu là người hiểu nhất hoạt động của tổ chức nên phải là người dùng xuất sắc nhất. Người đứng đầu phải tham gia vào quá trình phát triển ứng dụng.

Chuyển từ hệ thống CNTT sang môi trường số. Hệ thống CNTT là hệ thống kỹ thuật. CNTT là xây dựng hệ thống kỹ thuật. Môi trường số là môi trường sống và làm việc. CĐS là xây dựng môi trường sống và làm việc mới. Môi trường thì rộng hơn rất nhiều so với hệ thống kỹ thuật.

Chuyển từ tự động hoá sang thông minh hoá. CNTT thì chú trọng tự động hoá công việc, thay lao động chân tay, thay người. CĐS thì chú trọng việc hỗ trợ để giúp con người thông minh hơn để họ làm việc đang làm của mình tốt hơn. Giúp con người ra quyết định dựa trên số liệu nhiều hơn, thông minh hơn, không chú trọng việc thay người.

Chuyển đổi từ dữ liệu có cấu trúc sang dữ liệu phi cấu trúc. CNTT thì thu thập và xử lý dữ liệu có cấu trúc, dữ liệu được định nghĩa trước, là tri thức cũ. CNTT tập trung vào tự động hoá cái cũ. Không sinh ra tri thức mới. CĐS thì thu thập và xử lý cả dữ liệu phi cấu trúc, phân tích những dữ liệu mới này để sinh ra tri thức mới. CĐS tập trung vào tạo ra tri thức mới, tạo ra nhiều giá trị mới.

Nếu nói gọn lại thì CĐS là CNTT + Số hoá toàn diện + Dữ liệu + ĐMST + Công nghệ số.

Bộ TT&TT sẽ đồng hành cùng với ngành Ngân hàng trong hành trình CĐS. 40.000 tổ công nghệ số cộng đồng tại từng làng bản, với 200.000 thành viên chủ yếu là thanh niên có kỹ năng số sẵn sàng “đi từng ngõ, gõ từng nhà” hướng dẫn kỹ năng số cơ bản cho người dân, hỗ trợ người dân sử dụng các nền tảng số của ngành Ngân hàng.
 
Việc gì khó liên quan đến CĐS thì chị Hồng đẩy sang Bộ TT&TT, càng nhanh càng tốt.

Xin trân trọng cảm ơn các đồng chí!
 
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng