Chuyến thăm của Bộ trưởng Austin diễn ra chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Berlin để gặp các nhà lãnh đạo Anh, Đức, Pháp, và thảo luận về việc tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine, cũng như “kế hoạch chiến thắng” gồm 5 bước của Kiev.
Theo hãng tin CNN, trong chuyến thăm Kiev, ông Austin dự kiến gặp người đồng cấp Ukraine Rustem Umerov. Chuyến công tác sẽ là cơ hội để đánh giá các mối quan hệ giữa Washington và Kiev, kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022.
Đáng nói, kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 5/11 có thể tác động sâu sắc đến sự ủng hộ của Washington dành cho Kiev. Bởi ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump gần đây đã chỉ trích Tổng thống Biden và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phải chịu trách nhiệm cho sự bùng nổ cuộc xung đột ở Ukraine.
Nhiều người lo ngại nếu ông Trump đánh bại ứng viên tổng thống đảng Dân chủ là Phó Tổng thống Kamala Harris, ông có thể rút lại sự ủng hộ của Mỹ đối với Ukraine, và buộc Kiev phải nhượng bộ trước Moscow.
Còn hiện tại, bất chấp Kiev nhận được sự ủng hộ lớn từ phía Washington, các lực lượng Nga vẫn đang tiến công ở miền đông Ukraine. Ngoài ra, Ukraine lo ngại sắp phải hứng đòn tấn công liên tiếp của Nga vào mạng lưới năng lượng khi mùa đông đang tới gần.
Lý do hạm đội Nga phải rời khỏi Crưm
Tờ Moskovsky Komsomolets hôm nay (21/10) đưa tin, ông Dmitry Rogozin, quan chức trong chính quyền tại tỉnh Zaporizhzhia do Nga bổ nhiệm, xác nhận Moscow đã phải di dời các tàu thuộc Hạm đội Biển Đen để tránh đòn tấn công từ xuồng không người lái (USV) của Hải quân Ukraine.
Lời thừa nhận bất ngờ của ông Rogozin trùng với những tuyên bố trước đó của giới chức Kiev liên quan tới tổn thất của Hạm đội Biển Đen hoạt động ở bán đảo Crưm, khu vực thuộc Ukraine nhưng đã sáp nhập vào lãnh thổ Nga hồi năm 2014.
Các cuộc tấn công liên tiếp của Ukraine vào Crưm đã buộc Nga phải rút phần lớn lực lượng hải quân khỏi bán đảo này đến thành phố Novorossiysk ở vùng Krasnodar Krai, nơi đang trở thành một cảng quan trọng cho Hạm đội Biển Đen của Nga.
Theo ông Rogozin, một "cuộc cách mạng quân sự - kỹ thuật" đã diễn ra, khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, cũng như tác động đến tính hữu dung của các hệ thống vũ khí truyền thống. Ông nói thêm, Hạm đội Biển Đen của Nga là một hệ thống vũ khí đã trải qua nhiều thay đổi trong quá trình xung đột.
"Hạm đội Biển Đen đã buộc phải thay đổi nơi hoạt động, vì các tàu lớn của chúng tôi trở thành mục tiêu cho USV của đối phương", ông Rogozin nói.
Theo đánh giá của quân đội Ukraine, khoảng 30% Hạm đội Biển Đen của Nga đã bị mất, hoặc bị vô hiệu hóa sau đòn tấn công từ các lực lượng Kiev.