Hôm nay (4/6), Quốc hội bắt đầu nội dung chất vấn và trả lời chất vấn với 4 bộ trưởng, trưởng ngành. Nội dung chất vấn diễn ra trong 2,5 ngày.

Bốn nhóm lĩnh vực được các Đại biểu Quốc hội lựa chọn chất vấn gồm: Tài nguyên và môi trường, kiểm toán, công thương, văn hóa - thể thao và du lịch.

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh sẽ đăng đàn đầu tiên, đây cũng là lần đầu ông trả lời chất vấn trước Quốc hội kể từ khi đảm nhận cương vị tư lệnh ngành tài nguyên, môi trường.

Nhóm vấn đề chất vấn gồm các nội dung: Việc quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên biển quốc gia. Tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về an ninh nguồn nước; giải pháp phòng, chống tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu, suy giảm, ô nhiễm nguồn nước. Giải pháp nghiên cứu, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng và tài nguyên, khoáng sản quý hiếm.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Giao thông vận tải cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

04/06/2024 | 14:20

Có 49 phát biểu chất vấn, tranh luận

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, do thời gian không cho phép, ĐBQH thấy vấn đề nào chưa được giải đáp, cần làm rõ thêm xin gửi về Tổng Thư ký Quốc hội.

Các Bộ trưởng, trưởng ngành sẽ tiếp tục trả lời. Đối với lĩnh vực tài nguyên, môi trường, Chủ tịch Quốc hội cho biết, quản lý tài nguyên, môi trường; phòng chống thiên tai; ứng phó biến đổi khí hậu luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, thường xuyên, liên tục. Việc Quốc hội lựa chọn chất vấn nhóm vấn đề này đã đáp ứng sự quan tâm của cử tri và nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội cho biết đã có 49 phát biểu chất vấn, tranh luận, bao gồm 39 ý kiến chất vấn, 10 lượt tranh luận. Phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm cao, sát với tình hình thực tiễn, sát với nội dung nhóm vấn đề chất vấn.

ĐBQH nêu câu hỏi rất ngắn gọn, rõ ý, mỗi đại biểu chỉ nêu 1 vấn đề nên rất thuận lợi trong điều hành. Bộ trưởng TN&MT đã chuẩn bị kỹ nội dung, nắm chắc vấn đề, trả lời khá đầy đủ vấn đề bất cập, hạn chế; có giải pháp thực hiện trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đã tham gia làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên vẫn còn có những tồn tại, hạn chế. Qua phiên chất vấn, đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng TN&MT, các Bộ trưởng, Trưởng ngành có liên quan thực hiện hiệu quả các giải pháp đã đề ra, tập trung một số nội dung như sau:

Thứ nhất, bám sát nội dung, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trong Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong năm 2025, hoàn thành việc khảo sát, đánh giá tiềm năng năng lượng tái tạo ngoài khơi; tổng kết việc thi hành và đề xuất việc sửa đổi Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Thứ hai, tập trung triển khai có hiệu quả Luật Tài nguyên nước năm 2023, bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập và ngăn chặn suy giảm tài nguyên nước. Chủ động phòng, chống và có giải pháp ứng phó với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất.

Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng, trong đó có dự án Luật Địa chất khoáng sản trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7, xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 15.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ tổng hợp, tiếp thu nghiêm túc các ý kiến chất vấn và trả lời chất vấn đưa vào dự thảo Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn để xin ý kiến các ĐBQH trước khi thông qua tại cuối kỳ họp.

Thu gọn
04/06/2024 | 14:10

ĐBSCL hoàn toàn tự chủ được việc cung cấp cát cho các dự án cao tốc

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà báo cáo giải trình làm rõ hơn các vấn đề đại biểu quan tâm. Phó Thủ tướng cho biết, phiên chất vấn có 45 đại biểu chất vấn tập trung vào các nhóm vấn đề về khoáng sản tập trung vào đất hiếm, vật liệu san lấp; trong lĩnh vực tài nguyên môi trường tập trung vào ô nhiễm sông, quản lý chất thải rắn…; vấn đề tài nguyên nước liên quan đến an ninh nguồn nước, hạn hán, xâm nhập mặn; vấn đề khai thác bảo vệ tài nguyên biển…

Phó Thủ tướng phát biểu thêm những vấn đề có tính liên ngành, liên vùng. Cụ thể, về vật liệu xây dựng, Phó Thủ tướng cho biết trước đây phân cấp cho địa phương nhưng vướng mắc về quy trình thủ tục làm chậm trễ, kéo dài thời gian. Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo và Quốc hội lần này đã xem xét phân 4 nhóm khoáng sản, vật liệu xây dựng thông thường thuộc nhóm đơn giản hóa thủ tục.

Từ nay đến khi Luật Khoáng sản có hiệu lực, Chính phủ ban hành các nghị quyết cho phép các cơ chế đặc thù, trong đó có gia hạn, nâng công suất, đơn giản thủ tục cấp phép cho các mỏ khai thác. Hiện đang triển khai tốt.

hong ha.jpg
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà. Ảnh: QH

Đối với các vùng khó khăn về nguyên vật liệu như ĐBSCL, Thủ tướng đã 2 lần xuống làm việc, các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng cũng làm việc nhiều lần. Hiện đã triển khai một số giải pháp khắc phục: Bộ GTVT đã có nghiên cứu, đánh giá, thử nghiệm và ban hành thành các hướng dẫn tiêu chuẩn kỹ thuật… đối với nguồn cát nhiễm mặn.

Về sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp, Phó Thủ tướng cho hay, cần có các bước như ở Sóc Trăng chủ yếu là cát sông, hạt lớn. Việc đánh giá, nghiên cứu thử nghiệm từng khu vực là hết sức cần thiết.

Chính phủ đã có các phương án, Thủ tướng đã ký ban hành Nghị định 157, trong đó đối với các cảng biển nội thủy, sông ngòi, kênh rạch thì hoàn toàn có thể giao cho địa phương đánh giá, điều tra và khai thác để tận dụng nguyên liệu này.

“Qua đánh giá sơ bộ ở Tiền Giang, Bến Tre đã có 45 triệu tấn. Cho nên, với ĐBSCL hoàn toàn tự chủ được việc cung cấp cát cho các dự án cao tốc”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Ông Trần Hồng Hà cũng cho biết, Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo bổ sung thêm từ các nguồn khác, trong đó có nghiên cứu sử dụng đá xay, nhập vật liệu các từ nước bạn, với nhiều giải pháp đồng bộ, thời gian tới vấn đề này sẽ được giải quyết. Phó Thủ tướng đề nghị đối với các dự án đường cao tốc thì tư vấn thiết kế gắn với nhu cầu vật liệu san lấp các loại, đưa vào dự án nghiên cứu khả thi để địa phương chủ động hơn.

Liên quan đất hiếm, Phó Thủ tướng cho biết, ở Việt Nam, hiện theo đánh giá Cục Địa chất Mỹ, chúng ta có tổng lượng đất hiếm chiếm 18% trên thế giới với 2 loại: Đất hiếm nặng và đất hiếm nhẹ. Điều này phụ thuộc nhiều công nghệ để chuyển đổi thành các nguyên tố có giá trị.

Thị trường đất hiếm hiện nay tăng 4%/năm từ 2014 đến nay do các nhu cầu về sản xuất pin, nam châm. Hiện nay Chính phủ chỉ đạo có dự án điều tra đánh giá toàn bộ trữ lượng và các thành phần các loại đất hiếm, xác định nguyên tắc dựa vào thị trường để khai thác, đáp ứng công nghệ để tuyển chọn, không xuất khẩu thô.

Thu gọn
04/06/2024 | 14:00

Quốc hội tiếp tục chất vấn Bộ trưởng TN&MT Đặng Quốc Khánh

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 4/6, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh tiếp tục trả lời các câu hỏi về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết Bộ trưởng có 10 phút trả lời, sau đó Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà sẽ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề ĐBQH quan tâm.

Bộ trưởng trả lời 3 ĐBQH đã đặt câu hỏi trước giờ giải lao sáng nay.

ĐBQH Tạ Minh Tâm (Tiền Giang): Trách nhiệm của Bộ trưởng trong thực hiện Nghị định số 80 năm 2014, Nghị định số 38 năm 2015, Nghị định số 08 năm 2022 của Chính phủ và các quy định có liên quan đối với công tác quản lý Nhà nước về thoát nước, xử lý nước thải, tái sử dụng nước thải ở khu công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư nông thôn cũng như định hướng giải pháp trong thời gian tới nhằm phòng, chống tình trạng suy giảm, ô nhiễm nguồn nước?

ĐBQH Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương): Đầu tư nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường còn hạn chế, đề nghị Bộ trưởng cho biết, cần có cơ chế tài chính cụ thể nào liên quan đến định mức chi ngân sách Nhà nước cho bảo vệ môi trường hay tỷ lệ đầu tư cho các công trình, dự án đầu tư khi xây dựng cơ bản, trọng điểm về bảo vệ môi trường; trách nhiệm và giải pháp của Bộ trưởng trong tham mưu, đề xuất vấn đề này cho Quốc hội, Chính phủ?

ĐBQH Nguyễn Việt Hà (Tuyên Quang): Liên quan đến an ninh nguồn nước, đề nghị Bộ trưởng cho biết vấn đề phân công, phân cấp và đề cao vai trò trách nhiệm của địa phương trong công tác quản lý tài nguyên nước hiện nay như thế nào? Vì đây là vấn đề cốt lõi để đảm bảo những chính sách về an ninh nguồn nước trong Luật Tài nguyên nước năm 2023 được triển khai đồng bộ và hiệu quả.

Trả lời ĐB Tâm, Bộ trưởng cho biết, theo điều 72 Luật Bảo vệ môi trường nêu rõ nước thải được khuyến khích tái sử dụng. Việc tuần hoàn, xử lý, tái sử dụng nước vào mục đích phù hợp là vấn đề quan trọng.

Hiện có nhiều toà nhà thông minh, các KCN tái sử dụng nước phục vụ cho kinh tế tuần hoàn. Chính phủ đã ban hành Nghị định 08 về việc tài sử dụng nước thải. Các bộ cũng ban hành nhiều hướng dẫn, phối kết hợp, tăng cường hợp tác quốc tế, ứng dụng KHCN. Bộ TN&MT đã hướng dẫn các địa phương trong thu gom, xử lý nước thải đặc biệt là nguồn thải lớn.

Bộ đang rà soát, đánh giá sức chịu tải của 13 lưu vực sông, từ đây sẽ đánh giá được giải pháp, yêu cầu địa phương khi triển khai dự án đầu tư ở đâu, xả thải ra sao, khu vực cấm không được xả thải.

Về cơ chế tài chính bảo vệ môi trường mà ĐB Xuân nêu, Bộ trưởng cho biết, Nghị quyết 41 về bảo vệ môi trường đã yêu cầu: Riêng ngân sách Nhà nước cần có mục chi riêng cho hoạt động sự nghiệp môi trường và tăng chi để bảo đảm đạt mức chi không dưới 1% tổng chi ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, Bộ trưởng đánh giá, các địa phương chưa thể bố trí theo đúng mức chi 1% cho bảo vệ môi trường. Trong khi ô nhiễm môi trường gia tăng, vì vậy để đảm bảo bền vững phải đầu tư, nghiên cứu, phát triển công nghệ; xây dựng, vận hành công trình thu gom xử lý...

Như vậy cần nguồn lực lớn. Bộ TN&MT đã đề xuất hỗ trợ các hoạt động bảo vệ môi trường có tính chất đầu tư. Các địa phương rất cần đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải, rác thải. Nguồn sự nghiệp có tính chất đầu tư chúng ta bố trí thêm, đặc biệt nguồn của Trung ương.

Theo Bộ trưởng, bảo vệ môi trường phải có lộ trình, giải pháp và nguồn lực. Dài hạn phải tính đến nhiều dự án thí điểm, khôi phục dòng sông xanh, sạch. Cũng phải tính đến chương trình mục tiêu quốc gia về bảo vệ môi trường để cả hệ thống chính trị tham gia.

Ngoài ra, ngoài nguồn lực đầu tư công thì có thể huy động nguồn lực xã hội hóa. Bộ trưởng mong các địa phương trước mắt cấp ngân sách để bảo vệ môi trường. Có đến đâu làm đến đấy, nhưng làm ở đâu phải đảm bảo được ở đó, "nhà sạch, thôn sạch, xã sạch thì tự nhiên cả tỉnh sạch; các địa phương sạch, bảo vệ môi trường tốt thì cả nước bảo vệ tốt".

Trả lời ĐB Nguyễn Việt Hà về phân cấp cho địa phương, Bộ trưởng cho biết, Luật Tài nguyên nước phân cấp 28 quyền cho địa phương. Bộ đã tham mưu Thủ tướng để ban hành 2 nghị định, 3 thông tư trong đó phân cấp thủ tục hành chính.

Thu gọn
04/06/2024 | 11:30

Quốc hội nghỉ trưa

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp cho biết, chiều nay, Quốc hội sẽ tiếp tục chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường. 

Thu gọn
04/06/2024 | 11:20

Đô thị hóa diễn ra nhanh dẫn đến san lấp ao, hồ, kênh, rạch

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trả lời câu hỏi của các đại biểu về sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp, ngập úng đô thị.

Về khai thác cát biển làm vật liệu xây dựng, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Bộ Xây dựng đã ban hành tương đối đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật về xử lý tro xỉ, thạch cao sử dụng làm nguyên liệu để sản xuất làm vật liệu xây dựng. Trong đó bao gồm 19 tiêu chuẩn, 1 quy chuẩn, 7 chỉ dẫn kỹ thuật và 3 định mức kinh tế kỹ thuật cho các lĩnh vực làm nguyên liệu sản xuất xi măng, vữa xây bê tông, gia cố đất làm vật liệu đường giao thông, vật liệu san lấp…

Hiện nay tiêu chuẩn về sản phẩm cát nghiền để làm vật liệu thay thế cũng đã có tiêu chuẩn cát nghiền làm bê tông, làm vữa cũng như ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng, trong đó có cát nghiền.

Đối với cát nhiễm mặn, ông Nguyễn Thanh Nghị cho hay, Bộ đã hoàn thành xây dựng và ban hành tiêu chuẩn cát nhiễm mặn cho bê tông và vữa cũng như ban hành cấp phối, tái chế chất thải rắn xây dựng để làm móng đường giao thông đô thị.

Với cát nhiễm mặn làm vật liệu san lấp đường giao thông, theo Bộ trưởng Xây dựng, hiện nay Thủ tướng đã giao Bộ GTVT chủ trì xây dựng đề án nghiên cứu đánh giá cũng như thí điểm sử dụng cát biển đắp nền đường. Bộ GTVT hoàn thành thí điểm và có báo cáo.

Theo đó, Bộ GTVT đề nghị các tỉnh căn cứ nhu cầu, điều kiện thực tế triển khai các dự án ở địa phương, tiếp tục triển khai mở rộng sử dụng cát biển làm dự án công trình giao thông.

Việc này, Bộ trưởng TN&MT cũng đã báo cáo đánh giá trữ lượng, tài nguyên khoáng sản sử dụng cát biển đáp ứng nhu cầu san lấp.

Ngoài ra, Bộ trưởng Xây dựng cũng cho hay, tiêu chuẩn về xây dựng nền đường ô tô đối với công tác thi công, thí nghiệm cũng đã có xác định yêu cầu kỹ thuật cho vật liệu đắp nền đường. Làm rõ thêm các tình trạng ngập úng trong đô thị, Bộ trưởng Xây Dựng nhìn nhận vấn đề ngập úng đô thị diễn ra phức tạp.

Bộ Xây dựng đánh giá do một số nguyên nhân của thực trạng này. Trong đó, nguyên nhân đầu tiên là điều kiện tự nhiên, biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt.

Thứ hai là do quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng khiến nhu cầu xây dựng tăng cao, dẫn đến san lấp ao, hồ, kênh, rạch. Cùng vì điều này, diện tích bề mặt ngày càng được bê tông hóa, thu hẹp diện tích thoát nước tự nhiên…

Thứ ba, do công tác quy hoạch chưa đảm bảo yêu cầu dự báo và đáp ứng yêu cầu chống ngập úng đô thị.

Thứ tư là lập và triển khai dự án theo quy hoạch cũng chưa đáp ứng yêu cầu. Nguyên nhân thứ năm là do ý thức người dân khi vứt rác thải, cản trở dòng chảy thoát nước.

Trước tình hình này, Bộ trưởng Xây dựng cho biết giải pháp thời gian tới là tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan đến công tác thoát nước cũng như xử lý nước thải, tập trung xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và Nông thôn, Luật Quản lý phát triển đô thị, Luật Cấp thoát nước… Cùng đó là nâng cao chất lượng lập, quản lý quy hoạch đô thị; tập trung nguồn lực xây dựng đồng bộ hạ tầng đô thị; rà soát, hướng dẫn, đôn đốc, thanh tra, kiểm tra các địa phương trong xử lý nước thải đô thị…

Thu gọn
04/06/2024 | 11:08

Mời Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trả lời thêm

Chủ tịch= điều hành.jpg

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên chất vấn cho biết, nhiều đại biểu chất vấn các nội dung liên quan đến Bộ trưởng Xây dựng: Thứ nhất, tận dụng cát biển để làm vật liệu xây dựng, trong đó có các dự án giao thông quan trọng quốc gia; thứ hai, việc quy hoạch khu dân cư lấp đầy các ao hồ, gây ngập úng đô thị, nhất là các đô thị lớn; thứ ba, giải pháp đảm bảo khai thác nguồn nguyên vật liệu xây dựng như cát, sỏi… không ảnh hưởng đến an ninh nguồn nước.

Do đó, Chủ tịch Quốc hội mời Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trả lời thêm về các nội dung này vào cuối buổi sáng nay.

Thu gọn
04/06/2024 | 10:55

Đề xuất đào kênh dẫn nước ngọt từ các tỉnh miền Đông về ĐBSCL, quan điểm của Bộ trưởng như thế nào?

ĐBQH Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông): Nhiều công trình trọng điểm quốc gia cũng như các địa phương gặp nhiều khó khăn trong vấn đề khoáng sản, vật liệu xây dựng, nhất là vật liệu san lấp cho các công trình hạ tầng. Nhiều nơi thiếu trầm trọng, có nơi thừa không biết cách xử lý do các bất cập trong Luật Khoáng sản hiện hành.

Điển hình là vướng mắc khi thực hiện quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản, nhất là boxit tại Đắk Nông. Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp để đảm bảo khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng nói riêng và tài nguyên khoáng sản nói chung nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển KTXH?

tran thi thu hằng.jpg
ĐBQH Trần Thị Thu Hằng. Ảnh: QH

ĐBQH Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre): Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra ngày càng gay gắt, nhất là tại khu vực ĐBSCL. Nhiều giải pháp công trình và phi công trình đã được thực hiện nhưng diễn biến đang ngày càng cực đoan, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt và sản xuất của người dân.

Vậy đâu là giải pháp căn cơ để khắc phục tình trạng trên? Có ý kiến đề xuất đào kênh dẫn nước ngọt từ các tỉnh miền Đông về ĐBSCL để khắc phục xâm nhập mặn, quan điểm của Bộ trưởng như thế nào?

yến nhi.jpg
ĐBQH Nguyễn Thị Yến Nhi. Ảnh: QH

ĐBQH Nguyễn Thanh Cầm (Tiền Giang) tranh luận: Cả buổi chất vấn, Bộ trưởng đã chia sẻ rất nhiều về giải pháp, quyết tâm của ngành trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu và đảm bảo an ninh nguồn nước. Tuy nhiên, tất cả các phần trao đổi và báo cáo của Bộ TN&MT không có nội dung nào phân tích về ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu, mất an ninh nguồn nước đối với các nhóm dễ bị tổn thương hơn trong xã hội như phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người dân tộc thiểu số…

Vì thực tế đây là những đối tượng bị ảnh hưởng sâu sắc, nặng nề các vấn đề nêu trên. Đây cũng là thách thức rất lớn với mục tiêu thực hiện bình đẳng giới quốc gia hiện nay và trong thời gian tới mà Quốc hội đã thảo luận kỹ trong đầu kỳ họp. Đề nghị Bộ trưởng TN&MT cho biết ý kiến về vấn đề này.

thanh cầm.jpg
ĐBQH Nguyễn Thanh Cầm. Ảnh: QH

Trả lời về tài nguyên khoáng sản mà ĐB Trần Thị Thu Hằng nêu, Bộ trưởng cho biết, Bộ đã tiến hành rà soát các luật có liên quan, phân nhóm, phân loại các khoáng sản thành 4 nhóm và vật liệu xây dựng thuộc loại khoáng sản ở nhóm 3. Tới đây sẽ sửa đổi, bổ sung một số luật, nhất là Luật Địa chất và khoáng sản để đảm bảo chủ động. Và nhóm vật liệu xây dựng thông thường – nhóm 3 cũng đã được phân cấp cho các địa phương chủ động trong việc đấu thầu, đấu giá, vừa khoanh vùng, quy hoạch.

Về boxit ở Đắk Nông, vừa qua Bộ đã cử Cục địa chất và khoáng sản giúp tỉnh rà soát lại các quy hoạch, đánh giá trữ lượng quy hoạch, đánh giá sự phân tán của boxit, đảm bảo vừa khai thác khoáng sản vừa phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Từ đó sẽ có những đề xuất tới các cấp có thẩm quyền để giải quyết những vấn đề có liên quan.

Bộ cũng đã làm việc với Tập đoàn Than và khoáng sản đề nghị Tập đoàn đóng cửa mỏ vì theo thông tin hiện nay có diện tích boxit đã khai thác xong. Diện tích này sẽ bàn giao cho tỉnh để phát triển KTXH.

Về vấn đề xâm nhập mặn ĐB Nguyễn Thị Yến Nhi chất vấn, Bộ trưởng nêu rõ, với tác động của biến đổi khí hậu, ĐBSCL bị tình trạng xâm nhập mặn sâu, trước đây khoảng 15-20km nhưng đến nay đã vào sâu đến 25km ở sông Vàm Cỏ. Dự báo trong thời gian tới, lưu lượng nước hạn chế, nắng nóng nên tình trạng xâm nhập mặn sẽ còn cực đoan hơn.

Bộ NN&PTNT và Bộ KH&ĐT đã tính đến phương án thích ứng với biến đổi khí hậu bằng chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Ví dụ từ sản xuất nuôi trồng ngọt chuyển sang sản xuất nuôi trồng lợ; có các giải pháp công trình đồng bộ thủy lợi, cố gắng giữ nước ngọt. Nội dung này, Bộ sẽ có văn bản để trả lời, phân tích, đánh giá đầy đủ hơn tới các đại biểu.

Đối với các đối tượng yếu thế mà đại biểu đặt vấn đề, Bộ trưởng chia sẻ, do biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, hạn hán những người như phụ nữ, trẻ em, người già sẽ bị ảnh hưởng nhiều. Từ đó có các tác động đến kinh tế gia đình, sinh hoạt. Do đó, chúng ta phải đặc biệt quan tâm và ưu tiên những đối tượng này.

Thu gọn
04/06/2024 | 10:42

Sông hồ suy cạn, có nơi người dân khoan giếng sâu tới 70m

ĐBQH Lưu Văn Đức (Đắk Lắk): Tình trạng ngư dân bỏ biển, gác tàu thuyền lên bờ do thủy sản cạn kiệt, đi biển thu không đủ chi ảnh hưởng lớn đến ngư dân. Xin hỏi Bộ trưởng có giải pháp đột phá gì để khắc phục tình trạng trên?

ĐBQH Tô Văn Tám (Kon Tum) tranh luận: Về các giải pháp chống hạn, Bộ trưởng TN&MT nêu có quy hoạch các dòng sông, các nguồn lực trên sông là giải pháp khả thi.

Tuy nhiên, khi các dòng sông hay các hồ đập có nguy cơ suy cạn, người dân như ở Tây Nguyên hay một số địa phương khác phải dùng nguồn nước ngầm, có nơi khoan sâu 40-50m, có nơi đến 70m, thậm chí sâu hơn. Theo các nhà khoa học, đây là độ sâu của tầng nước thứ hai, thứ ba đã tích tụ hàng trăm năm. Nguy cơ nước ngầm suy cạn đang hiện hữu.

Mặt khác, nguồn nước ngầm cũng đang có nguy cơ ô nhiễm. Trong khi đó, chống hạn thì người dân phải dùng nguồn nước ngầm này. Vì vậy, đề nghị Bộ trưởng cho biết thêm giải pháp quy hoạch và bảo vệ nguồn nước ngầm này.

Trả lời ĐB Lưu Văn Đức liên quan đến khai thác, sử dụng tài nguyên biển, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, biển là một thể thống nhất bao gồm nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Chúng ta cũng đã và đang thực hiện Nghị quyết 36 năm 2018 về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để phát triển, trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển.

Việc bà con ngư dân không ra khơi là vấn đề của Bộ NN&PTNT. Với vai trò quản lý biển đảo, Bộ trưởng cho biết đang cố gắng chuyển sang đánh bắt vừa phải, có mức độ để phát triển. Trong bối cảnh nguồn lợi thủy sản tự nhiên ngày càng cạn kiệt thì việc chuyển hướng từ đánh bắt tràn lan, đánh bắt tận diệt sang đánh bắt có kiểm soát và phát triển nuôi biển là hết sức cấp thiết, đảm bảo phát triển bền vững kinh tế biển.

Trả lời tranh luận của ĐB Tô Văn Tám, ông Đặng Quốc Khánh cho biết, hiện nay đã sử dụng nước ngầm, nhiều nơi chưa đánh giá được tác động. Việc khoan nước ngầm chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến địa chất, hệ thống dòng chảy...

Bộ trưởng thống nhất với nguy cơ mà ĐB nêu, nên phải khuyến cáo nhân dân không khai thác triệt để, tiết kiệm, cũng hạn chế khai thác nước ngầm. Bộ TN&MT ban hành Thông tư 03 quy định chi tiết thi hành Luật Tài nguyên nước, trong đó có các quy định nước dưới đất, bổ sung nước nhân tạo dưới đất. Về kế hoạch bảo vệ nước ngầm, thông tư hướng dẫn cụ thể.

"Các trường hợp bổ sung nhân tạo nước dưới đất bao gồm: Bổ sung nhân tạo nước dưới đất để phục hồi các khu vực, tầng chứa nước bị suy thoái, cạn kiệt theo kế hoạch bảo vệ nước dưới đất đã được phê duyệt; Bổ sung nhân tạo nước dưới đất nhằm gia tăng khả năng khai thác đối với công trình khai thác nước dưới đất của tổ chức, cá nhân; Nghiên cứu khoa học, thử nghiệm giải pháp bổ sung nhân tạo nước dưới đất", Bộ trưởng dẫn lại Thông tư 03.

Thu gọn
04/06/2024 | 10:32

Bộ trưởng đánh giá thế nào về tình trạng nơi nào xả thải càng nhiều, việc xử lý nước thải càng ít?

ĐBQH Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) nêu vấn đề ô nhiễm nguồn nước sông Nhuệ - Đáy và cho biết, tỉnh Nam Định cũng như các tỉnh nằm ở lưu vực sông Nhuệ - Đáy là những địa phương chịu tác động nặng nề của ô nhiễm nguồn nước do nước thải chưa đạt tiêu chuẩn xả vào.

Theo báo cáo của Bộ, nước thải từ đô thị làng nghề, nước thải công nghiệp chiếm tỷ lệ lớn nhất trong cơ cấu nước thải phát sinh, trong khi đó tỷ lệ nước thải thu gom đạt tỷ lệ thấp. Đây là vấn đề đã được nêu ra tại nhiều nhiệm kỳ Quốc hội. Bộ trưởng đánh giá thế nào về tình trạng nơi nào xả thải càng nhiều, việc xử lý nước thải càng ít? Tình trạng đô thị xả thải, nông thôn gánh chịu ô nhiễm? Bộ đã xử lý trường hợp nào chưa?

Ngoài giải pháp thành lập Ủy ban lưu vực sông, Bộ sẽ phối hợp với các địa phương thuộc lưu vực có các đô thị làng nghề lớn hoặc phối hợp, với các Bộ, ngành có liên quan để giải quyết tình trạng ô nhiễm nước sông Nhuệ - Đáy như thế nào?

phuong hoa.jpg
ĐBQH Mai Thị Phương Hoa. Ảnh: QH

Trả lời trăn trở của ĐB Phương Hoa, Bộ trưởng TN&MT cho biết, chất lượng sông Nhuệ - Đáy nhiều năm nay chưa được cải thiện, đặc biệt các sông nội thành Hà Nội. Nguồn thải của Hà Nội chiếm 65% xả ra sông Nhuệ - Đáy, trong đó nước thải sản xuất, làng nghề 1.982 nguồn xả (1.662 là cơ sở sản xuất kinh doanh, 39 là cụm công nghiệp, KCN).

Thời gian qua Bộ đã tăng cường hệ thống quan trắc và phân tích môi trường trên lưu vực sông Nhuệ - Đáy. Hiện nay có 5 điểm quan trắc tự động, 42 điểm quan trắc định kỳ môi trường nước mặt.

Ngoài ra, địa điểm xả thải có lưu vực lớn và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường được thiết lập quan trắc thường xuyên và liên tục, kết nối dữ liệu online. Bộ TN&MT vừa khánh thành trung tâm dữ liệu.

Bộ cũng đánh giá sức chịu tải của các dòng sông, sẽ trao đổi với các địa phương có giải pháp xử lý phù hợp.

Về thu gom, xử lý chất thải, Bộ trưởng khẳng định, cần có sự vào cuộc của tất cả các địa phương, có sự chung sức, đồng lòng cùng xử lý nguồn thải, tạo dòng chảy.

Bộ trưởng cũng thừa nhận, tỉnh Nam Định ở cuối nguồn dòng sông nên chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Bộ trưởng đề nghị các địa phương tuyên truyền vận động nhân dân, cộng đồng, doanh nghiệp chung tay bảo vệ. Bởi vì có kiểm tra, giám sát đến mấy cũng không xuể.

Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, trong thời gian tới, đầu tư công cũng cần quan tâm tới nhiệm vụ thu gom, xử lý nước thải này.

Thu gọn
04/06/2024 | 10:20

Cần bao lâu để hồi sinh những dòng sông chết?

ĐBQH Lê Đào An Xuân (Phú Yên): Việc khai thác và bảo vệ nguồn nước ở lưu vực sông hiện nay đặt ra nhiều thách thức, trong đó thiếu sự phối hợp giữa các tỉnh thượng nguồn và hạ nguồn trong việc bố trí các công trình phát triển KTXH dọc nguồn nước, dẫn đến ô nhiễm môi trường và khai thác, sử dụng nước thiếu bền vững. Cuối cùng, tỉnh ở hạ lưu gánh hậu quả nặng nề hơn.

Đề nghị Bộ trưởng cho biết định hướng cũng như giải pháp đột phá trong thời gian tới để phát huy hiệu quả cơ chế quản lý nước theo lưu vực sông, đảm bảo tính bền vững nguồn nước?

le dao an xuan.jpg
ĐBQH Lê Đào An Xuân. Ảnh: QH

ĐBQH Lê Thị Ngọc Linh (Bạc Liêu): Tình trạng chôn lấp rác thải tại các bãi rác, nhà máy xử lý rác thải hiện đang trong tình trạng quá tải. Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp, định hướng để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường như hiện nay, nhất là trong việc xử lý các loại rác thải khó phân hủy?

ĐBQH Nguyễn Hữu Toàn (Lai Châu) tranh luận liên quan đến các dòng sông chết. Theo trả lời của Bộ trưởng, các dòng sông bị ô nhiễm đi qua nhiều tỉnh và có mức độ xả thải lớn, vậy trách nhiệm của Bộ ra sao trong việc tổ chức thực hiện Luật Bảo vệ môi trường khi để xảy ra trình trạng xả thải, ô nhiễm môi trường ngày càng tăng?

Dẫn lời Bộ trưởng cho rằng để xử lý các dòng sông chết cần thời gian và nguồn lực, ĐB Nguyễn Hữu Toàn cho biết, Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ, Đáy đến nay đã thành lập đến nhiệm kỳ thứ 5, thế nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn không giảm. Đề nghị Bộ trưởng làm rõ cần thời gian bao lâu và việc xây dựng, triển khai đề án về nguồn lực xử lý tổng thể tình trạng ô nhiễm các dòng sông hiện nay?

quoc khanh tra loi 10h20.jpg
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn của các ĐBQH. Ảnh: QH

Trả lời chất vấn của ĐBQH Lê Đào An Xuân, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, Bộ đã trình Quốc hội xem xét Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/7, trong đó có nhấn mạnh đến bảo vệ lưu vực sông.

Để thực hiện luật này, Bộ TN&MT trình Chính phủ nghị định quy định rõ tổ chức các lưu vực sông. Tổ chức lưu vực sông là tổ chức phối hợp liên ngành do Thủ tướng quyết định thành lập, Thủ tướng cũng quyết định cơ cấu thành phần, tổ chức bộ máy, kinh phí hoạt động. Bộ TN&MT sẽ thành lập đề án để thành lập tổ chức về bảo vệ lưu vực sông. Trong đề án nhấn mạnh đến trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, trách nhiệm của các địa phương trong việc đảm bảo an ninh nguồn nước, bảo vệ môi trường. Ngoài ra, việc thành lập tổ chức lưu vực sông phải hiệu quả nên rất cần sự phối hợp của các địa phương...

Về vấn đề chôn lấp rác thải, điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết câu hỏi này nằm ngoài vấn đề chất vấn nên Bộ trưởng có thể trả lời bằng văn bản.

Về tranh luận của ĐBQH Nguyễn Hữu Toàn, Bộ trưởng cho biết, đã trả lời ĐB Lê Đào An Xuân trước đó, trong đó các giải pháp có hoàn thiện thể chế, đã quy định vào luật về tổ chức lưu vực sông.

Thời gian qua, Bộ TN&MT, Bộ Công an phối hợp với địa phương thanh tra, kiểm tra, xử phạt với nhiều vi phạm nhưng thực chất các dòng sông ô nhiễm do nước thải sinh hoạt, cụm công nghiệp, làng nghề. Bộ cùng với địa phương đã tăng cường đầu tư hệ thống quan trắc, giám sát, có kiểm tra đột xuất xử lý vi phạm. Tuy nhiên, dòng sông vẫn ô nhiễm, càng ngày càng nặng hơn, Bộ trưởng chia sẻ "chúng ta phát triển KTXH, nhu cầu dùng nước sẽ tăng lên, nhu cầu dùng nước trong 50 năm tăng lên 3 lần".

Các khu dân cư càng ngày càng lấp đầy quanh các dòng sông Nhuệ, Đáy, sông Cầu, Bắc Hưng Hải. Nước thải sinh hoạt ngày nay không giống như trước, hiện nay có hóa chất, dầu gội đầu, nước rửa chén bát...

Bộ trưởng cho rằng, cần tạo dòng chảy để hòa tan. Vừa qua, Bộ NN&PTNT đã làm trạm bơm ở Bắc Hưng Hải để xử lý. Đã có những dự án nạo vét, khơi thông dòng chảy. Đồng thời, có trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp, người dân bảo vệ dòng sông chết.

Tới đây, Bộ đang xây dựng đề án thí điểm xử lý vấn đề ô nhiễm với dòng sông Bắc Hưng Hải và Nhuệ Đáy. Bộ trưởng TN&MT cho biết sẽ tiếp thu ý kiến ĐBQH để báo cáo Chính phủ có giải pháp.

Thu gọn
04/06/2024 | 10:02

Sạt lở ở ĐBSCL ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan trả lời một số nội dung đại biểu chất vấn liên quan đến hồ chứa nước, hồ thủy lợi và tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long.

le minh hoan.jpg
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan. Ảnh: QH

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, tình trạng sạt lở đang diễn ra, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân.

Theo Bộ trưởng, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có chuyến thị sát và giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trình đề án tổng thể về vấn đề này. Dự kiến đến tháng 9 tới, Bộ sẽ trình đề án, trong đó tiếp cận một cách tổng thể hơn, chiến lược hơn về vấn đề hạn hán, xâm nhập mặn.

Trong tháng 9 tới, Bộ cũng trình Thủ tướng để tổ chức lấy ý kiến các chuyên gia ở Hà Nội và TP.HCM; tổ chức diễn đàn do Thủ tướng Chính phủ chủ trì gặp gỡ lãnh đạo, chuyên gia, nhà khoa học của 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, nghe thêm ý kiến của chuyên gia về vấn đề này.

Bộ trưởng dẫn đánh giá của thế giới nêu, “chúng ta đang ở một kỷ nguyên khô hạn mang tính chất toàn cầu”, không chỉ riêng Việt Nam, trong đó Việt Nam bị tổn thương nhất trong 6 quốc gia.

Theo Bộ trưởng, chúng ta cần tiếp cận vấn đề tiết kiệm nước ở 3 chủ thể: Số lượng nước, chất lượng nước và cách thức sử dụng nguồn nước. Trong đó cách thức sử dụng nước tác động đến số lượng và chất lượng nước. Trong khi đó chúng ta chưa xem nước là tài nguyên dù vẫn nói là tài nguyên nước. Chúng ta cứ nghĩ nước là vô hạn nhưng thật sự đứng trước thách thức biến đổi khí hậu và thách thức từ khai thác, sử dụng thì nước trở thành tài nguyên hữu hạn và chúng ta cần tiếp cận nền nông nghiệp khan hiếm nước.

Tư lệnh ngành NN&PTNT dẫn câu chuyện phát triển nông nghiệp vượt trội của Israel. Khởi đầu họ đưa ra thông điệp giáo dục “văn hóa tiết kiệm nước”.

“Đến giờ này chúng ta cần có thông điệp với bà con nông dân ĐBSCL và cả nước rằng: Chúng ta không phải là một quốc gia dư thừa nước mà nước sẽ ngày càng khan hiếm hơn. Từ đó để có cách tiếp cận ngắn hạn, dài hạn bằng chiến lược nông nghiệp tổng thể để chuyển đổi trạng thái nông nghiệp, từ tưới tràn, tưới xả sang tưới nhỏ giọt”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Bộ trưởng nhấn mạnh, tiết kiệm nước còn liên quan đến phát thải khí nhà kính, trong đó đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao giảm phát thải gắn với tăng trưởng xanh, tiết kiệm nước hơn sẽ làm giảm phát thải. Vì vậy, ông Lê Minh Hoan mong muốn Quốc hội ủng hộ đề án Chính phủ đã phê duyệt.

Về các giải pháp trước mắt để hạn chế xâm nhập mặn, trữ ngọt, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu rõ, Bộ sẽ đề nghị Chính phủ ưu tiên đầu tư cho ĐBSCL, nhất là các công trình có độ phủ rộng, nhiều người dân hưởng lợi.

Về hồ chứa, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, các địa phương cần phải xem xét thận trọng, bởi không phải dễ để sử dụng diện tích lớn làm hồ trữ nước của một địa phương để phục vụ cho địa phương khác, nhất là địa hình bằng phẳng, không có độ dốc. Vì vậy, các địa phương nên tham khảo kinh nghiệm của tỉnh Trà Vinh trong tiếp cận nguồn nước, các giải pháp tiết kiệm nước, ngăn chặn xâm nhập mặn.

Về hồ thủy lợi, ông Hoan cho biết, Bộ đang trực tiếp quản lý 5 hồ lớn và 25 hồ liên quan nhiều tỉnh do Bộ phân cấp cho các địa phương quản lý. Đến thời điểm này các hồ an toàn, đang được thường xuyên theo dõi, quản lý.

Đối với 900 hồ lớn, vừa, nhỏ đã phân cấp các địa phương quản lý, nguồn lực đầu tư theo Luật Ngân sách của địa phương. Tuy nhiên, đối với một số địa phương còn hạn chế về nguồn lực, Bộ NN&PTNT cũng báo cáo Thủ tướng có giải pháp cụ thể hơn. Tư lệnh ngành NN&PTNT đề nghị các ĐBQH tăng cường giám sát, đề xuất duy tu, sửa chữa đảm bảo an toàn hồ đập do địa phương quản lý…

Thu gọn
04/06/2024 | 09:55

Sau khi Quốc hội nghỉ giải lao, Bộ trưởng TN&MT trả lời câu hỏi của 3 ĐBQH nêu trước đó

ĐBQH Nguyễn Văn Thi (Bắc Giang): Tiếp tục câu hỏi ĐB Việt Nga nêu, việc quản lý các nguồn phát thải, xả thải là giải pháp quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường, nhất là việc quản lý ô nhiễm nguồn nước.

Theo báo cáo của Bộ TN&MT, cả nước thu gom nước thải sinh hoạt mới đạt tỷ lệ 17%; 30,3% cụm công nghiệp, 16,1% làng nghề có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Đề nghị Bộ trưởng cho biết những giải pháp căn cơ trong thời gian tới để quản lý tốt các nguồn phát thải, xả thải từ các khu, cụm công nghiệp, làng nghề, cũng như là nước phải sinh hoạt?

ĐBQH Trần Thị Thu Phước (Kon Tum): Thời gian qua hạn hán kéo dài ở Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, cùng với hiệu ứng nóng toàn cầu thì hạn hán trong vài năm tới sẽ còn diễn biến hết sức phức tạp, đề nghị Bộ trưởng nêu rõ giải pháp cho vấn đề này?

thu phuoc.jpg
ĐBQH Trần Thị Thu Phước. Ảnh: QH

ĐBQH Lê Quân (Hà Nội): Rác thải nhựa khắp hang cùng, ngõ hẻm, từ rừng đến biển, đề nghị Bộ trưởng làm rõ thời điểm có thể quy định cấm hoặc hạn chế, đánh thuế phí cao đối với việc sử dụng rác thải nhựa, đặc biệt là trong các sinh hoạt, tiêu dùng đối với túi nilon? Hiện nay công nghệ cho phép sản xuất polymer nhựa hữu cơ từ vật liệu, phụ phẩm nông nghiệp: vỏ chanh, vỏ dứa... tuy nhiên giá thành cao gấp 3-4 lần nhựa polymer vô cơ.

Có nên có chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp và người dân, nhà khoa học đầu tư sản phẩm thay thế để hạn chế sử dụng rác thải nhựa hay không?

le quan.jpg
ĐBQH Lê Quân. Ảnh: QH

Trả lời về quản lý nguồn nước thải, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, đúng như thực trạng đại biểu phản ánh, vấn đề xử lý nước thải còn hạn chế, đặc biệt là nước thải sinh hoạt đô thị, nông thôn, nước thải cụm công nghiệp làng nghề. Xử lý vấn đề này cần có những giải pháp tổng thể như nguồn lực, lộ trình thời gian, đầu tư hạ tầng. Điều này đòi hỏi cả sự quan tâm của các địa phương, bộ ngành.

Về thể chế chính sách, Bộ trưởng lưu ý cần có sự hợp tác công-tư để đảm bảo nguồn lực xã hội hóa; ban hành đơn giá dịch vụ về nước thải hợp lý để các doanh nghiệp tham gia đầu tư nhà máy xử lý nước thải; tăng cường công tác quan trắc giám sát.

Bộ TN&MT và địa phương đang đầu tư quan trắc giám sát các nguồn xả thải. Vừa qua Bộ đã khánh thành trung tâm xử lý dữ liệu và quan trắc, được kết nối với tất cả địa phương, nguồn xả thải lớn; hệ thống này giúp phân tích, giám sát, kiểm tra, xử lý. Giải pháp tiếp là phải tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm vi phạm. Vừa qua, Bộ phối hợp rất tốt với địa phương, Bộ Công an kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm cố tình xả thải ra môi trường không đạt yêu cầu.

Về hạn hán, Bộ trưởng nêu, biến đổi khí hậu tác động lớn, chúng ta phải thích ứng. Về định hướng, triển khai hiệu quả Luật Tài nguyên nước; hoàn thành các quy hoạch sông; điều hòa, điều phối nước hợp lý, sử dụng tối ưu nguồn nước; cảnh báo chính xác, sớm cho địa phương; ứng dụng khoa học công nghệ; xây dựng các kịch bản nguồn nước...

Về rác thải nhựa, Bộ trưởng cho biết, theo Luật Bảo vệ tài nguyên môi trường 2020, Bộ đã có chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương trong việc xử lý rác thải nhựa phải có phân loại, thu gom, xử lý. Bộ trưởng nêu rõ khó khăn là theo lịch trình đến năm 2025 phải thực hiện việc này.

Về phân loại, theo ông Khánh, Bộ đã phối hợp với các địa phương, tổ chức chính trị - xã hội để tuyên truyền tới nhân dân nhưng các địa phương lo lắng do thiếu các nhà máy xử lý. Vì vậy, cần cố gắng đầu tư.

Về công nghệ polymer nhựa hữu cơ, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, công nghệ này rất tốt. Về chính sách phù hợp, thời gian tới sẽ kêu gọi các đơn vị nghiên cứu, tham mưu báo cáo cấp có thẩm quyền.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn sau đó cho biết, câu hỏi này nằm ngoài nội dung chất vấn nên đề nghị Bộ trưởng trả lời bằng văn bản.

Thu gọn
04/06/2024 | 09:30

‘Chúng ta lấn biển để phát triển KT-XH nhưng phải đánh giá tác động'

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh trả lời các tranh luận của đại biểu liên quan đến vấn đề lấn biển và khai thác cát biển.

Bộ trưởng khẳng định “cha ông ta đã lấn biển từ rất lâu rồi”, chúng ta lấn biển để phát triển kinh tế xã hội nhưng quan điểm là “phải đánh giá tác động môi trường khi lấn biển”.

Theo Bộ trưởng, việc này phải thực hiện nghiêm túc để bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái, không làm ảnh hưởng đến môi trường nước. Các dự án lấn biển trong quá trình thi công phải đảm bảo môi trường hơn các dự án khác. Chẳng hạn như phải làm đê bao quanh trước khi làm dự án.

Về khai thác cát biển, Bộ trưởng cho hay, Bộ đang nghiên cứu ở Sóc Trăng. Hiện nay thực hiện như thế nào ở khu vực này bộ cũng đánh giá tác động, không để ảnh hưởng đến bảo tồn đa dạng sinh học. Cụ thể, chiều sâu thân mỏ 7m thì chỉ lấy 2m. Như vậy không ảnh hưởng đến môi trường. Các mỏ này phải xa bờ.

“Dự án đại biểu Phạm Văn Hòa nêu, chúng tôi xin trả lời bằng văn bản và kiểm tra lại ở vùng nào sử dụng cát biển ảnh hưởng làm nhiễm mặn”, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nói.

Thu gọn
04/06/2024 | 09:11

Ngập là do mất ao, hồ

ĐBQH Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận): Trong những nguyên nhân gây ra ngập úng tại các đô thị, có nguyên nhân do mất ao, hồ, nhất là các đô thị lớn, các công trình bê tông, khu dân cư lấn chiếm ao, hồ. Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp căn cơ để khắc phục tình trạng trên?

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) đề nghị cho biết giải pháp và kế hoạch của Bộ TN&MT trong việc hồi sinh các dòng sông chết do ô nhiễm trầm trọng trong thời gian tới, trong đó có hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.

viet nga.jpg
ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga. Ảnh: QH

Trả lời về ngập úng ở đô thị, Bộ trưởng TN&MT thống nhất với ý kiến của đại biểu do trước đây quy hoạch chưa được làm bài bản, trong đó có đánh giá tác động môi trường. Chúng ta chủ yếu làm quy hoạch phát triển đô thị, hạ tầng, dân cư nhưng chưa tính thật sâu, thật sát đến định hướng lâu dài.

"Tại sao trước đây chúng ta không ngập", ông Đặng Quốc Khánh đặt vấn đề và giải thích trước đây có ao, hồ điều tiết, tích trữ nước. Ao, hồ còn làm cảnh quan cho đô thị. Trước đây nếu bị ngập úng thì cho chảy tràn nhưng hiện nay do quá trình phát triển đô thị, hệ thống thoát nước của đô thị khi có mưa lớn chưa đảm bảo ứng phó được. Muốn chống ngập úng phải giải quyết đồng bộ những vấn đề này, đặc biệt ở Hà Nội, TP.HCM.

"Trong các khu đô thị mới, tôi cũng muốn có nhiều ao, hồ vừa tạo cảnh quan, cũng chính là nơi tích trữ nước khi mưa lớn, và chống tràn ngập úng đô thị", Bộ trưởng TN&MT chia sẻ.

Liên quan đến hồi sinh dòng sông chết, Bộ trưởng cho biết, Luật Tài nguyên nước đã có nội dung này. Bộ trưởng điểm tên những dòng sông như: Bắc Hưng Hải, sông Nhuệ, sông Đáy... ô nhiễm nặng; còn dòng sông chết là vừa ô nhiễm vừa không có dòng chảy.

"Đúng là những dòng sông này, Bộ TN&MT, các địa phương tích cực triển khai giải pháp nhưng kết quả chưa cải tạo được bao nhiêu", Bộ trưởng thừa nhận và cho biết, bởi hầu hết KCN xả thải ra các sông này.

"Chúng ta đã kiểm soát KCN cơ bản. Tỉnh Hưng Yên còn ban hành quy chuẩn riêng về xả thải. Nhưng cụm công nghiệp và làng nghề chưa xử lý được, do nguồn lực đầu tư hệ thống thu gom, xử lý", ông Khánh cho biết.

Hà Nội xả thải vào Bắc Hưng Hải 260.000m3/ngày, vào sông Nhuệ, sông Đáy chiếm 65% toàn nước thải sinh hoạt chưa được xử lý. Hà Nội đang quy hoạch các nhà máy ở Long Biên, Gia Lâm với công suất 180.000 m3. Bộ trưởng đề nghị Hà Nội làm sớm các dự án này.

Theo Bộ trưởng, các địa phương cần chung tay thu gom, xử lý nước thải đồng bộ. Cần tạo dòng chảy, lưu thông, bởi có thời điểm kênh Bắc Hưng Hải "bị treo", nước sông Hồng không thể chảy vào.

Thủ tướng, Phó Thủ tướng đã chỉ đạo làm trạm bơm cục bộ trong mùa hạn, tuy nhiên đây không phải giải pháp căn cơ. Phải tính giải pháp căn cơ giữ được nước, chảy tự nhiên và lưu lượng lớn. Luật Tài nguyên nước có hiệu lực từ 1/7, Bộ sẽ tham mưu Chính phủ thành lập Ủy ban Quản lý lưu vực sông để điều hành, điều phối các bộ ngành, địa phương.

Bộ trưởng đề nghị địa phương, tham mưu Chính phủ, đề xuất Quốc hội dành nguồn lực lớn để xử lý các dòng sông ô nhiễm.

Thu gọn
04/06/2024 | 09:05

Khả năng dự báo của Việt Nam tiếp cận với trình độ quốc tế

ĐBQH Nguyễn Thị Kim Bé phát biểu tranh luận cho biết công tác dự báo, dự phòng là một vấn đề hết sức quan trọng nhằm chủ động ứng phó kịp thời các biến động do ảnh hưởng của thiên tai. Do đó, đại biểu rất mong Bộ trưởng quan tâm tới vấn đề này.

Bên cạnh đó, đồng tình với 4 nguyên nhân mà Bộ trưởng đã nêu, tuy nhiên còn có thêm nguyên nhân làm gia tăng tình trạng hạn hán, suy thoái, cạn kiệt, xâm nhập mặn ở Việt Nam là tình trạng khai thác nước ngầm tràn lan. Đề nghị Bộ có giải pháp quản lý tốt hơn tình trạng khai thác nước ngầm hiện nay.

tra loi chat van.jpg
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn. Ảnh: QH

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cũng thống nhất với vấn đề đại biểu nêu, trong đó cần tăng cường công tác dự báo, cảnh báo. Bộ cũng chỉ đạo Tổng cục Khí tượng thủy văn nâng cấp trang thiết bị, phối hợp với các tổ chức quốc tế, đào tạo nhân lực để tăng cường năng lực dự báo. Hiện khả năng dự báo của Việt Nam tiếp cận với trình độ quốc tế.

Ông Khánh dẫn chứng hạn hán ở ĐBSCL đã được dự báo trước, từ đây các địa phương đã triển khai từ 3 vụ nông nghiệp xuống 2 vụ. Tổng cục Khí tượng thủy văn cung cấp các bản tin thủy văn, cung cấp các bản tin cảnh báo thường xuyên theo chu kỳ 10 ngày, 1 tháng và theo mùa.

Ông đồng ý với nhận định của ĐBQH về vai trò quan trọng của dự báo. Thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ tập trung đầu tư hơn nữa cho công tác này để có thể dự báo sớm, cảnh báo sớm và ngăn chặn các rủi ro của biến đổi khí hậu gây ra.

Thu gọn
04/06/2024 | 09:00

Tranh luận về việc khai thác cát biển để làm vật liệu san lấp

ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) tranh luận với Bộ trưởng về câu trả lời chất vấn của ĐBQH Nguyễn Ngọc Sơn về việc khai thác cát biển để làm vật liệu san lấp các dự án đường cao tốc.

Ông Hòa nêu thực tế việc này để lại hệ lụy thấm nước cát biển chảy ra đồng ruộng làm ảnh hưởng đến sản xuất của người dân. Tuy nhiên tranh luận này chưa được Bộ trưởng trả lời.

pham van hoa.jpg
ĐBQH Phạm Văn Hòa. Ảnh: QH

Sau đó, ĐBQH Nguyễn Ngọc Sơn giơ biển tranh luận mong Bộ trưởng bổ sung thêm thông tin liên quan đến hoạt động lấn biển và khai thác cát biển tác động như thế nào đến thiên nhiên và đa dạng sinh học biển.

Theo ông Sơn, đặc biệt vừa qua Luật Đất đai có quy định về vấn đề này, Nghị quyết của Quốc hội cũng đã giao Chính phủ ban hành quy định về hoạt động lấn biển. “Đề nghị Bộ trưởng giải thích rõ thêm nội dung này?”, ông Sơn chất vấn.

Thu gọn
04/06/2024 | 08:50

Tuổi thọ một mỏ theo luật là 50 năm

ĐBQB Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) cho rằng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học biển là một nội dung quan trọng của chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển. Ông cho rằng, hoạt động lấn biển và khai thác cát biển làm vật liệu xây dựng sẽ tác động lớn đến môi trường biển, nhất là tác động đến dòng chảy dọc và ngang, tới khả năng xói lở biển. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết thực trạng và giải pháp khắc phục tình trạng này.

Trả lời, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, Nghị quyết số 36 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chiến lược phát triển bền vững biển Việt Nam giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu rõ, việc khai thác, sử dụng tài nguyên biển phải đảm bảo được yêu cầu bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

Theo Bộ trưởng, biển là một thể thống nhất, việc khai thác sử dụng tài nguyên biển thuộc nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, các dự án đầu tư về du lịch, công nghiệp, đô thị dọc bờ biển đều cần đánh giá tác động môi trường thật kỹ lưỡng, đảm bảo không ảnh hưởng đến môi trường biển, hệ sinh thái biển, vận tải biển, hàng hải, nuôi trồng thủy hải sản.

Để giải quyết những vấn đề chồng lấn, giao thoa này, Bộ trưởng TN&MT cho hay, quy hoạch biển quốc gia đã có những phân vùng sử dụng, định hướng không gian phát triển, quy hoạch gắn với quy hoạch các ngành, quy hoạch của các địa phương có biển, cần thực hiện nghiêm túc việc quy hoạch để giải quyết vấn đề này, để vừa phát triển được kinh tế vừa bảo vệ được môi trường.

Về quản lý các mỏ hết thời gian cho phép khai thác theo giấy phép, ông Khánh cho biết, thời gian cấp phép mỏ tối đa là 30 năm, các mỏ được phép gia hạn nhiều lần, tổng thời gian không quá 20 năm, nghĩa là tuổi thọ của một mỏ theo luật là 50 năm.

Vì vậy, trường hợp các mỏ sau khi khai thác 30 năm mà đang còn trữ lượng, chủ mỏ đã thực hiện đầy đủ, bài bản các giấy tờ thủ tục, thực hiện đúng nghĩa vụ thuế với Nhà nước, nghĩa vụ bảo vệ môi trường, trước khi hết hạn 45 ngày, chủ mỏ cần làm hồ sơ đề xuất để xin gia hạn.

Ông cũng thông tin thêm, các cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét hồ sơ để quyết định việc tiếp tục giao mỏ theo quy định.

Thu gọn
04/06/2024 | 08:35

Sụt lún đang bủa vây Đồng bằng sông Cửu Long, công tác dự báo ra sao?

ĐBQH Quàng Thị Nguyệt (Điện Biên): Đầu tư công trình tích trữ nước là một trong những giải pháp ưu tiên trong Luật Tài nguyên nước năm 2023. Để đảm bảo chủ động tích trữ, điều hoà, phân phối nguồn nước nhằm đáp ứng yêu cầu sử dụng nước phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội. Đề nghị Bộ trưởng cho biết việc thực hiện các chính sách nhằm thu hút đầu tư xây dựng các công trình tích trữ nước trong thời gian tới như thế nào?

Nguyet.jpg
ĐBQH Quàng Thị Nguyệt. Ảnh: QH

ĐBQH Phạm Thị Kiều (Đắk Nông): Với việc gia tăng tình trạng hạn hán, suy thoái, cạn kiệt, xâm nhập mặn ở Việt Nam, vấn đề đảm bảo an ninh nguồn nước cho sinh hoạt, đặc biệt là vùng khan hiếm nước ngọt, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo là thách thức lớn. Xin Bộ trưởng cho biết giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước cho sinh hoạt trong thời gian tới?

ĐBQH Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang): Thời gian qua và hiện tại, sạt lở, sụt lún bờ biển, bờ sông đang bủa vây Đồng bằng sông Cửu Long với mức độ phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống, sinh hoạt, sản xuất người dân. Xin Bộ trưởng đánh giá về công tác dự báo, dự phòng đối với vấn đề trên thời gian qua. Với vai trò của ngành tham mưu cho Chính phủ, Bộ trưởng cho biết giải pháp ổn định môi trường sống khu vực này trong thời gian tới như thế nào?

kim be.jpg
ĐBQH Nguyễn Thị Kim Bé. Ảnh: QH

Trả lời chất vấn của ĐBQH Quàng Thị Nguyệt, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, thời gian qua, chúng ta rất quan tâm đến việc xây dựng hồ thủy lợi để tích trữ nước. Bộ NN&PTNT cũng đang rà soát những nơi có đủ điều kiện để xây dựng hồ đập, kênh mương, hồ thủy lợi. Nghĩa là tích trữ nước phải gắn với việc sử dụng hiệu quả nguồn nước.

Bộ trưởng cho biết, vừa qua khi tháp tùng Thủ tướng vào Ninh Thuận tham quan hệ thống dẫn bằng đường ống ngầm dẫn xuống vùng khô nóng để trồng cây nông nghiệp, ăn trái rất tốt. Đây là mô hình xây dựng hồ đập nhưng vận hành liên hồ, đảm bảo hiệu quả sử dụng nước. Nhà nước đầu tư công xây dựng hồ thuỷ lợi đa mục tiêu vừa phát thuỷ điện vừa điều tiết nước.

Ngoài ra, kêu gọi các doanh nghiệp xây dựng các hồ thủy điện kết hợp hồ thuỷ lợi ở miền Bắc, miền Trung, Tây nguyên. Luật Tài nguyên nước có kịch bản nguồn nước, tổ chức quản lý lưu vực của sông... Những địa phương có điều kiện xã hội hóa thuỷ điện thì tiếp tục thực hiện, tuy nhiên, phải đánh giá tổng thể bảo vệ môi trường, không ảnh hưởng đến rừng, hệ sinh thái, vừa tích trữ nước, vừa bảo vệ môi trường tự nhiên.

Về giải pháp bảo vệ nguồn nước, Bộ trưởng cho biết, ngoài các giải pháp đã triển khai, Chính phủ, Thủ tướng đã có chỉ đạo trồng thêm rừng với dự án 1 tỷ cây xanh. Đồng thời, thực hiện phương pháp tưới tràn với 80% nước sử dụng cho nông nghiệp.

Về tình hình sạt lở, Bộ trưởng cho biết, vấn đề biến đổi khí hậu ảnh hưởng không chỉ ĐBSCL, miền núi phía Bắc, miền Trung. Dự báo cuối năm có đợt lũ lụt, mưa lớn, phải luôn lường trước, có kế hoạch.

Việc sạt lở ở ĐBSCL có 4 nguyên nhân: Do kiến tạo địa chất với lớp trầm tích non trẻ, vùng ĐBSCL đang tự lún; lượng phù sa giảm lớn; quá trình phát triển xây dựng đô thị, dân cư, nuôi trồng thuỷ sản (tăng tải trọng, lấn chiếm bờ sông, thay đổi dòng chảy), khai thác cát. Nói về khai thác cát lậu, Bộ trưởng cho biết, việc này rất nguy hiểm, dùng vòi hút vô tội vạ.

Ngoài ra, có hiện tượng khai thác cát có phép nhưng quá công suất, quá chiều sâu. Về giải pháp, Bộ TN&MT được giao đánh giá đề án trữ lượng cát sỏi, sẽ biết được những vùng có thể khai thác được.

Bộ trưởng đề nghị địa phương có quy hoạch, sắp xếp dân cư những vùng có sạt lở để cảnh báo, bố trí dân cư. Cần xử lý việc lấn chiếm bờ sông vì việc này dẫn đến thay đổi dòng chảy. Đồng thời, tiếp tục nâng cao công tác dự báo, cảnh báo.

Thu gọn
04/06/2024 | 08:24

Thanh tra cho thấy chủ mỏ sai phạm, khai thác ngoài ranh giới

Đại biểu Lý Văn Huấn (Thái Nguyên) dẫn báo cáo của Bộ trưởng Bộ TN&MT trước phiên chất vấn và cho rằng, công tác thanh tra, kiểm tra là một trong những biện pháp nhằm giảm thiểu, hạn chế tình trạng khai thác tài nguyên trái phép, cũng như gây ô nhiễm, an ninh môi trường. Những vi phạm này đã được thể chế trong Bộ Luật Hình sự.

“Qua công tác thanh tra, kiểm tra, Bộ trưởng đã kiến nghị xử lý những vụ việc vi phạm như thế nào, đặc biệt là những vụ việc có dấu hiệu tội phạm hình sự? Giải pháp của Bộ trưởng trong thời gian tới để tăng cường công tác thanh tra, xử lý những hành vi vi phạm này?”, ông Huấn chất vấn.

Trả lời, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, theo Luật Khoáng sản năm 2010 và Nghị định hướng dẫn của các bộ ngành, hoạt động khai thác khoáng sản được phân cấp quản lý mạnh ở địa phương, đặc biệt là vật liệu xây dựng. Bộ phân luồng kiểm tra cùng các bộ ngành và địa phương. Thời gian qua, Bộ TN&MT và các bộ ngành liên quan đã tăng cường kiểm tra, giám sát cùng các địa phương.

Qua 5 năm, Bộ đã có 12 cuộc thanh tra và 40 cuộc kiểm tra chấp hành về khoáng sản với tổng số 933 lượt giấy phép, phát hiện 258 tổ chức, cá nhân vi phạm, đã ban hành 258 quyết định xử lý vi phạm hành chính với tổng số tiền 30 tỷ đồng. Qua thanh tra, kiểm tra cho thấy, các chủ dự án mỏ đã sai phạm về vi phạm công suất cho phép, khai thác ngoài ranh giới, hoặc khai thác nhưng không đảm bảo điều kiện, yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Tư lệnh ngành TN&MT cam kết sẽ xử lý nghiêm các sai phạm này, nhất là sai phạm có tính liên tục, nối tiếp, sau đó sẽ chuyển sang cơ quan chức năng điều tra để xử lý nghiêm các vi phạm này.

Ông cũng cho biết, thời gian tới, dự thảo Luật Địa chất, khoáng sản sẽ phân cấp mạnh hơn nữa cho các địa phương. Với trách nhiệm của mình, Bộ TN&MT sẽ tăng cường đội ngũ thanh tra, kiểm tra, phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành và địa phương, thanh tra, xử lý để phát hiện sớm, xử lý sớm việc khai thác khoáng sản, đảm bảo không thất thoát, khai thác trái phép nguồn tài nguyên này.

Thu gọn
04/06/2024 | 08:15

Đại biểu lo dùng cát biển đại trà ảnh hưởng tới môi trường

ĐBQH Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình): Thời gian qua, để giải quyết khó khăn trong khai thác khoáng sản, nhất là vật liệu san lấp các công trình giao thông trọng điểm, Quốc hội đã cho phép áp dụng cơ chế đặc thù để xử lý vấn đề này. Xin Bộ trưởng cho biết cần luật hóa nội dung này thế nào nhằm đảm bảo yêu cầu quản lý Nhà nước, tạo sự thống nhất, chủ động cho chính quyền địa phương tổ chức thực hiện?

ĐBQH Trần Kim Yến (TP.HCM): Trong bối cảnh thiếu cát sông để thực hiện các dự án, nhất là các dự án đặc biệt quan trọng ở Đồng bằng sông Cửu Long, phương án dùng cát biển để thay thế là một hướng tìm kiếm. Tuy nhiên, việc thay thế có điều kiện khi chưa đáp ứng thì triển khai đại trà là một sự liều lĩnh, đánh cược với môi trường. Nhiều vấn đề đặt ra như hàm lượng muối trong cát biển có ảnh hưởng đến môi trường xung quanh hay không?

Có ý kiến cho rằng việc sử dụng cát biển còn mang mặn vào giữa cánh đồng lũ trũng, nền đất yếu, nhất là tình trạng xâm nhập mặn đang ngày càng phức tạp. Bộ trưởng có giải pháp trước mắt và lâu dài như thế nào để có đủ nguyên vật liệu cho các dự án nhưng không làm ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, đảm bảo được an ninh nguồn nước?

Trả lời 2 nữ ĐBQH, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, từ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự đồng lòng của các địa phương, đến nay đã thực hiện cơ chế đặc thù về việc cấp vật liệu san lấp cho các dự án trọng điểm quốc gia, dự án cao tốc.

Quốc hội có 8 nghị quyết, Chính phủ ban hành nghị quyết hướng dẫn triển khai; Bộ TN&MT cũng ban hành các hướng dẫn về vật liệu xây dựng cho các dự án, nhờ vậy đến nay, tiến độ của các dự án này đạt vượt tiến độ. Sự chỉ đạo của Thủ tướng, bộ, ban ngành, địa phương ngay tại hiện trường đã quan tâm giúp giải phóng mặt bằng thuận lợi hơn. Như vậy, các cơ chế đặc thù mà Quốc hội cho phép đã phát huy hiệu quả, thể hiện qua tiến độ các dự án.

Ông Khánh cho biết, Luật Khoáng sản năm 2010 quy định quy trình cấp phép mỏ cũng như kim loại quý, có nghĩa là chưa được phân loại, phân nhóm quy trình. Để xử lý vấn đề này, Chính phủ trình Quốc hội Luật Địa chất Khoáng sản trong đó phân 4 nhóm: Nhóm kim loại quý, nhóm vật liệu xây dựng cao cấp, nhóm vật liệu xây dựng thông thường, nhóm vật liệu đất đá sỏi. Trong đó nhóm 3,4 sẽ phân cấp triệt để cho địa phương.

Về phương án sử dụng cát biển, Bộ trưởng cho biết, sử dụng cát cho các dự án trọng điểm rất khó khăn, Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ cùng nghiên cứu sử dụng cát biển. Dự án thí điểm của Bộ GTVT sử dụng cát biển trong san lấp, xây dựng đường. Qua thí điểm cho thấy có thể san lấp, thi công.

Bộ TN&MT được giao nhiệm vụ đánh giá trữ lượng, khu vực để lấy cát biển. Bộ đã hoàn thành xong đề án đánh giá trữ lượng ở Sóc Trăng với 145 triệu m3, cách bờ khoảng 20km, có chiều sâu 7m nhưng Bộ khuyến cáo lấy cát biển chỉ khoảng 2m để tránh ảnh hưởng môi trường. Như vậy, trữ lượng cát biển của ta rất lớn, cát biển đã được sử dụng trong san lấp, các dự án ven biển.

Về lo ngại nguy cơ nhiễm mặn, Bộ trưởng cho biết khi sử dụng cần đánh giá tác động môi trường, cát biển được sử dụng tốt nhất ở khu vực đã nhiễm mặn, cát biển phải đảm bảo môi trường không gây nhiễm mặn. Tùy theo công trình, dự án sẽ được đánh giá tác động từng dự án, với nguyên tắc không được để ảnh hưởng đến nhiễm mặn.

Bộ trưởng TN&MT cũng cho biết, Bộ Xây dựng sẽ có quy trình cụ thể về từng công trình xây dựng.

ĐBQH Trần Quang Minh (Quảng Bình) nêu vấn đề: Đất hiếm đang được các nước quan tâm, trong khi nước ta có trữ lượng lớn. Nước ta đang tập trung đầu tư công nghệ cao, rất cần loại khoáng sản này, đây là một lợi thế. Đề nghị Bộ trưởng cho biết rõ hơn về công tác khai khoáng, sử dụng và quản lý đất hiếm trong thời gian qua?

Trả lời ĐBQH Trần Quang Minh, Bộ trưởng cho biết, về đất hiếm, Bộ đã đánh giá trữ lượng có 2,7 triệu tấn, tài nguyên đất hiếm có thêm khoảng 18 triệu tấn, tổng cộng có khoảng 20,7 triệu tấn. Thủ tướng đang giao Bộ điều tra cơ bản đánh giá trữ lượng tổng thể. Theo số liệu có xấp xỉ gần 30 triệu tấn đất hiếm.

Việc khai thác khoáng sản quan trọng đặc biệt là đất hiếm phải tính đến chế biến sâu, chế biến tinh tại Việt Nam, phục vụ cho công nghiệp chip và bán dẫn của Việt Nam, nghiên cứu xuất khẩu. Thực trạng trước đây việc chế biến sâu chưa được nghiên cứu tổng thể. Thủ tướng cũng giao Bộ ngành, địa phương có tiềm năng phải tăng cường quản lý về đất hiếm. Có mỏ ở sâu, phân tán nhỏ lẻ nên phải quản lý để tránh buôn bán, khai thác trái phép.

Thu gọn
04/06/2024 | 08:13

113 Đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn lĩnh vực tài nguyên và môi trường

441675365_826469302699418_1878776277311347263_n.jpg
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 15. Ảnh: QH

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, lĩnh vực tài nguyên và môi trường đã có 113 ĐBQH đăng ký phát biểu, chất vấn.

Bộ trưởng đã có báo cáo dài 43 trang liên quan đến lĩnh vực chất vấn. Chủ tịch Quốc hội đề nghị ĐBQH tập trung chất vấn vào các nội dung: Việc quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên biển quốc gia; Tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về an ninh nguồn nước, giải pháp phòng, chống tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu, suy giảm, ô nhiễm nguồn nước; Giải pháp nghiên cứu, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng và tài nguyên, khoáng sản quý hiếm.

Thu gọn
04/06/2024 | 08:10

Bộ trưởng TN&MT: Bộ quản lý rất rộng, có vai trò quan trọng trong phát triển KTXH

436464292_1767927600411798_6710324034975142498_n.jpg
Bộ trưởng TN&MT Đặng Quốc Khánh. Ảnh: QH

Phát biểu mở đầu phiên chất vấn, Bộ trưởng TN&MT Đặng Quốc Khánh cho biết, là Bộ quản lý đa ngành, giúp Chính phủ quản lý Nhà nước 9 lĩnh vực: Đất đai, tài nguyên khoáng sản, môi trường, biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường… Các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ rất rộng, có vai trò quan trọng trong phát triển KTXH và đảm bảo quốc phòng an ninh của đất nước; có tầm ảnh hưởng tới toàn cầu, nhiều lĩnh vực liên quan người dân, doanh nghiệp có tính chất phức tạp, nhạy cảm nên luôn được sự quan tâm của cử tri và ĐBQH.

Thời gian qua, toàn ngành luôn nỗ lực, cố gắng vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành các nhiệm vụ được giao… “Với tinh thần trách nhiệm cao nhất, nghiêm túc, cầu thị, việc trả lời chất vấn của các ĐBQH hôm nay là cơ hội để Bộ và cá nhân tôi có thể trao đổi những vấn đề liên quan đến cơ chế chính sách, thực trạng hiện nay”, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nói.

Đồng thời qua chất vấn giúp cho ngành nhìn rõ hơn những tồn tại hạn chế, trách nhiệm của bộ, của ngành, đề ra những giải pháp tiếp tục nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong công tác quản lý nhà nước; sử dụng hiệu quả tài nguyên khoáng sản, tài nguyên biển và đảm bảo an ninh nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bộ trưởng TN&MT mong được lắng nghe ý kiến của các ĐBQH.

Thu gọn
04/06/2024 | 08:00

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu mở đầu phiên chất vấn

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, theo chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 15, bắt đầu từ sáng nay, Quốc hội tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn, thời gian trong 2,5 ngày.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam để đồng bào và cử tri cả nước theo dõi.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, hoạt động chất vấn tại kỳ họp này tiếp tục được thực hiện theo đúng quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn thuộc trách nhiệm của 4 Bộ trưởng, Trưởng ngành gồm: Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Người đứng đầu 4 lĩnh vực này sẽ chịu trách nhiệm trả lời chất vấn. Cùng tham gia giải trình có các Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực và các Bộ trưởng, Trưởng ngành có liên quan.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, Chính phủ đã phân công Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà sẽ thay mặt Chính phủ, làm rõ các vấn đề có liên quan đến công tác điều hành của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội vào cuối phiên chất vấn. Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn vào cuối kỳ họp, đây là cơ sở để các cơ quan triển khai thực hiện và cũng là cơ sở để Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội, các vị Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) giám sát.

Phiên chất vấn tiếp tục tiến hành theo cách thức “hỏi nhanh, đáp gọn”. Cụ thể, người trả lời chất vấn có thời gian không quá 5 phút phát biểu về vấn đề thuộc lĩnh vực chất vấn trước khi Quốc hội tiến hành chất vấn; mỗi lượt chủ tọa phiên họp sẽ mời 3 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn, mỗi ĐBQH nêu chất vấn không quá 1 phút; tranh luận không quá 2 phút; thời gian trả lời không quá 3 phút cho mỗi câu hỏi.

040620240857 z5505120713719_9a25f0ff17641718a788cb39139fc5cd.jpg
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Ảnh: QH

"Tôi có theo dõi, ghi chép tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội ngày 29/5 thì thấy ĐBQH có nêu 7 vấn đề thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường; 4 vấn đề thuộc lĩnh vực công thương; 2 vấn đề thuộc lĩnh vực văn hóa thể thao và du lịch; các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng đã trả lời một số nội dung. Đề nghị các đại biểu, để tránh trùng lặp nội dung chất vấn, nếu thấy thật cần thiết thì mới trao đổi lại", Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nói.

Các báo cáo liên quan đến nội dung nhóm vấn đề chất vấn đã được gửi đến các ĐBQH từ ngày 27/5, với việc chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng cho phiên chất vấn, cùng với kết quả thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội trong những ngày vừa qua, các ĐBQH đã có thời gian để nghiên cứu kỹ lưỡng báo cáo của các Bộ trưởng, Trưởng ngành để chất vấn làm rõ các nội dung, trách nhiệm quản lý của các Bộ, ngành đối với lĩnh vực chất vấn.

Các Bộ trưởng, Trưởng ngành thông qua chất vấn sẽ có thêm thông tin để hoàn thiện các giải pháp có hiệu quả trong việc lãnh đạo, điều hành, tạo chuyển biến thực sự trong từng lĩnh vực quản lý.

Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, với trí tuệ, tinh thần trách nhiệm cao, kinh nghiệm thực tiễn công tác, trình độ chuyên môn sâu và tình hình thực tế ở các địa phương, cơ sở, cùng với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ĐBQH, phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ diễn ra sôi nổi, trên tinh thần xây dựng, trách nhiệm cao, có nhiều thông tin phản ánh thực trạng tình hình, có nhiều đề xuất, kiến nghị, hiến kế cho Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành trong công tác chỉ đạo, điều hành, khắc phục những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong thực tế; tiếp tục đưa hoạt động chất vấn ngày càng trở thành điểm nhấn quan trọng của kỳ họp, đáp ứng sự mong đợi của cử tri, nhân dân.

Thu gọn