Giải trình tại phiên thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nêu hàng loạt kết quả trong thời gian qua.
Trong đó, đặc biệt là kết quả tiết kiệm đối với việc giảm bộ máy cũng như giảm công chức và các đơn vị sự nghiệp công lập cũng đã thực hiện rất mạnh mẽ. Cụ thể, các đơn vị sự nghiệp công lập giảm 13,85%, công chức giảm 10,01% và viên chức giảm 11,2%.
Chuyện "quả trứng và con gà"
Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính cũng mong Quốc hội hết sức thấu hiểu, chia sẻ và giúp đỡ, hỗ trợ Chính phủ để hoàn thiện pháp luật một cách nhanh nhất, tạo ra một đường băng để kinh tế phát triển.
Dẫn vướng mắc trong Luật Đầu tư công quy định “quả trứng và con gà, con gà có trước hay quả trứng có trước”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, chính điều này cũng tác động đến tại sao giải ngân chậm, chậm tiến độ, điều chỉnh tổng mức đầu tư nhiều lần hay các vấn đề liên quan.
Cụ thể trong Luật Đầu tư công quy định: "Dự án đầu tư phải được phê duyệt trước ngày 30/10 thì mới được bố trí vốn đầu tư công". Luật Đầu tư công cũng quy định phải bố trí vốn thì mới lập được dự án và thiết kế. Mà chưa có vốn thì không lập được dự án, không lập được dự án lại đòi hỏi có dự án mới được vay vốn.
“Cho nên, khi được vay vốn rồi thì bắt đầu mới lập dự án mất một năm, đền bù giải phóng mặt bằng mất một năm nữa, có khi mất 2 năm chưa giải ngân được. Bởi vì trong đầu tư công lại quy định đền bù, giải phóng mặt bằng trong dự án đầu tư”, Bộ trưởng phân tích.
Theo Bộ trưởng, có thể tách riêng phần giải phóng mặt bằng thành một tiểu dự án sẽ đi trước một bước thì sẽ gỡ vướng việc này. Cho nên, ông gợi mở phải sửa điều này để tách phần giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư
Dẫn lại ý kiến đại biểu về tiền sửa chữa các công trình, như nhà ở, đường xá, xe đều phải đưa vào trong Luật Đầu tư công, Bộ trưởng Phớc lý giải, điều đó có nghĩa phải được ghi vào vốn của đầu tư công mới được triển khai.
“Vậy gần như các cơ quan, đơn vị rất bế tắc. Khi nhà bị hỏng, bị sập, hàng rào sập cần phải xây lại, không có vốn thì rất bí. Muốn thay một bóng đèn của thiết bị bệnh viện cũng phải lập dự án”, Bộ trưởng Tài chính nêu.
Theo ông, điều này rất ách tắc trong Luật Đầu tư công và Bộ Tài chính đã lấy ý kiến của các bộ, ngành và 63 địa phương thì 83 ý kiến đồng ý; chỉ một bộ, ngành không đồng ý.
“Chúng tôi đề nghị sửa chữa các công trình kiến trúc, nhà cửa dưới 15 tỷ đồng thì không phải thực hiện Luật Đầu tư công mong Quốc hội chia sẻ và ủng hộ”, ông Phớc thuyết phục.
Một vướng mắc nữa được tư lệnh ngành Tài chính chỉ rõ là vấn đề chậm tiến độ, thu hồi đất khó là vì thu hồi không dễ. Hiện nay những quyết định thu hồi chỉ nằm trên giấy, không triển khai được ở thực địa. Đây là một vấn đề cần phải có cơ chế.
Ông cũng nêu một loạt các vấn đề như những dự án đang còn dang dở như thanh tra, kiểm tra hoặc kiểm toán có những vướng mắc về mặt thủ tục thì giải quyết như thế nào? Hay dự án BT triển khai rất lâu, bị chững lại… Bởi Luật Đất đai quy định những dự án này phải đấu thầu
“Cần phải có một quy định ở một cấp luật cao nhất để khẳng định việc này xuyên suốt và giải phóng một nguồn lực hết sức lớn thì chúng ta mới có thể chống được lạm phát, chống được suy thoái kinh tế và tăng trưởng”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Không thể nào 100% nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu đều thành công
Bộ trưởng KH-CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, nhìn nhận khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự là động lực và nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội.
Cụ thể là còn tồn tại tình trạng nhiệm vụ khoa học, công nghệ chưa bám sát với yêu cầu sản xuất và đời sống. Các chương trình và nhiệm vụ công nghệ chưa góp phần hình thành các lĩnh vực công nghệ hay ngành mũi nhọn.
Nhiều kết quả khoa học, công nghệ từ các nhiệm vụ khoa học, công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước còn chậm được ứng dụng trong thực tiễn, do các vướng mắc về quản lý tài sản công, hệ thống thông tin, thống kê về khoa học, công nghệ chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, tính hệ thống, độ tin cậy.
Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, việc thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo luôn là vấn đề được Chính phủ, Thủ tướng quan tâm, chỉ đạo.
Khoảng 10 năm trước đây, kinh phí hoạt động khoa học, công nghệ chủ yếu dựa vào ngân sách Nhà nước, chiếm khoảng 70% đến 80% tổng đầu tư cho khoa học, công nghệ.
Đến năm nay, đầu tư cho khoa học, công nghệ từ ngân sách Nhà nước và từ doanh nghiệp đã tương đối cân bằng.
Còn quỹ phát triển khoa học, công nghệ của doanh nghiệp chỉ một số doanh nghiệp lớn như Viettel, PVN, VNPT có khả năng trích lập quỹ với số tiền tương đối lớn.
“Gần như không có doanh nghiệp FDI nào trích lập quỹ, cho thấy cơ chế khuyến khích trích lập và sử dụng quỹ của ta chưa phù hợp, chưa hấp dẫn”, Bộ trưởng KH-CN nói.
Bộ trưởng đề xuất sửa đổi các quy định của Luật Khoa học, công nghệ năm 2013 và các quy định liên quan để tăng tính hấp dẫn đối với doanh nghiệp trong việc trích lập và sử dụng quỹ.
Đồng thời, bộ nghiên cứu, tham mưu Chính phủ báo cáo Quốc hội về cơ chế đặc thù trong mua sắm, đầu tư từ nguồn quỹ cho khoa học, công nghệ và phát triển công nghệ.
“Bộ cũng rất mong các vị đại biểu Quốc hội ghi nhận quan điểm về tính đặc thù của hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ. Đó là không thể nào 100% nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu đều thành công”, Bộ trưởng KH-CN nói.