Reuters dẫn lời ông Austin phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 26/4: “Đây là gói hỗ trợ lớn nhất mà chúng tôi từng cam kết cho đến nay dành cho Ukraine”.
Báo Pravda đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã công bố gói viện trợ bổ sung trong khuôn khổ Sáng kiến Hỗ trợ an ninh Ukraine (USAI), sau hội nghị lần thứ 21 của Nhóm Tư vấn phòng thủ Ukraine tại căn cứ không quân Ramstein, Đức.
Theo chương trình USAI, chính phủ Mỹ sẽ ký hợp đồng với các công ty quốc phòng để sản xuất vũ khí mới cho Kiev, thay vì cung cấp khí tài từ kho dự trữ của quân đội nước này. Điều đó có thể thực hiện được sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 24/4 đã ký ban hành luật cho phép phân bổ 61 tỷ USD để trợ giúp quân sự và kinh tế cho Ukraine và các đồng minh khác của Washington.
Chính phủ Mỹ ra thông cáo cho biết, gói viện trợ kỷ lục 6 tỷ USD sẽ được dùng để mua sắm vũ khí mới cho Kiev, bao gồm đạn dược, máy bay không người lái (UAV), radar, các hệ thống chống UAV có độ chính xác cao, tên lửa, vũ khí hạng nhẹ, phương tiện tác chiến và các thiết bị đánh chặn cho hệ thống phòng không Patriot và NASAMS.
Tại hội nghị ở Ramstein, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố, nước này cần ít nhất 7 hệ thống tên lửa phòng không Patriot do Mỹ chế tạo để bảo vệ các thành phố của mình trước sự tấn công của quân Nga.
Tuy nhiên, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho hay, Washington đang phải triển khai các khẩu đội Patriot khắp thế giới, kể cả Trung Đông, để bảo vệ binh lính Mỹ nên không còn dư thừa để chuyển giao cho Kiev. Dẫu vậy, ông Sullivan lưu ý, Washington đang nỗ lực hết sức để thuyết phục Liên minh châu Âu (EU), tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và các đối tác khác chia sẻ khả năng phòng không của họ với Kiev.
Cho đến nay, Mỹ đã sản xuất hơn 1.100 bệ phóng Patriot với hàng trăm chiếc đang hoạt động và được cất trữ, nhưng chỉ gửi một hệ thống duy nhất tới Ukraine. Đức và Hà Lan đã gửi thêm 2 khẩu đội Patriot cho Kiev.