Ngày 23/9/2021, đại diện 30 hiệp hội, doanh nghiệp đã có văn bản kiến nghị 7 nội dung chính liên quan tới giấy phép môi trường (GPMT); nội dung đề xuất cấp GPMT; hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp; hồ sơ, trình tự cấp đổi, điều chỉnh, cấp lại; thời điểm cấp GPMT đối với dự án đã có đánh giá tác động môi trường (ĐTM); thời gian vận hành thử nghiệm…
Tiếp đó, ngày 11/10, 11 Hội đã có thư kiến nghị về nội dung dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật BVMT 2020 (do Bộ TN&MT xây dựng) cho rằng còn nhiều nội dung không phù hợp với các luật hiện hành và điều kiện thực tiễn Việt Nam.
Bộ TN&MT làm việc với đại diện các hiệp hội, hội đóng góp ý kiến về dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật BVMT năm 2020 |
Các hiệp hội kiến nghị Bộ TN&MT cần đơn giản, minh bạch hóa thủ tục cấp giấy phép môi trường và chuyển sang hậu kiểm thay vì chỉ tiền kiểm; cần sửa đổi hoặc bãi bỏ những quy định không phù hợp với thực tiễn Việt Nam, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường đầu tư - kinh doanh và hoạt động của doanh nghiệp.
Bãi bỏ việc thành lập Văn phòng EPR (quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) và Hội đồng EPR do không có đề cập hay quy định trong Luật BVMT 2020, hoàn toàn không có cơ sở pháp lý. Việc này chỉ làm tăng biên chế bất hợp lý và quy chế hoạt động có nhiều điểm trái với các luật hiện có.
Ngoài ra, kiến nghị bổ sung khung pháp lý phải rõ ràng nhằm quản lý "đóng góp tài chính để tái chế bao bì, sản phẩm và xử lý chất thải; điều chỉnh tỉ lệ tái chế bắt buộc để tái chế sản phẩm, bao bì, tỉ lệ đóng góp để xử lý chất thải cho phù hợp dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn Việt Nam; lùi lộ trình thực hiện đóng góp tái chế đến tháng 1/2025 để có thời gian xây dựng công nghiệp tái chế, chuẩn bị sẵn sàng cho việc áp dụng được khả thi, đồng thời giúp các doanh nghiệp có thời gian phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Tiếp thu, điều chỉnh các kiến nghị để tốt hơn cho Nghị định
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, với tinh thần cởi mở, thẳng thắn, khách quan, Bộ trưởng và Tổ soạn thảo Nghị định lắng nghe các kiến nghị, góp ý; đối thoại với đại diện hội, hiệp hội doanh nghiệp về các nội dung này.
Ông khẳng định, những góp ý của các tổ chức, hiệp hội, đại diện các nhà sản xuất đều vì một mục đích duy nhất, đó là làm tốt hơn cho môi trường, bảo vệ môi trường, hình thành cơ sở pháp lý để quản lý, bảo vệ môi trường tốt hơn.
Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà chủ trì buổi làm việc sáng ngày 18/10 |
Đại diện Tổ soạn thảo, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Hưng Thịnh đã giải trình chi tiết các nội dung kiến nghị của các hội, hiệp hội, đại diện các nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Hưng Thịnh cho biết, cơ quan soạn thảo đã chú trọng lấy ý kiến các hiệp hội, doanh nghiệp; mời một số hiệp hội doanh nghiệp trực tiếp tham gia Ban soạn thảo, tổ biên tập; phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo tham vấn riêng ý kiến của các hiệp hội, tổ chức và doanh nghiệp; tổ chức nhiều cuộc hội thảo chuyên đề liên quan (như trách nhiệm mở rộng của các nhà sản xuất, nhập khẩu trong việc thu gom, tái chế bao bì, sản phẩm (ERP)…
Ngày 30/8, Bộ tiếp tục tổ chức buổi làm việc với các doanh nghiệp về các nội dung được nhiều doanh nghiệp quan tâm, trên cơ sở đó đã tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp để điều chỉnh, sửa đổi dự thảo Nghị định.
Đại diện Hiệp hội Thuỷ sản |
Đại diện Hiệp hội May mặc nêu ý kiến góp ý dự thảo Nghị định Luật BVMT |
Trao đổi, giải đáp từng nội dung, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Hưng Thịnh cho biết: về cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực môi trường, dự thảo Nghị định đã bám sát, cụ thể hóa chủ trương cải cách theo quy định của Luật BVMT 2020, đã giảm 18 thủ tục so với quy định hiện hành (giảm 34%); tích hợp 7 loại giấy phép, xác nhận vào một giấy phép, gồm: Giấy xác nhận hoàn thành công trình BVMT, giấy xác nhận đủ điều kiện về BVMT trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, giấy phép xả khí thải công nghiệp, giấy phép xử lý chất thải nguy hại (CTNH), giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, giấy phép xả nước thải vào công trình thuỷ lợi, Sổ đăng ký chủ nguồn thải CTNH.
“Như vậy, thay vì phải thực hiện nhiều giấy phép đơn lẻ theo như trước đây, doanh nghiệp chỉ cần thực hiện 1 thủ tục đề nghị cấp GPMT”, ông Thịnh khẳng định.
Về nội dung đối tượng đánh giá tác động môi trường, cấp GPMT, các ý kiến cho rằng trước đây, chỉ có các dự án gây ô nhiễm đến môi trường (nhóm I) mới phải làm ĐTM và xin GPMT, nhưng với quy định mới thì các dự án và nhà máy nhóm I và nhóm II kể cả đã hoạt động cũng phải làm ĐTM và xin GPMT là không có cơ sở, ông Thịnh viện dẫn Khoản 1 Điều 30; Điều 39 (Luật BVMT) để khẳng định, quy định đối tượng phải thực hiện ĐTM và giấy phép môi trường là đúng quy định của pháp luật.
Về trình tự, thủ tục cấp giấy phép môi trường, Dự thảo Nghị định mới đã đơn giản hóa quy trình rà soát tính hợp lệ của hồ sơ theo hướng chỉ thực hiện 1 lần (theo Dự thảo cũ thì thực hiện 2 lần khi tiếp nhận hồ sơ và khi thành lập đoàn kiểm tra).
Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà |
Cùng với đó, quy trình cấp giấy phép môi trường cũng được quy định đơn giản hóa theo tính chất của dự án, tăng cường thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử theo quy định của Chính phủ...
Tại buổi làm việc, đại diện các Hiệp hội Thuỷ sản, may mặc, hoá chất, thuốc bảo vệ thực vật, hiệp hội các nhà sản xuất ô tô – xe máy; hiệp hội các doanh nghiệp Châu Âu, Mỹ đầu tư tại Việt Nam… đã nêu các ý kiến, trực tiếp Bộ trưởng Trần Hồng Hà và đại diện tổ soạn thảo giải đáp.
“Nếu những vấn đề còn lấn cấn, chưa rõ ràng, Tổ soạn thảo sẽ ghi nhận, lắng nghe, tiếp thu và điều chỉnh trong dự thảo. Khi tất cả các vấn đề đã được giải đáp thoả đáng, khi đó Bộ TN&MT mới ký trình dự thảo Nghị định” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà thẳng thắn.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà yêu cầu Tổ soạn thảo ghi nhận, tiếp thu các góp ý của các đại diện nói trên, ký biên bản thống nhất với đại diện các hiệp hội, hội... ngay trong chiều ngày hôm nay để sớm hoàn chỉnh Dự thảo Nghị định theo kế hoạch.
Bộ TN&MT lập Tổ công tác đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà đảm nhiệm vai trò Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Kiên Trung