Sáng 20/6, Quốc hội thảo luận tại tổ về luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng. Trước đó, Chính phủ đã trình Quốc hội cho phép các luật trên có hiệu lực sớm từ 1/8/2024 thay vì 1/1/2025.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, các cơ quan của Quốc hội rất ủng hộ sớm đưa luật vào cuộc sống. Như vậy sẽ có tác động tích cực, tháo gỡ vướng mắc về đất đai, bất động sản.
"Khi đẩy nhanh thời điểm luật có hiệu lực, Chính phủ đã bổ sung các văn bản quy định chi tiết. Nhưng nói thật chúng tôi cũng rất lo và rất băn khoăn về một số vấn đề", ông Tùng nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, mấy hôm nay Chính phủ khẩn trương tổ chức rất nhiều hội nghị trực tuyến với các địa phương để cho ý kiến về các luật. Tuy nhiên, để đảm bảo tiến độ vẫn phải có quyết tâm rất mạnh mẽ, có biện pháp rất cụ thể mới ban hành được.
"Chúng tôi rất ủng hộ việc luật có hiệu lực sớm, thông qua trình Quốc hội, nhưng trên cơ sở làm rõ các vấn đề có liên quan, báo cáo giải trình đầy đủ để các Đại biểu Quốc hội yên tâm bấm nút", ông Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh.
Đại biểu Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân cũng cho rằng, "để Quốc hội thông qua cũng rất đau đầu" vì 4 luật này tác động rất lớn đến toàn bộ vấn đề của nền kinh tế cả trước mắt và lâu dài. Do đó, nếu không cẩn trọng thì hậu quả sau này rất lớn.
Phân tích thêm, theo ông Cường, nếu triển khai sớm 4 luật sẽ cởi những nút thắt của thị trường bất động sản trong bối cảnh nhu cầu nhà ở rất lớn mà cung không có. Tuy nhiên, cũng có khó khăn, nếu không cẩn trọng chỉ cần một quyết định không chính xác sẽ để lại hậu quả, đây là thách thức phải chấp nhận.
"Đến nay mới có một nghị định được ban hành, còn lại đang được soạn thảo. Các nghị định có liên quan đến nhau, ví dụ như cải tạo chung cư cũ có liên quan đến Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Đất đai", ông Cường lưu ý.
Đại biểu đoàn Hà Nội đề nghị không chạy đua về tiến độ để đẩy nhanh sớm hoàn thành các nghị định hướng dẫn, mà phải chuẩn bị, chất lượng nội dung đặt lên hàng đầu, tránh hậu quả có thể xảy đến.
"Tôi đề xuất cho phép thực hiện sớm các luật này nhưng đặt ra yêu cầu Chính phủ phải hoàn thành các nghị định, thông tư hướng dẫn trước 31/12 với chất lượng cao nhất. Những nội dung trong luật mới mà khi thực hiện không được lợi như luật cũ thì đối tượng thực hiện cần được lựa chọn từ nay cho đến 31/12", đại biểu Hoàng Văn Cường nói.
Đại biểu Phạm Đức Ấn - Ủy ban Kinh tế Quốc hội thống nhất với việc cho phép luật có hiệu lực sớm. Tuy nhiên, ông cho rằng, lo ngại của Ủy ban Kinh tế cũng rất chính đáng khi đến nay mới có một nghị định hướng dẫn được ban hành, vì vậy, không thể không lo ngại.
"Luật hiệu lực sớm sẽ lợi nhiều hơn, tuy nhiên, nó sẽ có khoảng trống nhất định. Nhìn tổng quát thì cái được sẽ nhiều hơn cái không được", ông Ấn nói.
Khơi dậy nguồn lực đất đai để phục vụ phát triển đất nước
Giải trình, tiếp thu ý kiến các đại biểu, Bộ trưởng TN&MT Đặng Quốc Khánh cho biết, Luật Đất đai là luật duy nhất đến thời điểm này trải qua 4 kỳ họp và đã được Quốc hội cân nhắc rất kỹ lưỡng khi thông qua.
“Đây là bộ luật đáp ứng được mong mỏi của người dân, doanh nghiệp. Từ thời điểm được Quốc hội thông qua đến nay, người dân, doanh nghiệp, cộng đồng và các địa phương… rất mong muốn Luật Đất đai có hiệu lực sớm”, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nói.
Theo ông Khánh, trong Luật Đất đai có nhiều chính sách có lợi cho người dân, doanh nghiệp, khơi dậy nguồn lực đất đai để phục vụ phát triển của đất nước. Cụ thể như chính sách về bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người dân bị thu hồi đất, đưa ra những quy định với tinh thần “nơi ở mới phải bằng, hoặc hơn nơi ở cũ”.
Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản được Quốc hội thông qua vào tháng 10/2023. Thông thường nếu luật được thông qua vào tháng 10/2023 sẽ có hiệu lực vào 1/7/2024. Để đảm bảo đồng bộ các luật nên Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản phải đợi Luật Đất đai để cùng có hiệu lực.
“Luật ban hành sớm mà có lợi cho đất nước, người dân, doanh nghiệp thì nên triển khai. Hiện nay, nhiều địa phương xin được thí điểm việc phân cấp, phân quyền, chuyển đất lúa, đất rừng từ 10ha. Nếu luật có hiệu lực, rút ngắn thủ tục hành chính sẽ thu hút được nhà đầu tư các dự án, khơi dậy được nguồn lực đất đai”, ông Đặng Quốc Khánh nói.