Lời tòa soạn: Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh như vậy trong bài phát biểu tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Tin học Việt Nam lần thứ 9, diễn ra ngày 6/1. Người đứng đầu ngành TT&TT cũng bày tỏ mong muốn Hội Tin học Việt Nam hãy mở một trang mới trong lịch sử phát triển của mình - trang về công nghệ số, CĐS với tinh thần khởi đầu một chặng đường mới, chặng đường: Đoàn kết - Hợp tác vì sự nghiệp phổ cập công nghệ số để xây dựng một Việt Nam số. Dưới đây, VietNamNet xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.
Kính thưa các quý vị đại biểu
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Hội Tin học Việt Nam qua các thời kỳ, các lão thành ngành công nghệ thông tin và truyền thông nước nhà
Thưa các đồng chí và các bạn - những người đã dành trọn tâm, trí của mình cho sự nghiệp tin học, công nghệ thông tin và nay là công nghệ số và chuyển đổi số
Hội Tin học Việt Nam đã 35 năm, là một tổ chức xã hội - nghề nghiệp của những người làm công tác nghiên cứu, giảng dạy, quản lý, kinh doanh, phổ biến và ứng dụng CNTT và TT. Có thể nói, Hội Tin học Việt Nam gắn liền và đồng hành với sự nghiệp đổi mới của đất nước do Đảng ta khởi xướng năm 1986. Gắn liền và đồng hành với chặng đường thu nhập đầu người của Việt Nam tăng 40 lần, từ 100 USD lên 4.000 USD. Việt Nam từ một nước nghèo trở thành nước thu nhập trung bình.
Chúng ta nhớ về người chủ tịch đầu tiên, Chủ tịch sáng lập của Hội Tin học Việt Nam - GS.TS Khoa học Phan Đình Diệu. Nhớ về mục tiêu ban đầu của Hội là tập hợp lực lượng để góp phần đẩy mạnh các hoạt động về CNTT-TT phục vụ phát triển kinh tế, xã hội và khoa học công nghệ tại Việt Nam. Nhớ về phương châm hoạt động của Hội là “Đoàn kết - Hợp tác vì sự phát triển CNTT-TT Việt Nam”. Bất kỳ ai, bất kỳ tổ chức nào muốn đi xa thì cũng phải nhớ lấy và giữ lấy sứ mệnh ban đầu, giá trị cốt lõi ban đầu. Mỗi thế hệ đều phải kế thừa quá khứ và mở ra tương lai, và kể được câu chuyện của thế hệ mình. Nhưng không quên sứ mệnh ban đầu.
Tôi tin tưởng rằng, Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Tin học Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2023 - 2028, là trên tinh thần này.
Tôi xin nói một chút về công nghệ số, chuyển đổi số và 10 năm tới.
Công nghệ thông tin là ngành công nghiệp về xử lý thông tin, là cái có ngữ nghĩa. Cái có ngữ nghĩa thì không nhiều và xử lý nó cũng không sinh ra nhiều giá trị mới. Công nghệ số là ngành công nghiệp về xử lý dữ liệu số, bao gồm cả những cái không có ngữ nghĩa. Cái không có ngữ nghĩa thì vô hạn, nó lớn hơn hàng triệu lần so với thông tin, cứ mỗi 2 ngày thì dữ liệu sinh ra tương đương với thông tin của 2000 năm trước đó. Lần đầu tiên, công nghệ đã có thể số hoá được hầu hết thế giới thực, tạo ra vô hạn dữ liệu số, và có khả năng truyền đưa, lưu trữ và xử lý được dữ liệu rất lớn. Công nghệ số xử lý được cái không có ngữ nghĩa để sinh ra tri thức mới, giá trị mới và tạo ra sự phát triển. Xử lý được dữ liệu số vô hạn và vô nghĩa để sinh ra giá trị mới thì giá trị mới cũng vì vậy mà sẽ là vô hạn. Đây thực sự là sự phát triển mới của nhân loại.
Nghị quyết Trung ương 6 khoá XIII của Đảng ta, tháng 10 năm 2022, đã chính thức coi chuyển đổi số (CĐS) là một phương thức phát triển mới có tính đột phá, giúp đẩy nhanh, rút ngắn tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; công nghiệp công nghệ số trở thành ngành công nghiệp nền tảng. Công nghệ số, nhất là trí tuệ nhân tạo, sẽ thâm nhập vào mọi ngành, mọi lĩnh vực, mọi tổ chức và mọi việc. Các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây là cơ khí hoá, điện khí hoá và tự động hoá là máy móc thay lao động chân tay; còn với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với công nghệ cơ bản của nó là công nghệ số, thì máy móc bắt đầu thay lao động trí óc, nó giúp cho mọi tổ chức thông minh hơn. Đây là cuộc cách mạng về thông minh hoá.
10 năm tới sẽ là những chuyển dịch quan trọng: Từ hạ tầng viễn thông sang hạ tầng số; từ công nghệ thông tin sang công nghệ số; từ ứng dụng CNTT sang CĐS; từ xử lý thông tin hữu hạn sang xử lý dữ liệu số vô hạn để sinh ra giá trị mới; từ phần mềm riêng lẻ sang nền tảng số; từ gia công, lắp ráp sang Make in Vietnam; từ thị trường trong nước là chính sang thị trường quốc tế là chính; công nghệ số trở thành lực lượng sản xuất cơ bản; nhân tài số trở thành nguồn lực cơ bản; đổi mới số trở thành động lực cơ bản của phát triển.
Tôi mong muốn Hội Tin học Việt Nam hãy mở một trang mới trong lịch sử phát triển của mình. Đó là trang về công nghệ số, về CĐS. Hãy khởi đầu một chặng đường mới, chặng đường: Đoàn kết - Hợp tác vì sự nghiệp phổ cập công nghệ số để xây dựng một Việt Nam số.
Tôi xin nói về năm 2022 và 2023 để Hội Tin học Việt Nam có thể tham khảo vào chương trình nghị sự của mình.
Năm 2022 là năm mà Bộ TT&TT tập trung làm các chiến lược quốc gia cho từng lĩnh vực, để dẫn dắt một giai đoạn phát triển mới. Một số chiến lược đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, các chiến lược còn lại đang ở giai đoạn hoàn thiện cuối cùng. Đó là: Chiến lược Bưu chính số, Chiến lược Hạ tầng số, Chiến lược Chính phủ số, Chiến lược Kinh tế số và xã hội số, Chiến lược An toàn, an ninh mạng (Bộ Công an chủ trì), Chiến lược Dữ liệu số, Chiến lược Công nghiệp công nghệ số.
Năm 2022 là năm tổng tiến công về chuyển đổi số. CĐS đã trở thành toàn dân và toàn diện với việc tất cả các bộ ngành và địa phương đã ban hành nghị quyết và chương trình CĐS. 500 triệu tài khoản sử dụng các nền tảng số Việt Nam là con số chưa từng có, Make in Vietnam đã trở thành tự hào Việt Nam. Các giao dịch về kết nối và chia sẻ dữ liệu tăng gần 5 lần. Các tổ công nghệ số cộng đồng tại các thôn bản đã được thành lập và đi vào hoạt động, có thể đến từng hộ gia đình để hỗ trợ CĐS.
Năm 2022 cũng là năm mà các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tấn công mạnh mẽ thị trường nước ngoài, đi đầu tư kinh doanh, đi làm chuyển đổi số cho các nước phát triển như Mỹ, Nhật. Doanh thu từ thị trường nước ngoài của Viettel về viễn thông đã đạt 3 tỷ USD, của FPT về CNTT và CĐS đã đạt 1 tỷ USD. Có cái thì CĐS Việt Nam trước rồi ra nước ngoài, có cái lại CĐS nước ngoài trước rồi về Việt Nam. Không đi ra nước ngoài, không cạnh tranh, không chinh phục, không có doanh thu từ thị trường nước ngoài thì Việt Nam không thể trở thành nước phát triển có thu nhập cao được.
Năm 2023 sẽ là năm về dữ liệu. Đó là bảo vệ dữ liệu cá nhân; là công bố và xây dựng các cơ sở dữ liệu cấp bộ ngành và địa phương; là mở dữ liệu để kết nối chia sẻ; là an toàn dữ liệu; là xây dựng các trung tâm dữ liệu lớn quốc gia; là xử lý dữ liệu số để tạo ra giá trị mới cho nền kinh tế. Bộ TT&TT sẽ cầm nhịp về năm dữ liệu, tạo ra sự thay đổi căn bản về dữ liệu. Tạo ra dữ liệu và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới là sự khác biệt căn bản của CĐS.
Năm 2023 là năm thực hiện các chiến lược đã được ban hành. Bộ TT&TT sẽ ban hành các hướng dẫn thực thi chiến lược, tiến hành đo lường và công bố công khai các chỉ tiêu chiến lược. Từ trước đến nay, chúng ta thường thiếu những việc này, không hướng dẫn, không đo lường, và vì vậy, mà gọi là chiến lược “ngăn kéo”. Tức là chiến lược làm ra và để trong ngăn kéo.
Năm 2023, sau 3 năm COVID, các hoạt động hợp tác quốc tế bị cầm chừng, Bộ TT&TT sẽ mở chiến dịch hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ số đang kinh doanh ở nước ngoài hoặc đi ra nước ngoài. Mang tri thức, công nghệ số của Việt Nam đi mở cõi. Nhà nước mở đường, rồi người đi trước kéo người đi sau. Để thế giới biết đến Việt Nam thì không chỉ vì Việt Nam là nơi đến mà còn là do nơi Việt Nam đến.
Kính thưa các đồng chí và các bạn,
Hôm nay, ngày mai và tương lai xa hơn là như vậy. Hội Tin học Việt Nam sẽ đóng vai trò gì trong bức tranh đó, sẽ nhận trách nhiệm gì trong công cuộc CĐS quốc gia, chuyển đổi Việt Nam thành một quốc gia số?
Ba cuộc CMCN trước đây Việt Nam đã lỡ nhịp. Cuộc CMCN lần thứ tư này mà lại lỡ nhịp thì ước mơ trở thành nước phát triển có thu nhập cao lại phải đợi 50 năm, 100 năm nữa. Trước đây thì còn có thể nói do chiến tranh, bây giờ không làm được là có tội với lịch sử, với con cháu. Mỗi cuộc CMCN mới sẽ tạo cơ hội chỉ cho một số ít nước bứt phá vươn lên trở thành nước phát triển. Nhưng không phải tất cả. Việt Nam chúng ta phải đi đầu trong cuộc cách mạng số này để thay đổi thứ hạng, để trở thành nước phát triển. Với lực lượng đông đảo và rộng khắp các tỉnh thành, với các hoạt động phong phú, phủ rộng mọi đối tượng, Hội Tin học Việt Nam hãy “lĩnh ấn” tiên phong.
Thay mặt Bộ TT&TT, tôi xin chúc Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Tin học Việt Nam lần thứ IX thành công tốt đẹp, bầu ra ban chấp hành mới, chủ tịch mới, định hình được lý luận và chiến lược, đi con đường của mình để thực hiện thành công sứ mệnh phổ cập công nghệ số, empower người Việt Nam bằng công nghệ số, biến CĐS thành cuộc cách mạng toàn dân và toàn diện.
Xin chúc tất cả các đồng chí và các bạn một năm mới với nhiều khởi tạo mới và thành công để Việt Nam bay lên hùng cường, thịnh vượng và hạnh phúc!
Xin trân trọng cảm ơn!
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng