Phải cập nhật kiến thức y khoa liên tục
Dự thảo luật quy định phải kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề trước khi cấp giấy phép hành nghề đối với các chức danh: Bác sĩ; Y sĩ thuộc lực lượng vũ trang nhân dân; Điều dưỡng; Hộ sinh; Kỹ thuật y; Dinh dưỡng; Cấp cứu viên ngoại viện (Paramedic).
Các đối tượng là Lương y, người có bài thuốc gia truyền, người có phương pháp chữa bệnh gia truyền tiếp tục áp dụng hình thức xét cấp dựa vào hồ sơ.
So với hồ sơ đề nghị xây dựng Luật đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, dự án Luật có bổ sung 3 chức danh là y sĩ thuộc lực lượng vũ trang nhân dân; dinh dưỡng và cấp cứu viên ngoại viện.
Dự thảo quy định phải cập nhật kiến thức y khoa liên tục trong quá trình hành nghề, theo đó nếu sau 5 năm kể từ thời điểm được cấp phép hành nghề, người hành nghề nếu đạt đủ số điểm theo quy định thì sẽ được tự động gia hạn giấy phép hành nghề. Còn không đạt đủ số điểm theo quy định thì sẽ phải cập nhật bổ sung hoặc phải kiểm tra đánh giá kiến thức để được gia hạn giấy phép hành nghề.
Không cấp mới giấy phép hành nghề cho đối tượng là y sĩ từ ngày 1/1/2025 nhưng vẫn cho phép y sĩ đã được cấp chứng chỉ hành nghề theo Luật năm 2009 tiếp tục hành nghề trọn đời.
Về quản lý người hành nghề, bỏ quy định đối tượng theo văn bằng chuyên môn phải có chứng chỉ hành nghề như Luật năm 2009 và thay thế bằng quy định chức danh nghề nghiệp phải có giấy phép hành nghề. Trên cơ sở chức danh nghề nghiệp được quy định trong Luật, Chính phủ sẽ quy định văn bằng chuyên môn tương ứng với từng chức danh.
Dự thảo cũng quy định giấy phép hành nghề có giá trị thời hạn là 5 năm với điều kiện gia hạn là phải cập nhật kiến thức y khoa cùng với việc phải có đủ sức khỏe và không thuộc trường hợp bị cấm hành nghề.
Về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, dự thảo Luật thay đổi từ cách tiếp cận giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bao gồm các nhóm yếu tố chi phí trực tiếp, tiền lương, chi phí quản lý và khấu hao tài sản cố định sang cách tiếp cận giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bao gồm các yếu tố phát sinh trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh.
Việc xây dựng, quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thực hiện theo quy định của pháp luật về giá.
Liên quan vấn đề còn ý kiến khác nhau, về thẩm quyền cấp Giấy phép hành nghề, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết có 2 phương án.
Phương án 1: Giao Hội đồng y khoa quốc gia cấp, thu hồi Giấy phép hành nghề.
Phương án 2: Giao Hội đồng y khoa quốc gia thực hiện việc kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh của người đề nghị cấp giấy phép hành nghề và giao các cơ quan quản lý Nhà nước (Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Sở Y tế) căn cứ kết quả kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh cũng như các điều kiện về sức khỏe, điều kiện về không thuộc trường hợp bị cấm để thực hiện việc cấp phép hành nghề.
Về sử dụng ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài tại Việt Nam cũng có 2 phương án.
Phương án 1: Quy định việc sử dụng ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh tại Dự thảo Luật như sau: “Người hành nghề là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài (sau đây gọi chung là người hành nghề nước ngoài) đăng ký hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam phải biết tiếng Việt thành thạo, trừ trường hợp người hành nghề nước ngoài chỉ đăng ký khám bệnh, chữa bệnh cho người có cùng ngôn ngữ mẹ đẻ…”
Phương án 2: Giữ nguyên như quy định hiện hành (Người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài trực tiếp khám bệnh, chữa bệnh cho người Việt Nam phải biết tiếng Việt thành thạo; trường hợp không biết tiếng Việt thành thạo thì phải đăng ký ngôn ngữ sử dụng và có người phiên dịch…).
Giấy phép hành nghề có thời hạn 5 năm
Trình bày báo cáo thẩm tra Tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, về thẩm quyền cấp, thu hồi Giấy phép hành nghề, Ủy ban Xã hội tán thành với phương án 2 vì cho rằng quy định như vậy là phù hợp, đảm bảo tính khả thi trong bối cảnh hiện nay.
Về sử dụng ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài tại Việt Nam, một số ý kiến trong Ủy ban Xã hội nhất trí với phương án 1, theo đó người hành nghề khám chữa bệnh phải biết tiếng Việt thành thạo và không sử dụng phiên dịch khi hành nghề, trừ một số trường hợp đặc biệt, song đề nghị xác định rõ tiêu chí “biết tiếng Việt thành thạo” và “cùng ngôn ngữ mẹ đẻ”; cần nghiên cứu quy định lộ trình đáp ứng điều kiện sử dụng tiếng Việt thành thạo đối với người nước ngoài xin cấp mới Giấy phép hành nghề để đảm bảo sự bình đẳng giữa những người hành nghề.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đồng tình với phương án 2 và cho rằng, để khắc phục các tồn tại hiện nay, cần xác định trách nhiệm pháp lý của phiên dịch, nâng cao chất lượng đội ngũ này, đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra.
Về thời hạn của giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, UB Xã hội cơ bản nhất trí quy định Giấy phép hành nghề có thời hạn 5 năm.
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng không cần quy định thời hạn của Giấy phép hành nghề mà chỉ cần sửa đổi các quy định hiện hành về cập nhật kiến thức chuyên môn liên tục để đảm bảo yêu cầu và nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh.
Về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, Ủy ban Xã hội thấy rằng, dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh là dịch vụ đặc biệt, liên quan đến lĩnh vực an sinh xã hội, do vậy, thẩm quyền quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vẫn cần thực hiện theo nguyên tắc Nhà nước thống nhất quản lý về giá.
Nhiều ý kiến trong UB thống nhất với quy định cho phép cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân được quyền quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật Giá nhưng cần bổ sung quy định nguyên tắc xây dựng giá dịch vụ y tế khối tư nhân.
Tuy nhiên, một số ý kiến khác trong Ủy ban thấy rằng, cần quy định khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân để đảm bảo quyền của người bệnh.
Bên cạnh đó, Ủy ban đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí cấu thành, đảm bảo tính phù hợp, toàn diện và khả thi.
Hương Quỳnh