Ngày 12/1, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã có buổi nói chuyện với cán bộ, biên tập viên NXB Chính trị quốc gia Sự thật về chuyển đổi số và dự Hội nghị ký kết chương trình phối hợp công tác giữa NXB Chính trị quốc gia Sự thật và Bộ Thông tin và Truyền thông.
Tham dự hội nghị còn có ông Vũ Trọng Lâm, Giám đốc - Tổng Biên tập NXB Chính trị quốc gia Sự thật; ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành.
Biến AI thành trợ lý của các biên tập viên
Tại buổi nói chuyện, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng giải đáp các câu hỏi về chuyển đổi số, qua đó thấy rõ cơ hội lịch sử chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam nói chung và của ngành xuất bản nói riêng; những lợi ích mà quá trình này mang lại cũng như thách thức, yêu cầu cốt lõi nhất khi tiến hành chuyển đổi số.
Người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, mỗi ngành đều có đặc thù riêng, đặt ra yêu cầu khác nhau, nhưng lại có một điểm chung là giải quyết câu chuyện bằng công nghệ số. Điều đó bắt buộc người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị phải thay đổi suy nghĩ.
“Có thể thấy chuyển đổi số là cuộc cách mạng về thể chế nhiều hơn là công nghệ”, Bộ trưởng khẳng định.
Bộ trưởng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, khi cả nước đang xây dựng, phát triển Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, tất cả các ngành, lĩnh vực đều đang thực hiện chuyển đổi số thì việc chuyển đổi số xuất bản đang là một yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết đặt ra. NXB Chính trị quốc gia Sự thật là cơ quan xuất bản sách lý luận chính trị trung ương của Đảng, đơn vị nòng cốt của ngành xuất bản, phải trở thành đơn vị đi tiên phong trong chuyển đổi số. Các biên tập viên cần dạy nghề cho AI để biến AI thành trợ lý cho bản thân, tương lai mỗi người sẽ có một trợ lý ảo.
“NXB Chính trị quốc gia Sự thật là đơn vị xuất bản lớn. Điều quan trọng nhất là cán bộ, biên tập viên NXB hợp tác với đơn vị sản xuất phần mềm, dạy lại nghề của mình cho họ, họ sẽ tạo ra một ‘đứa con’, một công cụ. Sau đó dùng chính công cụ đó như một trợ lý cho bản thân, không có rủi ro”, Bộ trưởng nói.
Về tương lai ngành xuất bản, Bộ trưởng cho rằng nó sẽ không bao giờ biến mất.
“Xuất bản mang tới tri thức, ngừng xuất bản có nghĩa là dừng quá trình tạo ra tri thức, khi đó loài người sẽ biến mất. Tương lai của ngành xuất bản là phải làm khác đi nhưng nếu không khéo sẽ chỉ là ngành truyền thông tin chứ không phải ngành truyền tri thức. Nghĩa là cần cô đọng lại thông tin từ cuốn sách nhiều trang”, Bộ trưởng chia sẻ.
Bộ trưởng cho biết, năm 2024, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đẩy mạnh xây dựng Chiến lược chuyển đổi số ngành xuất bản nhằm đưa vào Chương trình hành động của Chính phủ để thúc đẩy chuyển đổi số của ngành mạnh mẽ hơn nữa.
Chia sẻ về quá trình chuyển đổi số của NXB Chính trị quốc gia Sự thật, PGS.TS. Vũ Trọng Lâm, Giám đốc - Tổng Biên tập NXB cho biết, là đơn vị nòng cốt của ngành xuất bản nên đơn vị không thể đứng ngoài xu thế chung.
PGS.TS Vũ Trọng Lâm bày tỏ vui mừng được đón tiếp Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, người đã dành nhiều thời gian, tâm huyết với công tác chuyển đổi số. Ông mong trong thời gian tới, NXB Chính trị quốc gia Sự thật tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, hỗ trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông để hoạt động xuất bản nói riêng, các hoạt động của NXB Chính trị quốc gia Sự thật nói chung trong chuyển đổi số, đạt được những kết quả thiết thực và hiệu quả.
Làm thật, giá trị thật để chuyển đổi số đến toàn diện
Nhằm cụ thể hoá quan điểm chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, ông Nguyễn Thanh Lâm - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đại diện Bộ ký kết Chương trình phối hợp công tác với NXB Chính trị quốc gia Sự thật. Trong thời gian tới, hai cơ quan sẽ đẩy mạnh phối hợp trên 6 nội dung cơ bản gồm:
Thứ nhất, xây dựng kế hoạch chuyển đổi số của NXB.
Thứ hai, phát triển nền tảng xuất bản, phát hành điện tử; nền tảng đọc sách, tài liệu lý luận chính trị phục vụ học tập, nghiên cứu của cán bộ, Đảng viên; ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo vào công tác quản lý, biên tập, phát triển thị trường của NXB.
Thứ 3, triển khai các nhiệm vụ tại Chỉ thị số 44-CT/TW, ngày 16/4/2020 của Ban Bí thư về “Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành và nghiên cứu, học tập sách lý luận, chính trị” gắn với công tác chuyển đổi số của NXB; nghiên cứu xây dựng Đề án Cơ sở dữ liệu quốc gia về sách lý luận, chính trị trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Thứ tư, đẩy mạnh xuất bản sách về chuyển đổi số theo Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn và Đề án sách Trung ương đặt hàng, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, Đảng viên và nhân dân về chuyển đổi số; phát triển, mở rộng các tủ sách điện tử chuyên đề, xây dựng một số tủ sách điện tử tiếng nước ngoài.
Thứ năm, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ về chuyển đổi số cho đội ngũ lãnh đạo, quản lý, biên tập viên, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số của NXB.
Thứ sáu, triển khai các giải pháp truyền thông sách, quảng bá sản phẩm sách điện tử của NXB.
Ông Nguyễn Thanh Lâm khẳng định, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ giao cho Cục Xuất bản, In và Phát hành; Cục Chuyển đổi số quốc gia và các cơ quan liên quan của Bộ để triển khai cụ thể theo từng nhiệm vụ với phương châm: “Làm thật, giá trị thật để chuyển đổi số đến toàn diện hoạt động của NXB Chính trị quốc gia Sự thật”.
“Sau lễ ký kết, các bên liên quan cần sớm bắt tay vào công việc để cho ra đời các sản phẩm, mô hình cụ thể, đưa tri thức, lý luận, hệ tư tưởng của Đảng tiếp cận với quảng đại quần chúng theo những phương thức mới, sáng tạo, lôi cuốn; góp phần thực hiện sứ mệnh mới của ngành xuất bản trong kỷ nguyên số”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm khẳng định.