Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng thông tin ASEAN lần thứ 16 (AMRI 16) diễn ra tại TP Đà Nẵng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã tiếp bà Puangpet Chunlaiad, Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng Thái Lan.
Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và bà Puangpet Chunlaiad đã chia sẻ về các lĩnh vực truyền thông, báo chí, chuyển đổi số, chống tin giả; mong muốn thúc đẩy về truyền thông giữa hai nước.
Hai bộ trưởng đề xuất thời gian tới Việt Nam và Thái Lan cần có nhiều phóng sự truyền hình để quảng bá về hình ảnh văn hóa, lịch sử của nhau. Cùng với đó, chia sẻ những kinh nghiệm về phòng, chống tin giả.
Cả hai nước nhận định rằng, người dân là chủ thể quan trọng nhất trong “cuộc chiến” này. Mỗi người dân cần nhận thức được thông tin giả, thật khi tiếp nhận.
Hai nước đều ưu tiên tăng cường quản lý nội dung trên hệ thống phát thanh truyền hình, mạng xã hội, đẩy mạnh xử lý tin giả, tin xấu độc, xây dựng không gian mạng lành mạnh, an toàn.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thông tin thêm, Việt Nam đang trong quá trình xây dựng các quy định về xử lý thông tin giả trên không gian mạng. Cùng với đó, Việt Nam chú trọng công nghệ số để phân loại tin tức trên không gian mạng, từ công nghệ số để biết được tin nào tích cực, hoặc tiêu cực; đồng thời mong muốn Việt Nam và Thái Lan cũng như ASEAN có chung tiếng nói để chống tin giả hiệu quả hơn.
“Các nước ASEAN có chung tiếng nói sẽ tốt hơn rất nhiều. Nếu chúng ta xử lý được tin giả trên các nền tảng xuyên biên giới thì sẽ xử lý hơn 90% tin giả”, Bộ trưởng chia sẻ.
Liên quan đến vấn đề chống tin giả, nằm trong chuỗi sự kiện Hội nghị AMRI 16, ngày 19/9, đã diễn ra Diễn đàn ASEAN về ứng phó và xử lý tin sai sự thật trên không gian mạng.
Tại diễn đàn, các đại biểu ASEAN chia sẻ, sự lan truyền tràn lan của tin giả trên Internet và mạng xã hội là một trong những vấn đề cấp bách nhất mà các chính phủ trên thế giới phải đối mặt hiện nay. Tin giả và thông tin không chính xác đã làm ảnh hưởng đến kinh tế, chính trị.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cho biết, từ năm 2017 đến nay, ASEAN đã tiến hành nhiều hoạt động nhằm tăng cường nhận thức về việc đối phó với tác hại của tin giả…Tuy nhiên, các hoạt động chủ yếu tập trung vào việc chia sẻ các chính sách và kinh nghiệm giữa các cơ quan quản lý. Đã đến lúc chúng ta cần đẩy mạnh hơn sự hợp tác giữa các cơ quan quản lý truyền thông, những người đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường thông tin; giữa các cơ quan truyền thông tham gia truyền bá thông tin chính thống và chính xác, phát hiện, công bố và sửa chữa tin giả; giữa các cơ quan nghiên cứu như các tổ chức nghiên cứu độc lập, tổ chức xác minh và nhà cung cấp mạng xã hội để đối phó với thông tin sai lệch trong khu vực.