Chiều 5/6, sau phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm lĩnh vực kiểm toán, Quốc hội tiếp tục chất vấn nhóm vấn đề thứ 4 thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng.

Nội dung nhóm vấn đề này gồm: Công tác tuyển chọn, đào tạo và chế độ chính sách đối với vận động viên thể thao, nghệ sĩ trong các lĩnh vực nghệ thuật; giải quyết việc làm cho vận động viên, nghệ sĩ sau thời kỳ thi đấu, biểu diễn đỉnh cao.

Việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch trong năm 2024 và những năm tiếp theo; giải pháp phát triển sản phẩm du lịch đêm.

Chính sách đặc thù, thu hút đầu tư cho các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng các Bộ: KH&ĐT, Tài chính, GTVT, GD&ĐT, LĐTB&XH, Nội vụ; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình những vấn đề có liên quan.

ky hop.jpg
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 15. Ảnh: QH

Trước phiên chất vấn, trong báo cáo gửi các Đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, chế độ tiền lương được tính cho phần lớn viên chức có chức danh nghề nghiệp diễn viên hạng 4 từ hệ số lương 1,86 đến hệ số lương 4,06. Diễn viên hạng 3 từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98.

Qua khảo sát, đánh giá, hiện nay, đối với viên chức lĩnh vực nghệ thuật có thâm niên công tác, đã cống hiến 10 năm (trung bình ở độ tuổi 35) được nhận khoảng 5 triệu đồng sau khi trừ BHXH, chỉ nhỉnh hơn mức lương tối thiểu vùng.

Từ năm 2015 đến nay, sau 6 lần tăng lương cơ sở, mức tiền bồi dưỡng cụ thể như trên vẫn giữ nguyên, không theo kịp so với nhu cầu của cuộc sống, vì vậy không khích lệ, động viên được viên chức, người lao động chuyên môn trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.

Bộ VHTT&DL đề xuất xây dựng chính sách đối với viên chức lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn thuộc “Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm” được xem xét về hưu sớm theo nguyện vọng khi đã tham gia BHXH đủ 20 năm trở lên, mức hưởng lương hưu sẽ theo tỷ lệ đóng BHXH.

Bộ cũng đề xuất có nghị định quy định về đào tạo các ngành, nghề chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật, trong đó có quy định về chính sách tuyển dụng đối với người học các ngành, nghề chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật sau khi tốt nghiệp, có tài năng, năng khiếu phù hợp với vị trí việc làm.

Bộ VHTT&DL cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp, về chế độ bồi dưỡng luyện tập, bồi dưỡng biểu diễn đối với viên chức, người lao động chuyên môn lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

06/06/2024 | 08:30

Phiên chất vấn nhóm vấn đề VHTT&DL diễn ra sôi nổi với tinh thần xây dựng, trách nhiệm cao

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, phiên chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch diễn ra sôi nổi, với tinh thần xây dựng, trách nhiệm cao.

Các Đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi ngắn gọn, đúng nội dung chất vấn, tích cực tranh luận để làm rõ hơn vấn đề chất vấn, thể hiện sự quan tâm của các Đại biểu Quốc hội cũng như cử tri và nhân dân đối với lĩnh vực này.

Phiên chất vấn có 45 lượt ý kiến phát biểu (trong đó có 37 ý kiến chất vấn, 8 ý kiến tranh luận). Bộ trưởng đã chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung, nắm chắc vấn đề, trả lời thẳng thắn, tâm huyết, cụ thể, đầy đủ các vấn đề Đại biểu Quốc hội đặt ra.

Trong hơn 2 ngày vừa qua, 4 bộ trưởng, trưởng ngành đã trả lời chất vấn 4 nhóm vấn đề mà cử tri và nhân dân cả nước quan tâm. Để làm rõ hơn một số nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà sẽ báo cáo làm rõ các vấn đề Đại biểu Quốc hội quan tâm và trực tiếp trả lời Đại biểu Quốc hội.

Thu gọn
06/06/2024 | 08:01

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng tiếp tục trả lời chất vấn

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chia sẻ, hôm qua ông đã báo cáo về những nội dung mà 45 Đại biểu Quốc hội quan tâm. Quá trình báo cáo đã làm rõ, có thể đã đáp ứng mong muốn của Đại biểu Quốc hội nhưng cũng có thể chưa thực sự làm hài lòng do quỹ thời gian có hạn.

"Chúng tôi ý thức rằng việc chất vấn, báo cáo không chỉ tăng cường vai trò giám sát, phản ánh nguyện vọng chính đáng của cử tri đối với cơ quan quản lý Nhà nước mà còn là sự quan tâm sâu sắc với lĩnh vực VHTT&DL.

Đảng ta xác định văn hóa là hồn cốt của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần khẳng định và nhắc lại như vậy", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chia sẻ.

acd60930 059c 4233 8932 e9010352570c.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội. 

Đại biểu Lý Thị Lan (Hà Giang) nêu: Thời gian qua, điển hình là giá vé máy bay tăng cao dẫn đến giá tour du lịch trong nước cũng tăng so với tour du lịch quốc tế. Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp về vấn đề này, nhất là về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp?

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói: Chúng tôi cũng thấy trách nhiệm của mình, vấn đề trên thuộc trách nhiệm của Bộ GTVT và Bộ Tài chính.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, Bộ VHTT&DL cũng không đứng ngoài cuộc về vấn đề này. Bởi vì, khi giá vé máy bay tăng cao cũng ảnh hưởng đến kinh tế xã hội nói chung, trong đó có du lịch.

Bộ VHTT&DL cũng phối hợp với các bộ, ngành liên quan; tiến hành tổ chức hội thảo, phân tích các dữ liệu. Bộ đã tổ chức các hội thảo, tọa đàm với các hiệp hội du lịch. Trong cơ cấu giá tour, giá vé máy bay và dịch vụ chiếm tỷ trọng 30-40%, nếu giá vé máy bay tăng cao sẽ ảnh hưởng đến giá thành gói tour đó, làm giảm tính cạnh tranh của các tour du lịch.

Qua làm việc với các bộ, ngành cho thấy, giá vé máy bay tăng bởi các lý do: Phụ thuộc vào chi phí dịch vụ ở cảng sân bay, chi phí về giá đầu vào nhiên liệu, số máy bay phải đi bảo dưỡng, bảo hành theo định kỳ nên số lượng máy bay không nhiều, đã ảnh hưởng đến giá vé.

Trước tình hình đó, Bộ VHTT&DL cũng đề xuất và đề nghị Bộ GTVT, Bộ Tài chính kịp thời báo cáo với cấp có thẩm quyền để xem xét ban hành các chính sách hỗ trợ giảm giá phí điều hành khai thác tại các sân bay, góp phần hạ giá tour.

Đối với các hãng hàng không, Bộ cũng đề xuất các doanh nghiệp này cố gắng đảm bảo có đủ máy bay, tăng cường các chuyến bay đêm để đảm bảo nhu cầu đi lại.

Bộ VHTT&DL cũng đề nghị các doanh nghiệp lữ hành tối ưu hóa trong chương trình tour, xây dựng điểm đến linh hoạt, có thể kết nối xây dựng gói sản phẩm kích cầu du lịch, có sự hỗ trợ lẫn nhau để hạ giá thành.

Sau khi những đề xuất trên đã được xem xét, chấp thuận, Thủ tướng đã có chỉ đạo, thực tế từ ngày 28/5 giá vé máy bay trên các tuyến đã bắt đầu "hạ nhiệt".

"Khi vấn đề được nêu lên, ngồi lại bàn bạc tính toán, xem xét, tối ưu hóa các lợi nhuận và đặc biệt quán triệt quan điểm của Thủ tướng về việc 'lợi ích hài hòa, rủi ro cùng chia sẻ' nên ngành hàng không và các điểm du lịch đã cùng ngồi lại để tính toán, vì thế đã có kết quả bước đầu", Bộ trưởng cho biết.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) hỏi, cần thực hiện những giải pháp gì để phát huy vai trò của ngành công nghiệp văn hóa trong mối liên kết với du lịch.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định Việt Nam có 12 ngành công nghiệp văn hóa. Trong đó Bộ VHTT&DL chịu trách nhiệm quản lý 5 nhóm ngành gồm: Quảng cáo, điện ảnh, mỹ thuật nhiếp ảnh, triển lãm, nghệ thuật biểu diễn và du lịch văn hóa. Còn các ngành khác thuộc chức năng của các bộ ngành.

Bộ VHTT&DL đã tổng kết và tham mưu với Thủ tướng Chính phủ tổ chức hội nghị lần thứ nhất về phát triển công nghiệp văn hóa với sự chủ trì của Thủ tướng. Hội nghị rất thành công, Thủ tướng kết luận "tư duy phải sắc bén, hành động phải sắc sảo, lựa chọn phải tinh hoa để đột phá phát triển". Với các từ khoá đó, Bộ đang tham mưu và sẽ sớm ban hành chỉ thị với tinh thần công nghiệp văn hóa sáng tạo, bản sắc, độc đáo, lành mạnh, cạnh tranh và bền vững.

Trong dự kiến Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa cũng nhấn mạnh về công nghiệp văn hóa với hy vọng ngành sẽ đóng góp khoảng 7% GDP vào năm 2030. Du lịch văn hóa phải được coi là sản phẩm chiếm tỷ trọng nhiều hơn.

Hiện nay công nghiệp văn hóa mới chỉ chiếm 10-15% sản phẩm du lịch là chưa tương xứng, để làm ra sản phẩm không phải địa phương nào cũng làm được vì đòi hỏi tính sáng tạo và nghệ thuật.

Bộ trưởng dẫn chứng, Văn Miếu Quốc Tử Giám trước đây là nơi học sinh đến vào mùa thi cử, nhưng Hà Nội đã thổi hồn là "tinh hoa đạo học" cả đêm cũng sáng đèn, hay di tích nhà tù Hỏa Lò trước đây cũng chỉ là nơi lưu trữ ký ức hào hùng lịch sử nhưng Hà Nội đã thổi hồn vào bằng hoạt động thực cảnh vào buổi đêm, thông qua thực cảnh xây dựng hình tượng chiến sĩ cách mạng, người đảng viên trung kiên để lại ấn tượng cho du khách.

"Thời gian tới phải làm nhiều hơn nữa, tập trung đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp văn hóa. Như Hàn Quốc đi đầu về công nghiệp văn hóa, để có được sản phẩm hôm nay thì bộ trưởng của họ trao đổi rằng, đã cử hàng ngàn sinh viên đến Mỹ đào tạo từ 40-50 năm trước và đây là các chuyên gia đóng góp cho ngành công nghiệp văn hóa", Bộ trưởng nói nói.

Đại biểu Leo Thị Lịch (Bắc Giang) đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp đột phá để thực hiện được tốt nhất việc bảo vệ và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.

Hiện nay, chữ viết và văn hóa bản sắc dân tộc không những mai một mà chỉ cần 10 năm, 20 năm nữa, một số dân tộc thiểu số sẽ không còn nói được tiếng nói của mình. Giải pháp nào duy trì bản sắc, bảo tồn loại hình này. Câu hỏi này cũng được đại biểu tỉnh Bắc Giang đề nghị Bộ trưởng GD&ĐT làm rõ thêm, liên quan bộ sách dạy tiếng dân tộc trong thời gian tới.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, tất cả đề án bảo vệ, gìn giữ văn hóa đều đã có. Đột phá được hay không là cách ta tiếp cận. Nhưng quan trọng nhất là phải nâng cao nhận thức, phát huy yếu tố chủ thể văn hóa, biết phát huy và yêu thích văn hóa của mình.

Như ngôn ngữ phải giữ, phải tự học, tự làm; hay như kiến trúc, nếu chỉ muốn xây nhà mái bằng thì nhà Rông, nhà Dài sẽ mất dần.

“Trong quá trình giao thoa văn hóa, chủ thể văn hóa phải biết trân trọng, yêu quý, giữ gìn văn hóa của mình”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Thu gọn
06/06/2024 | 08:00

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên chất vấn

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, sáng nay, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL sẽ tiếp tục trả lời chất vấn của các Đại biểu Quốc hội. Thời gian trả lời đến 8h30.

060620240801 z5511688209149_4cd1530680d24ed87621cf545f1017b5.jpg
Thu gọn
05/06/2024 | 17:00

Sáng 6/6, tiếp tục chất vấn lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch

Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, theo chương trình, sáng ngày 6/6, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng sẽ trả lời 10 chất vấn và 1 tranh luận của ĐBQH.

Thu gọn
05/06/2024 | 16:40

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trả lời chất vấn liên quan đến chính sách dân tộc và công tác dân tộc

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có phát triển lĩnh vực văn hóa, bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Đây là một chủ trương lớn và có rất nhiều chính sách được tổ chức thực hiện trong từng giai đoạn khác nhau.

Theo tổng kết của Ủy ban Dân tộc, chính sách văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được triển khai một cách đồng bộ, toàn diện, trên các lĩnh vực như: Bảo tồn tiếng nói, chữ viết, lễ hội, phong tục tập quán, các hoạt động văn hóa nghệ thuật, xây dựng văn hóa phi vật thể; thiết chế văn hóa ở các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được quan tâm, được triển khai khá đồng bộ.

Trong đó, đối với việc bảo tồn tiếng nói, chữ viết, lễ hội, phong tục, tập quán, đến nay hầu như tất cả các tỉnh, thành phố đã triển khai thông qua các chính sách do Chính phủ ban hành.

hau a lenh.jpg
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh. Ảnh: QH

Về xây dựng hệ thống bảo tàng để bảo tồn, gìn giữ, hiện có 3 bảo tàng cấp Trung ương, 65 bảo tàng cấp tỉnh thực hiện việc sưu tầm, kiểm kê và trưng bày các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc nói chung, trong đó có các dân tộc thiểu số nói riêng.

Đã triển khai 407 dự án sưu tầm, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa phi vật thể của vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 145 di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc thiểu số đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; 559 người dân tộc thiểu số được công nhận là nghệ nhân.

Kết luận 65 của Bộ Chính trị đã nêu 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trong đó có một nhóm rất quan trọng là nâng cao mức thụ hưởng văn hóa của người dân, đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế cơ sở văn hóa cho từng vùng, từng địa phương và quan tâm tu sửa các công trình lịch sử văn hóa.

Trên tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội và được Quốc hội ban hành Nghị quyết số 88/2019/QH14 về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Đây là cơ sở để ban hành Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Trong tổng số 10 dự án của Chương trình có 1 dự án tập trung bảo tồn, phát huy, gìn giữ bản sắc văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo đó, dự án đặt mục tiêu 80% các thôn có nhà văn hóa; 50% số thôn có các đội văn hóa, văn nghệ truyền thống hoạt động thường xuyên. Tính đến hết năm 2023, hai mục tiêu này cơ bản đã đạt. Như vậy, so với mục tiêu Quốc hội đặt ra, cơ bản đã đạt về các chỉ tiêu chủ yếu trong giai đoạn này.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết thêm, các chỉ tiêu chủ yếu trong giai đoạn này là: Sẽ bảo tồn 120 lễ hội của các dân tộc thiểu số trên phạm vi vùng đồng bào dân tộc thiểu số; ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ đầu tư xây dựng 20 mô hình văn hóa cấp thôn; xây dựng 800 câu lạc bộ và sinh hoạt văn hóa dân gian tại các thôn bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ xây dựng 3.590 thiết chế văn hóa thể thao cấp thôn; xây dựng 80 điểm đến du lịch tiêu biểu của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; thực hiện 200 dự án sưu tầm, phục dựng, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể đang có nguy cơ mai một…

Ông Hầu A Lềnh khẳng định, hiện nay các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 120 đã được ban hành, các địa phương đang tổ chức triển khai dự án này.

Dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước, Bộ trưởng cho rằng, nếu Bộ HTT&DL và các địa phương triển khai đầy đủ, giải ngân hết số vốn đã được bố trí thì sẽ cơ bản đáp ứng yêu cầu, mong muốn bảo tồn, gìn giữ, phát huy bản sắc dân tộc.

Về giải pháp để huy động nguồn vốn và các giải pháp về quản lý, cũng như phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa, Bộ trưởng bày tỏ sự đồng tình với phần trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng.

Trong thời gian tới, Ủy ban Dân tộc sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ VHTT&DL triển khai nghiêm túc và đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã ban hành.

Trong năm 2025 sẽ phối hợp với Bộ VHTT&DL tổng kết toàn diện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, trong đó có dự án về phát triển văn hóa; từ đó đề ra các giải pháp thực hiện trong giai đoạn 2026-2030.

Thu gọn
05/06/2024 | 16:30

Đề xuất bán vé với phim Nhà nước đặt hàng

ĐBQH Lê Đào An Xuân (Phú Yên): Điện ảnh là một phương thức rất hiệu quả để quảng bá hình ảnh đất nước nói chung và xúc tiến du lịch nói riêng.

Đề nghị Bộ trưởng làm rõ trong thời gian tới, Bộ có giải pháp gì để hỗ trợ ngành điện ảnh Việt Nam cũng như giải pháp gì để những phim do Nhà nước đặt hàng đến được với khán giả, tạo nên một kênh xúc tiến, quảng bá du lịch hiệu quả?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Luật Điện ảnh có hiệu lực đã hỗ trợ quản lý Nhà nước, là công cụ để phát triển điện ảnh. Từ đó, điện ảnh Việt Nam đã có nhiều khởi sắc.

Nền điện ảnh đang được triển khai theo đúng lộ trình, nhất là tập trung vào việc thu hút các nhà làm phim nước ngoài đến Việt Nam để làm phim. Cùng với đó, cũng đề nghị các nhà làm phim kết hợp quảng bá đất nước, con người Việt Nam, gắn với du lịch.

Bộ trưởng dẫn chứng bộ phim "Hành trình tình yêu của một du khách" chiếu trên Netflix đã giới thiệu Việt Nam ra thế giới.

Nước ta có lợi thế là các phim trường tự nhiên rất đẹp, Bộ trưởng bày tỏ hy vọng thời gian tới sẽ tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến du lịch qua điện ảnh, từ đó có nhiều bộ phim chất lượng.

Về phim Nhà nước đặt hàng, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, mỗi năm Nhà nước chi khoảng 60-70 tỷ đồng để đặt hàng làm phim nên các đơn vị phải cố gắng chuẩn bị thật tốt.

Phim Nhà nước đặt hàng có điểm nghẽn là không được bán vé. "Sắp tới chúng tôi sẽ đề xuất để các bộ phim Nhà nước đặt hàng có chất lượng tốt, sẽ được bán vé để phim đến với đông đảo công chúng hơn", ông Hùng nói.

Vừa qua, Bộ VHTT&DL phối hợp với các tổ chức quốc tế xây dựng bộ phim về du lịch đã tạo hiệu ứng lan tỏa, giới thiệu đến bạn bè quốc tế về vùng đất, vẻ đẹp con người Việt Nam.

Năm 2023, Bộ đã tổ chức Hội nghị xúc tiến du lịch qua điện ảnh cũng như tạo điều kiện để các doanh nghiệp ký kết sản xuất phim về vấn đề này.

Trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng cần tiếp tục phát huy lợi thế, vẻ đẹp tự nhiên của đất nước, đặc biệt là triển khai thực hiện hiệu quả cơ chế chính sách trong Luật Điện ảnh. Đồng thời, Bộ sẽ đề xuất điều chỉnh Nghị định của Chính phủ để có thể công bố bán vé phim do Nhà nước đặt hàng.

ĐBQH Huỳnh Thị Ánh Sương (Quảng Ngãi): Theo báo cáo của Bộ VHTT&DL, tình trạng nguồn nhân lực du lịch vừa thiếu vừa chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Vậy cần những giải pháp gì để nhanh chóng bổ sung và nâng cao trình độ nguồn nhân lực du lịch, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng thị trường lao động trong nước, đồng thời có thể hội nhập, làm việc trong ngành du lịch các nước, như là hiện nay lao động các nước Đông Nam Á có thể đến làm việc tại Việt Nam?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch hiện nay đang thiếu. Trong đó, nhân lực làm tại các cơ sở lưu trú chiếm 70%, nhân lực lữ hành 20%, còn lại 10% làm tại các đơn vị khác.

Hiện nay, chúng ta có 8 trường cao đẳng du lịch theo từng vùng. Sinh viên ra trường đều được các doanh nghiệp nhận vào làm. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tự đào tạo nhân sự như Sài Gòn Tourists, Hà Nội Tourists…

Vì vậy, Bộ trưởng nhấn mạnh, cần tập trung đa dạng hóa loại hình đào tạo, nâng cao kiến thức cho nhân lực làm du lịch, sau đó tổ chức thi tay nghề; nhân lực cần được tiếp cận theo chuẩn nghề trong ASEAN.

Thu gọn
05/06/2024 | 16:10

Chưa có quốc hoa, quốc phục vì không biết ai có thẩm quyền quy định

ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) tranh luận: Phát triển du lịch cần giữ gìn bản sắc văn hóa. Trong phần trả lời của Bộ trưởng có khẳng định, du lịch cũng cần tiếp thu văn minh nhân loại.

Chúng ta có bộ nhận diện du lịch Việt Nam như du lịch biển, đảo… nhưng đây cũng chỉ là một dòng sản phẩm du lịch. Ở quy mô quốc gia chưa có bộ nhận diện bản sắc Việt Nam để du lịch những năm tiếp theo hồi phục với tỷ lệ du khách quốc tế quay lại cao.

Khách quốc tế ít quay lại với du lịch Việt Nam là vì chúng ta chưa làm rõ bản sắc Việt Nam để đọng lại trong lòng du khách, dù chúng ta tự hào bản sắc 54 dân tộc ở 63 tỉnh thành.

Ví dụ du lịch Nhật Bản dễ nhớ vì họ có sushi, núi Phú Sỹ, kimono, hoa đào, trà đạo... Bản sắc quốc gia thể hiện qua trang phục, ẩm thực, thắng cảnh, âm nhạc, nghệ thuật.

Du lịch Việt Nam có thể để lại dấu ấn với du khách về áo dài, phở, Sơn Đòng, Hạ Long, đàn bầu, múa rối nước, rượu...

Theo thư viện Quốc hội, hiện chưa có tổ chức, cá nhân nào được duyệt quốc hoa, quốc phục, quốc tửu, quốc cầm, vì vậy gây hạn chế việc quảng bá Việt Nam ra thế giới. Bộ trưởng nêu rõ quan điểm về việc xây dựng bộ nhận diện bản sắc Việt Nam, góp phần hồi phục du lịch những năm tiếp theo?

nguyen van cảnh.jpg
ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh. Ảnh: QH

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chia sẻ, khi trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng nói cần xây dựng thương hiệu của Việt Nam trong một số lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp. Việc này rất cần thiết nhưng qua rà soát lại về cơ sở pháp lý thì chưa có. Đây là khoảng trống về mặt pháp lý.

Theo ông Hùng, nhìn từ góc độ văn hóa, năm 2011, Chính phủ có giao cho Bộ VHTT&DL xây dựng bộ nhận diện về quốc hoa.

Thời điểm đó Bộ đề xuất hoa sen, nhưng làm xong trình lên thì vướng mắc ở chỗ: "Ai là người có thẩm quyền công nhận, ai là người ký… Cuối cùng trả lời không ai có thẩm quyền cả vì không có quy định".

Bên cạnh đó, đã nghiên cứu nhận diện lễ phục, quốc phục là bộ áo quần có tính chất đặc trưng, nhưng sau đó khó nên phải dừng lại.

“Tôi rất chia sẻ với đại biểu Cảnh vì nhiều lần mặc áo dài đi họp. Chúng tôi biết điều đó, đại biểu rất trăn trở và muốn giữ bản sắc văn hóa.

Do vậy, nhân đây, chúng tôi tha thiết đề nghị Quốc hội bổ sung khoảng trống pháp lý này. Có thể giao cho một địa phương hay bộ nào, đưa vào trong luật để Chính phủ, bộ, ngành được thẩm quyền công nhận. Bởi vì đưa ra nhận diện rồi không được cấp thẩm quyền công nhận thì không được”, ông Hùng nói.

Thu gọn
05/06/2024 | 15:55

Thí điểm phát triển sản phẩm du lịch đêm ở 12 địa phương

ĐBQH Tạ Thị Yên (Điện Biên): Báo cáo của Bộ VHTT&DL có nêu yêu cầu thu hút nguồn lực đầu tư, nhất là nguồn lực xã hội đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phát triển các sản phẩm, chương trình nghệ thuật sáng tạo, ẩm thực truyền thống, các tổ hợp vui chơi tổng hợp riêng biệt, quy mô lớn đẳng cấp khu vực và thế giới,…

Đề nghị Bộ trưởng cho biết trong thời gian tới, có những dự án lớn nào ở khu vực tư nhân xây dựng các tổ hợp vui chơi tổng hợp riêng biệt, quy mô lớn đẳng cấp khu vực và thế giới đang được nghiên cứu và cấp phép tại Việt Nam hay không?

tạ thị yên.jpg
ĐBQH Tạ Thị Yên. Ảnh: QH

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Đảng, Nhà nước mong muốn thu hút đầu tư cho du lịch. Bộ KH&ĐT thẩm định các dự án đầu tư, địa phương phải có trách nhiệm phối hợp thực hiện.

Bộ trưởng chia sẻ, sau đại dịch tình hình KTXH nước ta đã phục hồi trở lại, nhiều doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội đầu tư trong du lịch. Địa bàn dư địa tốt như Quảng Ninh, Phú Quốc, Đà Nẵng, Cần Thơ... có một số doanh nghiệp Việt Nam đang nghiên cứu để đầu tư. Khi liên quan đến du lịch, địa phương gửi ý kiến thì Bộ mới tham mưu.

ĐBQH Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn): Các sản phẩm du lịch đêm còn đơn điệu, chủ yếu là hình thức phố đi bộ, khu mua sắm, khu ẩm thực đêm, chợ đêm và một số hoạt động giải trí.

Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp trong việc đổi mới sản phẩm du lịch đêm cũng như lộ trình của việc thí điểm, nhân rộng loại hình du lịch này trong thời gian tới?

lưu bá mạc.jpg
ĐBQH Lưu Bá Mạc. Ảnh: QH

Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết: Quy hoạch vùng, quy hoạch các tỉnh, thành đã được Thủ tướng phê duyệt, trong các quy hoạch nêu rất rõ chỗ nào làm dự án du lịch.

"Ví dụ một tỉnh có 10 dự án du lịch thì cần tập trung dự án nào cho du lịch đêm, đó là thẩm quyền của HĐND, UBND địa phương đó", Bộ trưởng dẫn chứng.

Về gói sản phẩm du lịch đêm, Bộ đưa ra là để hướng dẫn và đang thí điểm ở 12 địa phương.

"Một trong những nguyên lý của thị trường là bán cái mà người ta cần chứ không phải bán cái chúng ta có. Muốn làm nhưng làm ra không ai dùng thì cũng rất khó", Bộ trưởng lý giải.

Sản phẩm du lịch đêm còn phụ thuộc vào thị yếu, tập quán, thói quen, nhu cầu của nhiều loại khách nên phải phân tầng, phân nhóm, phân hạng. Bộ trưởng cho biết, sau khi tìm hiểu một số sản phẩm du lịch đêm của một số nước, họ chọn theo phân khúc thị trường để triển khai và cũng chỉ làm ở những điểm trọng yếu.

Bộ trưởng cho rằng đây là vấn đề mới, khó nên cần tập trung nghiên cứu, "cứ làm du lịch ngày cho thật tốt sau đó có thêm một số sản phẩm du lịch ban đêm phụ trợ đi kèm để thu hút du khách".

Thu gọn
05/06/2024 | 15:17

Chưa phát hiện tình trạng tham nhũng quỹ hỗ trợ phát triển du lịch

ĐBQH Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) phát biểu tranh luận cho rằng nếu giao Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch này cho Bộ VHTT&DL, rồi Bộ lại gửi tiền này vào ngân hàng thì không cần Ban quản lý quỹ.

Việc quản lý tiền của quỹ này nên giao cho Bộ VHTT&DL với nguyên tắc không làm thất thoát tiền của Nhà nước. Việc quản lý quỹ này có thể giao cho Văn phòng Bộ.

ĐBQH Hoàng Ngọc Định (Hà Giang) cũng đề nghị Bộ trưởng đánh giá rõ hơn hiệu quả hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch? Nhiệm vụ của Quỹ có trùng với nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước hay không?

bt hung.jpg
Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng. Ảnh: QH

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Luật Du lịch có hiệu lực từ năm 2018, còn Quỹ phát triển du lịch được hình thành từ năm 2021. Quỹ này phải có bộ máy và điều lệ hoạt động do Thủ tướng phê duyệt. Hoạt động theo mô hình vừa doanh nghiệp vừa là đơn vị sự nghiệp công lập.

Thời gian qua, Bộ trưởng nhận thấy nhiều bất cập. Số tiền 300 tỷ đồng là vốn điều lệ của quỹ, theo quy định không được phép chi cho các hoạt động xúc tiến du lịch, mà phải gửi tại Kho bạc Nhà nước. Khoản lãi từ tiền gửi này dành cho hoạt động bộ máy, tổ chức hoạt động. Còn tiền chi cho hoạt động xúc tiến du lịch được trích từ khoản thu tiền vé tại các khu di tích hàng năm, mức này khoảng 5-10%.

 "Năm nào thu được nhiều thì Bộ Tài chính cấp nhiều, năm nào thu ít thì Bộ Tài chính cấp ít", ông Hùng thông tin.

Tuy vậy, Bộ trưởng Hùng nhìn nhận bộ máy vận hành, điều hành của quỹ này vừa qua chưa ổn (đã thay Chủ tịch, Giám đốc quỹ nhưng vẫn chưa ổn), "có tiền mà không tiêu được". Phần tiền Quỹ phát triển du lịch được chi nhưng không tiêu hết, vẫn nằm trong kho quỹ và không được chuyển nguồn sang năm sau.

Nhưng Bộ trưởng khẳng định, đến thời điểm này chưa phát hiện tình trạng tham ô, tham nhũng quỹ. "Cách điều hành của anh em chỗ này, chỗ kia chưa được thì chúng tôi sẽ chấn chỉnh điều hành, trước mắt tập trung xúc tiến quảng bá du lịch, sản phẩm du lịch để phát huy hiệu quả quỹ", ông Hùng nói.

Thu gọn
05/06/2024 | 15:14

Giải pháp khai thác đường đua xe F1 và làm gì để phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long?

Đại biểu Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai) đề cập đến chủ trương thu hút du lịch qua sự kiện thể thao. Vì vậy, chúng ta đã xây dựng đường đua xe F1 rất hoành tráng và hiện đại.

“Nhưng đến nay, khu đường đua xe F1 này đang bị bỏ không. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ VHTT&DL cho biết giải pháp khai thác đường đua này như thế nào?”, đại biểu Nguyễn Công Long nêu vấn đề.

Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết, đường đua F1 do UBND TP Hà Nội là chủ đầu tư và triển khai. Sau đó, do nhiều lý do khách quan và chủ quan khác nhau nên không triển khai nữa.

“Việc này, chúng tôi với tư cách là cơ quan phối hợp, Bộ VHTT&DL tại thời điểm đó cũng đã phối hợp để bàn giao mặt bằng, đất đai để làm đường đua xe F1. Chúng tôi cũng đã thực hiện đúng quy định công tác phối hợp. Để biết chính thức đường đua đó có trở lại hoạt động hay không, chắc là các đồng chí Hà Nội trả lời giúp”, ông Nguyễn Văn Hùng nói.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Thị Thanh Lam (Hậu Giang): "Làm gì để phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long?", Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng khẳng định, trong Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đã xác định du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn và là ngành kinh tế tổng hợp.

Chính vì vậy vừa qua Chính phủ đã tập trung phê duyệt quy hoạch 6 vùng kinh tế theo nghị quyết chuyên đề của Bộ Chính trị. Trong quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đều xác định các tuyến, các trục, các khu vực kết nối trong lĩnh vực du lịch, dựa trên kết nối giao thông là kết nối trọng yếu để phát triển các ngành dịch vụ khác.

Đồng bằng sông Cửu Long đã phát triển được các sản phẩm du lịch có lợi thế của vùng sông nước như: Du lịch miệt vườn, du lịch sông nước, trải nghiệm về thiên nhiên, cảnh quan và văn hóa bản địa.

Theo Bộ trưởng Bộ VHTT&DL, trong thời gian tới, cần phải kết nối, liên kết vùng. Trong đó, TP.HCM sẽ là một điểm đầu tàu để liên kết giữa Đồng bằng sông Cửu Long với miền Đông Nam Bộ. Chúng ta sẽ liên kết các sản phẩm du lịch thông qua kết nối tour, tuyến và xây dựng các sản phẩm du lịch mới để đáp ứng nhu cầu của du khách. Hy vọng với cách tiếp cận như vậy sẽ dần dần thúc đẩy được vùng có nhiều tài nguyên về du lịch chưa được đánh thức.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng khẳng định ủng hộ và mong muốn các địa phương tập trung giải quyết bài toán hạ tầng du lịch, trong đó có hạ tầng về lưu trú.

“Các điểm du lịch phải có những doanh nghiệp lớn vào đầu tư và tạo ra được các sản phẩm, qua đó người dân sẽ được hưởng lợi. Không nói đâu xa như ở Tây Ninh, các đồng chí thấy tại núi Bà Đen chẳng hạn, đó cũng là một sản phẩm. Tôi hy vọng như thế sẽ có cách tốt hơn để phát triển du lịch”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Thu gọn
05/06/2024 | 15:04

Bổ sung các cơ chế để tạo môi trường thuận lợi triển khai kinh tế thể thao

ĐBQH Lê Hoàng Anh (Gia Lai) tranh luận về các giải pháp cho vận động viên thành tích cao, Bộ trưởng cho biết sẽ nghiên cứu, đề xuất trình các cấp có thẩm quyền có cơ chế chính sách cụ thể, đề nghị Bộ trưởng cho biết “sẽ” là bao giờ?

Kinh nghiệm các nước cho thấy, việc giải quyết thu nhập cho vận động viên không phụ thuộc vào ngân sách nhà nước mà bằng cách phát triển kinh tế thể thao.

Mỗi năm, ngân sách Trung ương chi khoảng 900 tỷ đồng cho thể thao thành tích cao. Tuy nhiên kinh tế thể thao Việt Nam vẫn là “khuyết và tật”. Như vậy Bộ trưởng thấy cần giải quyết vấn đề kinh tế thể thao như thế nào? Trong chương trình mục tiêu quốc gia trình Quốc hội lần này cũng không thấy bóng dáng của kinh tế thể thao?

Ngoài ra, Khu Liên hiệp thể thao quốc gia phục vụ tập luyện, thi đấu của vận động viên, đặc biệt vận động viên thành tích cao, nhưng sau 5 năm công bố quyết định thanh tra, không chỉ không khắc phục được khó khăn mà còn chồng chất khó khăn, đời sống, nơi tập luyện của vận động viên cũng khó khăn, đại biểu đề nghị Bộ trưởng trao đổi thêm nội dung này?

le hoang anh.jpg
ĐBQH Lê Hoàng Anh. Ảnh: QH

Trả lời, Bộ trưởng cho rằng góp ý của đại biểu có tính xây dựng cho Bộ.

“Đại biểu Hoàng Anh không chỉ là đại biểu chuyên trách mà còn tham gia vào Liên đoàn Hiệp hội trong ngành thể thao nên nắm rất rõ về thể thao”, Bộ trưởng cảm ơn đại biểu.

Ông Hùng cho rằng “chúng ta không quá khiên cưỡng, cứ vận động viên thể thao là nhất nhất vào Nhà nước”. Ông dẫn thực tế có nhiều người sống được bằng thể thao, họ giải nghệ ra ngoài làm thông qua hình ảnh của mình hay mở các câu lạc bộ.

Về kinh tế thể thao đã đề cập như trong Đề án 06.

Trong việc triển khai kinh tế thể thao cũng đã có trong luật nhưng lâu nay chưa làm được thì bây giờ tập trung làm nghiêm túc, phải sửa đổi chính sách, bổ sung các cơ chế để tạo môi trường thuận lợi, thúc đẩy vấn đề này, hoàn thiện các khung pháp lý.

Bộ trưởng dẫn chứng, ngay như đua chó, đua ngựa cũng loại hình kinh tế thể thao nhưng giao cho các bộ khác song cũng chưa làm được. "Chúng ta thấy đúng nhưng chưa thể làm được ngay. Những việc này cần phải nghiên cứu. Còn làm cái gì ngay thì chúng tôi sẽ quyết liệt nhất, cố gắng nhất trong thời gian ngắn để trình được nội dung về kinh tế thể thao", Bộ trưởng nêu.

Với khu thể thao Mỹ Đình, Bộ trưởng cho biết, sau khi thực hiện kết luận thanh tra Chính phủ (vào 2018, đến 2021 có kết luận), khi ông lên Bộ trưởng đã nhận được kết luận này. Bộ đã nỗ lực, tập trung rà soát xử lý các kiến nghị của thanh tra và tập trung khắc phục.

Đến nay có những việc đã làm xong, có những việc đang làm. Bộ đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng đã có văn bản chỉ đạo. Bộ đang làm theo hướng rà soát lại quy hoạch, xử lý đất đai, xử lý những tồn đọng.

Tiếp đó là tiếp cận theo hướng nhà nước đầu tư thì phải biết khai thác theo hướng có các đề án cụ thể để trình Thủ tướng phê duyệt cho phép thì mới triển khai, giải quyết bài toán căn cơ từ nợ thuế đất, đưa vào sử dụng như thế nào để phát huy đầu tư công, quản trị tư để hiệu quả hơn trong chống lãng phí.

Thu gọn
05/06/2024 | 14:50

Nghiên cứu giải bài toán quy hoạch khu phát triển kinh tế đêm

ĐBQH Vũ Thị Liên Hương (Quảng Ngãi) đặt câu hỏi: Với điều kiện tự nhiên, khí hậu và thời tiết của Việt Nam, “du lịch đêm” là một hướng đi đúng đắn để phát triển du lịch. Tuy nhiên, hiện nay sản phẩm du lịch đêm còn đơn điệu, chưa có nhiều sản phẩm đa dạng, đặc sắc để thu hút và giữ chân du khách, mặt khác tiềm ẩn nguy cơ phát sinh các tệ nạn xã hội. Đề nghị Bộ trưởng cho biết ý kiến của mình cũng như các giải pháp khắc phục?

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Thủ tướng đã ban hành quyết định 1129 về Phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam, trong đó có giao nhiệm vụ cho Bộ VHTT&DL xây dựng thí điểm, ban hành một số sản phẩm du lịch đêm.

Bộ đã lựa chọn 12 tỉnh, thành để tập trung thực hiện một số sản phẩm du lịch ban đêm. Nhờ sự nỗ lực của Bộ và các địa phương, tín hiệu bước đầu của việc phát triển sản phẩm du lịch đêm khá tích cực. Ví dụ Hà Nội làm nên sản phẩm như Văn Miếu Quốc Tử Giám có tinh hoa đạo học, Ninh Bình có đêm Cố đô Hoa Lư, TP.HCM có Sắc màu đêm Sài Gòn và nhiều tỉnh khác đã tìm thấy nhiều sản phẩm du lịch đêm thu hút và đáp ứng được nhu cầu của du khách. Các loại hình phố đi bộ, nghệ thuật đường phố, ẩm thực... đáp ứng một phần nhu cầu của du khách.

Tuy nhiên đây cũng là vấn đề mới và khó, du lịch là sản phẩm của ngành kinh tế tổng hợp. Để có giải pháp căn cơ, Bộ đã đề xuất địa phương nghiên cứu cần giải bài toán quy hoạch khu phát triển kinh tế đêm (nhân dân ở xen kẽ làm sao để nhân dân yên tĩnh nghỉ ngơi khi bên kia là du lịch đêm), lực lượng lao động (không chỉ người bán hàng, làm dịch vụ mà còn lực lượng đảm bảo an ninh trật tự), chế độ chính sách cho những hoạt động biểu diễn, nghiên cứu thị trường (không làm thì thiếu nhưng làm không cẩn thận thì xong bỏ lại).

Bộ trưởng cho biết có địa phương đã phát triển du lịch đêm nhưng chỉ được một thời gian vì lượng khách không đến, không biết bán cho ai.

Hướng tiếp cận trong thời gian tới là Bộ VHTT&DL sẽ đồng hành, gợi mở một số nhóm sản phẩm dựa trên văn hóa từng địa phương; phát triển các loại hình ẩm thực; đáp ứng nhu cầu mua sắm, đưa thêm các gói sản phẩm.

Nhiều chuyên gia kinh tế về địa phương để làm nhưng phát triển kinh tế đêm là việc khó chứ không thể làm trong ngày một, ngày hai..

Thu gọn
05/06/2024 | 14:30

Bớt xén tiền thưởng, khẩu phần ăn: Không bao che, dung túng

ĐBQH Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) nêu: Thời gian qua, dư luận xôn xao trước việc hàng loạt vận động viên thành tích cao tố cáo HLV bớt xén tiền thưởng, khẩu phần ăn. Những vụ việc trên đã làm xấu hình ảnh thể thao Việt Nam trong mắt công chúng.

Bên cạnh những câu chuyện đẹp đậm nghĩa thầy trò của thể thao Việt Nam thì những vụ việc bị phát hiện ở trên đã thể hiện mặt trái của thể thao thành tích cao, phản ánh hiện thực rằng chế độ đãi ngộ cho đối tượng này chưa thật sự phù hợp, cơ chế quản lý chưa thật sự hiệu quả. Điều này còn kéo theo hậu quả thể thao thành tích cao của Việt Nam không thể phát triển trong môi trường công bằng, minh bạch; không thể tạo động lực cho vận động viên, HLV.

Xin Bộ trưởng cho biết giải pháp lâu dài để quản lý và đảm bảo không tái diễn tình trạng trên?

minh tâm.jpg
ĐBQH Nguyễn Minh Tâm. Ảnh: QH

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, đây là điều nhức nhối của ngành. Mặc dù chỉ là hai sự việc có tính cá biệt. Đó là vấn đề tiền ăn của đội tuyển bóng bàn khi tham gia tập huấn tại Trung tâm thể thao Hà Nội (Mỹ Đình). Vụ thứ hai là tiền của Đội thể dục dụng cụ, liên quan đến Trung tâm thể thao của Hà Nội và bộ phận đội tuyển của trung tâm.

Khi phát hiện vụ việc, ông Hùng khẳng định đã kiên quyết xử lý với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.

Bộ đã kỷ luật hành chính và cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng để xem xét điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

“Chúng tôi không bao che, dung túng”, ông Hùng nhấn mạnh và cho rằng đây cũng là lời cảnh tỉnh trong công tác huấn luyện.

"Báo cáo thật với Quốc hội, việc này chúng tôi biết hơi chậm. Cái này cũng phải kiểm điểm lại. Vì vụ việc diễn ra đơn vị trung tâm, làm lãnh đạo cấp trên không thể biết được nhưng có thể nói chúng ta chậm nắm vấn đề", Bộ trưởng chia sẻ.

Trong thực tế, quỹ ban đầu được hình thành với mục đích tốt đẹp. Ví dụ, trong đội tuyển các em góp để thăm hỏi khi ốm đau, cưới hỏi, ma chay, hiếu hỉ, hỗ trợ… Ông Hùng nhìn nhận những việc này theo quy định của pháp luật là trái, nhưng việc đó trên tinh thần tự nguyện, tự quản, quản lý chặt chẽ thì chắc chắn không có tiêu cực. Nhưng vừa rồi đã lạm dụng và lại là huấn luyện viên dẫn đến tiêu cực trong đó.

Đề cập đến giải pháp, Bộ trưởng cho biết, đã bổ sung hoàn chỉnh quy định về quản lý đội tuyển, trong đó quy định rất rõ từ tập luyện cho đến quản lý.

Cùng với đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm. “Lâu nay có kiểm tra, nhưng kiểm tra chất lượng đào tạo, còn ít kiểm tra về chế độ chính sách”, ông Hùng nêu.

Giải pháp nữa là công khai, minh bạch, ngay từ đầu vào phải thông báo chế độ tiền ăn bao nhiêu một ngày, tiền thưởng bao nhiêu để quản lý. “Nghiêm cấm việc lập quỹ mặc dù có mục đích tốt đẹp như ban đầu nhưng bây giờ là nghiêm cấm”, Bộ trưởng khẳng định.

Thu gọn
05/06/2024 | 14:20

Đưa trẻ em biểu diễn giữa trời mưa ở phiên chợ vùng cao để xin tiền du khách là trái luật

ĐBQH Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) đặt câu hỏi: Hiện tượng thương mại hóa, lạm dụng trẻ em tại các phiên chợ vùng cao đã làm mai một và biến tướng nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số.

Bộ trưởng có quan điểm gì về vấn đề trên, đồng thời có chính sách và khuyến cáo gì để vừa bảo tồn, phát huy được nét đẹp vừa giúp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số hội nhập với hiện đại?

thu dung.jpg
ĐBQH Nguyễn Thị Thu Dung nêu câu hỏi. Ảnh: QH

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết ông chưa thấy đại biểu nêu vụ việc cụ thể nào nhưng chắc nói về câu chuyện bắt vợ. Bộ trưởng chia sẻ, trong văn hóa, phong tục tập quán mỗi đồng bào đều có nét đẹp riêng. Vấn đề như đại biểu nêu chỉ là nét đẹp này đã bị lợi dụng, cố ý làm sai chứ không phải bản chất như vậy.

Bộ trưởng dẫn chứng “Chuyện tình Khâu Vai” được dựng thành phim nhưng thực tế chợ tình ở ngoài đời không phải như vậy; qua nghiên cứu, đi thực tế nhận thấy chợ tình rất đẹp, rất đáng trân trọng. Những ai lợi dụng để làm biến tướng thì cần lên án, xử lý.

Vì vậy, giải pháp được Bộ trưởng đưa ra là cần tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức, đặc biệt người dân, đồng bào dân tộc đó - chủ thể của văn hoá cần phải biết tôn trọng, phát huy, bảo tồn văn hóa của chính dân tộc mình. Cần có chế tài xử lý nghiêm minh những việc làm sai.

Giơ biển tranh luận sau đó, đại biểu Thu Dung cho biết bà đề cập về tình trạng lạm dụng trẻ em ở các phiên chợ vùng cao, diễn ra khá phổ biến. Hiện nay, ở các phiên chợ vùng cao vẫn diễn ra tình trạng nhiều trẻ em nhảy múa, biểu diễn giữa trời mưa, thời tiết rất lạnh để xin tiền du khách. Trong đó, nhiều trẻ em không được đi học nên quyền trẻ em không được bảo vệ. Điều này cho thấy, nét đẹp văn hóa truyền thống ở các phiên chợ đang bị mai một, biến tướng.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm về thực trạng trên cũng như có giải pháp căn cơ để khắc phục?

Trả lời tiếp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chia sẻ, việc đưa trẻ em ra biểu diễn như vậy là trái luật. Các địa điểm đó cũng không phải nơi để tổ chức biểu diễn. Trách nhiệm các địa phương phải chấn chỉnh việc này.

Các cơ quan phải tuyên truyền, giáo dục các luật bảo vệ trẻ em. Ai sử dụng không đúng cũng cần nhắc nhở. Nếu trẻ em có năng khiếu, đề nghị địa phương đưa các em vào đơn vị đào tạo, bồi dưỡng để sau này phát huy tài năng của các em. Mặt khác, cần xây dựng chợ văn minh.

Ông cho biết thêm: “Trách nhiệm của bộ khi có những phản ánh về hoạt động không văn minh sẽ cùng các địa phương có biện pháp chấn chỉnh”.

Thu gọn
05/06/2024 | 14:15

Đã bố trí 300 tỷ đồng ngân sách cho Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, sao chưa triển khai?

Đại biểu Trần Chí Cường (Đà Nẵng) nêu vấn đề, sau đại dịch Covid-19, Quốc hội và Chính phủ rất quan tâm hỗ trợ ngành du lịch sớm phục hồi và phát triển bằng chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và đã bố trí 300 tỷ đồng ngân sách cho Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch.

Tuy nhiên, đến nay, số kinh phí này vẫn nằm trong tài khoản tiền gửi ngân hàng, số tiền lãi được dùng chi cho hoạt động thường xuyên và bộ máy hành chính quản lý Quỹ. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân chưa triển khai được nguồn kinh phí này cũng như có biện pháp như thế nào để khắc phục tình trạng trên?

trần chí cường.jpg
Đại biểu Trần Chí Cường. Ảnh: QH 

Trả lời, Bộ trưởng VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết, 300 tỷ không phải là quỹ để hỗ trợ phát triển mà theo Luật Du lịch đây là vốn điều lệ, được bảo tồn bằng cách gửi ngân hàng, phần lãi được đưa ra chi phí cho tổ chức bộ máy, còn phần xúc tiến hoạt động du lịch do Chính phủ cấp thông qua các hoạt động tỷ lệ % qua phí, vé.

Bộ trưởng cho biết, vừa rồi được nhận 2 lần (mỗi lần 150 tỷ), số lãi sau khi gửi ngân hàng chủ yếu chi cho bộ máy hành chính. Số tiền còn lại được lưu giữ tại Kho bạc. Bộ tiếp tục đề xuất với cơ quan có thẩm quyền phối hợp để hình thành trích lập các quỹ theo quy định. Đây là mô hình mới, Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch hoạt động theo mô hình doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp công lập.

Thu gọn
05/06/2024 | 14:12

Sẽ có chính sách mới tạo điều kiện thuận lợi nhất cho vận động viên

Nêu câu hỏi chất vấn, đại biểu Trần Quang Minh (đoàn Quảng Bình) cho biết, đa số vận động viên băn khoăn với việc sẽ làm gì sau giải nghệ, vì thời gian thi đấu đỉnh cao tương đối ngắn. Một số vận động viên có thể chuyển sang làm công tác huấn luyện, nhưng con số này tương đối ít.

“Chính vì tương lai hậu thi đấu như vậy, nhiều vận động viên bỏ đam mê thể thao. Xin Bộ trưởng cho biết, những giải pháp lâu dài để đảm bảo tương lai cho vận động viên sau khi giải nghệ, đặc biệt là vận động viên gặp chấn thương?”, đại biểu Trần Quang Minh hỏi.

tran quang minh.jpg
Đại biểu Trần Quang Minh tham gia chất vấn. Ảnh: QH

Trả lời, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết, các chính sách về đào tạo, việc làm, tiền thưởng trong thi đấu đến nay đã được áp dụng trong toàn quốc. Qua đó, đã góp phần động viên đội ngũ thể thao thành tích cao đạt được những thành tích đáng phấn khởi.

Tuy nhiên, như đại biểu chia sẻ, để giải quyết được việc làm có tính chất căn cơ cho vận động viên sau khi thi đấu đỉnh cao còn nhiều khó khăn. Các khó khăn nổi lên là do trình độ đào tạo và nghề nghiệp của họ chưa được chuyển đổi sau khi hết thời gian thi đấu đỉnh cao, nghề nghiệp đó cũng chưa hẳn thích hợp với từng vận động viên.

Về lâu dài, chúng ta cũng biết không phải tất cả các vận động viên đều trở về cơ quan làm công tác huấn luyện. Do vậy, cũng phải thay đổi cách tiếp cận giải quyết việc làm bằng nhiều cách khác nhau.

Bộ VHTT&DL đang đề xuất với Chính phủ phối hợp với các bộ ngành tập trung đánh giá tác động chính sách vừa qua. Sau đó đề xuất Chính phủ ban hành chính sách mới theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho vận động viên có thể tập trung, yên tâm thi đấu, phát triển ngành nghề theo đúng nguyện vọng, sở trường của mình.

Thu gọn
05/06/2024 | 14:00

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu mở đầu phiên chất vấn

Bộ trưởng VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết: Bộ ý thức một cách đầy đủ rằng việc chất vấn không chỉ đề cao vai trò giám sát của Quốc hội mà còn là sự quan tâm sâu sắc của Quốc hội đối với vấn đề văn hoá thể thao du lịch nước nhà, chính vì vậy Bộ VHTT&DL rất phấn khởi. Đây cũng là dịp để Bộ báo cáo Quốc hội về những kết quả sau 2/3 thời gian thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc, các nghị quyết của Đảng và Chính phủ.

bo truong nguyen van hung 2.jpg
Bộ trưởng VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng. Ảnh: QH

Bộ trưởng đã khái quát về quá trình tập trung thực hiện các nghị quyết của Đảng, đặc biệt sau thành công của Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, tiếp đến là 80 năm Đề cương văn hóa Việt Nam, đến các hội thảo khoa học cấp quốc gia về thể chế, chính sách nguồn lực phát triển cho văn hóa.

Bộ trưởng cũng nêu việc thực hiện các nhiệm vụ và sự quan tâm của Quốc hội khi giao cho Bộ VHTT&DL xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá giai đoạn 2025-2035, các chỉ đạo của Thủ tướng để khẩn trương ban hành chiến lược phát triển thể thao trong thời kỳ mới theo Kết luận 70 của Bộ Chính trị.

Điều đó khẳng định có sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, từ nhận thức đến hành động, quyết liệt trong tổ chức thực hiện. Trong báo cáo Chính phủ do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trình bày cũng đã khái quát về kết quả công tác thể thao, văn hóa thời gian vừa qua.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng dẫn kết quả điều tra dư luận xã hội học của Ban Tuyên giáo Trung ương do Viện Nghiên cứu dư luận xã hội thu thập, đã có tín hiệu khá vui mừng khi hỏi về phát triển văn hoá con người Việt Nam đã đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước hay chưa. Tỷ lệ này đã tăng 32%, từ 43% (2019) lên 75% (2024), cho thấy đã có sự chuyển biến khá tích cực.

Tuy nhiên, Bộ trưởng VHTT&DL cũng nhìn nhận, mặc dù có nhiều nỗ lực, cố gắng để tiếp cận, chuyển đổi tư duy từ làm văn hóa, thể thao, du lịch sang làm quản lý Nhà nước thì ngành cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức và có những mặt hạn chế trong công tác.

Toàn ngành cũng ý thức một cách đầy đủ: Chúng ta phải nỗ lực, cố gắng cao hơn nữa, quyết tâm hơn nữa, quyết liệt hơn nữa để tập trung thực hiện các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao phó. Phải xử lý tốt mối quan hệ giữa mong muốn xã hội với chức năng, nhiệm vụ của ngành VHTT&DL; giữa mục tiêu về phía trước hướng tới cần phải tổ chức thực hiện với nguồn lực cân đối hiện nay trong điều kiện nguồn lực hạn hẹp.

Bộ trưởng nêu ra vấn đề phát huy nguồn lực trong bối cảnh nguồn nhân lực chất lượng cao của lĩnh vực VHTT&DL phải tinh giản biên chế và tổ chức bộ máy tinh gọn, vì vậy có những khó khăn cần được chia sẻ, tháo gỡ. Với tinh thần cầu thị, nghiêm túc, Bộ trưởng bày tỏ mong muốn lắng nghe ý kiến của các Đại biểu Quốc hội.

Thu gọn