Kính thưa đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước CHXNCN Việt Nam,
Kính thưa đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM,
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước,
Kính thưa các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương,
Thưa các đồng chí lãnh đạo các huyện Củ Chi và Hóc Môn, lãnh đạo các doanh nghiệp, nhà đầu tư,
Thưa các đồng chí và các bạn,
Hôm nay, về dự hội nghị này, có sự góp mặt của lãnh đạo cao nhất của những tập đoàn, tổng công ty thuộc lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin, công nghệ số lớn nhất Việt Nam. Họ có mặt ở đây, dưới sự chỉ đạo của Bộ TT&TT để chung tay chuyển đổi số 2 huyện Củ Chi và Hóc Môn, tức là góp phần hiện đại hoá, thông minh hoá các mặt kinh tế - xã hội của 2 địa phương này, làm mẫu xong nhanh để nhân rộng ra toàn quốc. Họ có mặt ở đây cũng là để tri ân người dân anh hùng của mảnh đất này, những con người đi trước về sau. Không có sự tri ân, biết ơn thì không ai có thể đi xa.
Bốn doanh nghiệp của ngành công nghệ số và truyền thông là Viettel, VNPT, MobiFone và CMC cam kết đầu tư vào 2 huyện Củ Chi và Hóc Môn là 7.500 tỷ đồng để hiện đại hoá hạ tầng số của 2 huyện này, đạt mức của một quốc gia phát triển. Trong đó, lớn nhất là dự án trung tâm dữ liệu của Viettel trị giá 6.000 tỷ đồng. Các doanh nghiệp Viettel, MobiFone và FPT cũng cam kết hỗ trợ 400 ngôi nhà tình nghĩa cho 2 huyện.
Với một chiếc điện thoại thông minh được phủ sóng là cả thế giới vào được nhà bạn và bạn cũng ra được cả thế giới. Mở cánh cửa nhà mình ra với thế giới là con đường phát triển nhanh và bền vững nhất. Điều kiện đầu tiên của chuyển đổi số (CĐS), của kinh tế số (KTS) là mỗi người dân trưởng thành có một điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình có một đường Internet cáp quang tốc độ cao. Sóng 3G/4G được phủ sóng rộng khắp, không có vùng lõm. Mục tiêu này cho Củ Chi và Hóc Môn sẽ được cơ bản hoàn thành trong năm 2022, bởi các doanh nghiệp viễn thông.
Lên môi trường số thì điều kiện thứ hai là an toàn. Các hệ thống CNTT của chính quyền phải được bảo vệ, các thiết bị Internet của người dân phải được bảo vệ.
Lên môi trường số thì mỗi người, mỗi tổ chức phải có danh tính số, tài khoản thanh toán số, chữ ký số và địa chỉ số. Có những điều kiện này là mỗi chúng ta đã có thể tham gia giao dịch số với chính quyền, tham gia nền kinh tế số, xã hội số. Mỗi người thật trở thành một người ảo. Người ảo này có không gian hoạt động là toàn quốc và toàn cầu. Không gian rộng lớn hơn luôn đi với nhiều cơ hội hơn, cơ hội bán, cơ hội mua, cơ hội hợp tác, cơ hội học, cơ hội giải trí, cơ hội kết bạn. Một người ảo có thể ánh xạ chính xác tới một người thật, làm cho các giao dịch trên không gian số được an toàn. Các doanh nghiệp công nghệ số, dưới sự chỉ đạo của Bộ TT&TT và chính quyền huyện, sẽ giúp mỗi người dân Củ Chi và Hóc Môn trở thành một người ảo. Trở thành một người ảo là có thêm một không gian sống mới, mọi cơ hội sẽ tăng gấp đôi.
CĐS thì đầu tiên là chuyển đổi chính quyền của 2 huyện lên môi trường số. 100% dịch vụ công lên trực tuyến, tỷ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến ít nhất 60%, đây là mục tiêu trong năm 2022. Và đây là nhiệm vụ mà Bộ TT&TT sẽ chỉ đạo.
Chính quyền thì ít người, xã hội thì phong phú, đa dạng và rộng khắp. Nếu không có hệ thống giám sát toàn diện, tự động thì chính quyền không thể phát hiện vấn đề sớm, không thể nhắc nhở sớm và thường là phát hiện chậm, khi vụ việc đã lớn, đã nặng, thất thoát đã lớn, người không thể cứu. Xây dựng hệ thống giám sát online, tự động cảnh báo sớm là biểu hiện đầu tiên của chính quyền thông minh. Muốn quản lý được toàn diện, rộng khắp và thường xuyên thì phải là giám sát online.
Thời đại thông tin có một vấn đề rất lớn là quá nhiều thông tin, dư thừa thông tin, không ai có thể nhớ nổi, thông tin quảng bá thì có thể trở thành không liên quan. Bởi vậy, cách tiếp cận mới với thông tin là khi cần thì có chỗ hỏi. Trợ lý ảo cho người dân, cho công viên chức là lời giải hoàn hảo cho vấn đề này. Mỗi người có một trợ lý thông minh, hiểu biết các vấn đề thì năng suất, hiệu quả sẽ tăng gấp bội.
CĐS là đưa người dân lên môi trường số. Mà đầu tiên là 100% các hộ gia đình có hoạt động mua bán trên các sàn thương mại điện tử, nhất là 2 sàn nông sản Việt Nam Vỏ Sò và Postmart. Người nông dân bán được các sản phẩm của mình trên sàn điện tử, trực tiếp đến tay người tiêu dùng trên toàn quốc, bán được nhiều hơn với giá cao hơn và đặc biệt là đưa được thương hiệu gia đình vào sản phẩm. Điều này sẽ là thay đổi căn bản của nông nghiệp Việt Nam. Chính quyền sẽ thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng đến mức thôn, xóm, với nòng cốt là thanh niên. Các tổ công nghệ số cộng đồng này sẽ đến từng hộ gia đình để hướng dẫn cài đặt và sử dụng. Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam sẽ đào tạo các tổ công nghệ số cộng đồng và trợ giúp địa phương đưa bà con, các hộ gia đình lên sàn nông sản Việt Nam, lên môi trường số.
Mọi người hay hỏi CĐS là gì? Nhưng câu hỏi đúng nên là: CĐS thì giúp được gì cho các vấn đề, các bài toán của địa phương tôi. Địa phương nêu các vấn đề của mình nên là các vấn đề khó, vấn đề lớn, kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ mà chưa làm được, hoặc là những giấc mơ lớn của chính quyền. Thí dụ như vấn đề nâng cao đạo đức và chất lượng công chức; vấn đề công bố quy hoạch đất đai ở dạng bản đồ số 3D để người dân, nhà đầu tư tiếp cận được; vấn đề giám sát sử dụng đất đai đúng quy hoạch qua bản đồ vệ tinh; vấn đề thu hẹp khoảng cách nông thôn và thành thị; vấn đề quảng bá du lịch trên môi trường số, vấn đề đưa các di sản lên không gian số; vấn đề CĐS doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ; vấn đề đào tạo kỹ năng số cho người dân; vấn đề nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; vấn đề tăng năng suất lao động; vấn đề ô nhiễm môi trường; vấn đề nghe được tiếng nói của người dân, biết được tâm trạng xã hội... Sau đó thì hỏi CĐS sẽ giúp được gì. Những năm qua, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã phát triển được rất nhiều nền tảng số để giải quyết những vấn đề nêu trên. Bộ TT&TT sẽ trợ giúp địa phương lựa chọn nền tảng số phù hợp để giải quyết các vấn đề của mình. Có những nền tảng số có thể dùng được ngay, có nền tảng phải may đo thêm, có nền tảng phải phát triển mới, nhưng tất cả đều có thể làm được vì các nền tảng này là Make in Vietnam, do người Việt Nam làm chủ. Củ Chi và Hóc Môn hãy nêu bài toán của mình và liên hệ với Bộ TT&TT để được trợ giúp.
CĐS là sự hội tụ của khoa học công nghệ, của kinh tế tri thức, của đổi mới sáng tạo, của cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Nó hội tụ trong mình cả 4 sức mạnh của thời đại. Sử dụng nó sẽ tạo ra sự phát trển đột phá, tạo ra sự phát triển nhanh và bền vững. Chưa bao giờ nhân loại có được một sự hội tụ lớn như thế này. Lợi thế lớn nhất của chế độ một Đảng lãnh đạo là khả năng huy động và tập trung toàn lực của đất nước cho những việc lớn lao, vĩ đại. CĐS quốc gia là một việc như vậy. Và bây giờ chính là lúc!
Với cái mới thì người đi sau lại có thể đi trước. Bởi vì, chấp nhận cái mới thì trở ngại lớn nhất là gánh nặng của quá khứ. Đi sau về phát triển thì không có nhiều thứ để mất, ít gánh nặng của quá khứ và vì thế mà có nhiều thứ để thắng, trong đó quan trọng nhất là khả năng chấp nhận cái mới sớm hơn người khác, sớm hơn những nơi đã phát triển. Lãnh đạo Củ Chi và Hóc Môn có tinh thần đổi mới, đi đầu, cùng với sự trợ giúp của Bộ TT&TT, của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam thì sự nghiệp CĐS chắc chắn sẽ thành công, sẽ nhanh hơn, vì thế mà có sự phát triển đột phá. Người dân Củ Chi và Hóc Môn sẽ giàu có hơn và hạnh phúc hơn, sánh vai với những nơi phát triển nhất, và đây chính là ước vọng của những người đã ngã xuống trong sự nghiệp giải phóng và thống nhất đất nước.
Xin trân trọng cảm ơn!
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng