Sáng 13/6, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thông tin như trên tại cuộc làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính với Hội Nhà báo Việt Nam.
Bộ trưởng Nội vụ cho biết, Hội Nhà báo Việt Nam đã xây dựng các cấp hội từ Trung ương đến địa phương vững mạnh, đoàn kết và phát huy vai trò của hội viên. Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà chia sẻ những khó khăn, thách thức mà báo chí đang gặp phải trong xu thế cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số.
Về biên chế Hội Nhà báo Việt Nam, các địa phương và biên chế của các cơ quan báo chí, Bộ trưởng nhận định, những năm qua đã làm rất quyết liệt theo tinh thần Nghị quyết 18, 19 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Vì vậy, cả hệ thống chính trị đều quyết tâm thực hiện giảm biên chế. Từ đó, tạo nguồn lực cho việc giải quyết cải cách chính sách tiền lương. “Hội Nhà báo các cấp, các cơ quan báo chí cũng không nằm ngoài mục tiêu này”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nói.
Hội Nhà báo Việt Nam có biên chế nằm trong biên chế của các hội do Đảng, Nhà nước, giao nhiệm vụ. Hiện hội có 17 biên chế, theo Bộ trưởng Nội vụ, số biên chế như vậy là rất thấp. Vừa qua, Bộ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 101 về việc hợp đồng trong các đơn vị sự nghiệp, đơn vị hành chính, tổ chức hành chính.
Về thi nâng ngạch cho các tổ chức Hội, bà Trà khẳng định vấn đề này không vướng, nếu đủ tiêu chuẩn, điều kiện thì đề nghị để có thể tổ chức thi nâng ngạch cho các nhân sự là biên chế của Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà báo các cấp.
Về thi thăng hạng, Bộ Nội vụ đang đề xuất Chính phủ bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức để giảm gánh nặng thi cử, tốn kém, nhưng trước mắt vẫn giữ hình thức xét thăng hạng theo tiêu chuẩn, điều kiện.
"Chúng tôi đang tính toán một vài năm nữa sẽ đề xuất bỏ cả thi và xét thăng hạng viên chức để trả lương theo vị trí việc làm. Trên thế giới không có nước nào thi hay xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức", Bộ trưởng Nội vụ thông tin.
Theo quy định hiện hành, có hai hình thức thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức là thi và xét. Việc này thuộc thẩm quyền của các bộ quản lý chuyên ngành và cơ quan quản lý viên chức.
Tuy nhiên, Bộ Nội vụ cho rằng, thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức thời gian qua gặp nhiều khó khăn. Các bộ quản lý chức danh nghề nghiệp chuyên ngành chậm ban hành thông tư quy định nội dung, hình thức thi và xét thăng hạng dẫn đến chậm tổ chức, ảnh hưởng quyền lợi của đội ngũ viên chức.
Từ năm 2012 đến 2018, chỉ có 6 bộ tổ chức thi hoặc xét thăng hạng viên chức. Các địa phương chủ yếu cử viên chức tham gia các kỳ thi do bộ tổ chức; chỉ có TP Hà Nội tổ chức thi. Những chức danh như kiến trúc sư, thẩm kế viên, đo đạc, địa chính, đạo diễn chưa được thi.
Điều kiện để viên chức dự thi là phải có chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp, trong khi nhiều chức danh không xây dựng được chương trình và các khóa bồi dưỡng. Vì vậy, nhiều kỳ thi thăng hạng viên chức không được tổ chức.
Theo Bộ Nội vụ, các kỳ thi cũng chưa gắn với yêu cầu nâng cao chất lượng viên chức bởi nội dung còn hình thức, chưa sát vị trí việc làm và đặc thù công việc của từng chức danh nghề nghiệp.