Giá nhà ở xã hội đang rất cao
Trong phiên trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị chiều 3/11, đại biểu (ĐB) Tô Văn Tám cho biết, mục tiêu về nhà ở xã hội là hướng tới người có thu nhập thấp và hướng tới nhà ở giá rẻ nhưng đến nay khó thực hiện khi giá nhà ở xã hội đang ở mức rất cao so với thu nhập người lao động, trung bình trên 15 triệu đồng/m2, có nơi 21 - 25 triệu/m2.
“Bộ trưởng cho biết nguyên nhân thực trạng này. Có thể đưa giá nhà ở xã hội trở về với khả năng của người có thu nhập thấp không, nếu được thì giải pháp nào, trong thời gian bao lâu?”, ĐB đặt vấn đề.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhìn nhận mục tiêu phát triển nhà ở xã hội theo chiến lược nhà ở quốc gia đến năm 2020 chưa đạt, hiện mới đạt 7,79 triệu m2, so với yêu cầu là 12,5 triệu m2.
Bộ trưởng cũng thừa nhận giá nhà ở xã hội cũng đang ở mức cao. Nguyên nhân là chưa đảm bảo được nguồn cung; quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội cũng còn hạn chế; nguồn vốn chưa được đảm bảo; chính sách ưu đãi, khuyến khích chưa thật sự thu hút và khả thi; khâu tổ chức thực hiện còn nhiều phức tạp…
Thời gian tới, Bộ sẽ điều chỉnh pháp luật để có chính sách thu hút phát triển nhà ở xã hội. Bộ Xây dựng đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội, cố gắng đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp. Với các điều chỉnh tổng thể về chính sách sẽ đảm bảo nhà ở xã hội phù hợp hơn với thu nhập của người dân thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp.
Hoàn thành 570.000 căn nhà ở xã hội vào năm 2025
Liên quan đến Đề án phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội, ĐB Đỗ Trí Nghĩa (đoàn Phú Yên) đặt vấn đề về nguồn ngân sách để hiện thực hóa đề án xây 1 triệu nhà ở xã hội, đặc biệt khi nhà ở xã hội hiện nay không hấp dẫn doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, vị đại biểu đặt câu hỏi về trách nhiệm và giải pháp của Bộ Xây dựng trước tình trạng một số doanh nghiệp khi lập dự án nhà ở xã hội nhưng chuyển đổi sang nhà ở thương mại để bán.
Vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng nhu cầu nhà ở cho đối tượng thu nhập thấp đô thị và công nhân khu công nghiệp còn rất lớn, việc triển khai thực hiện trên thực tế chưa đáp ứng được nhu cầu này.
Vì vậy, Bộ Xây dựng đã xây dựng đề án này, gồm nhiều gói giải pháp từ xây dựng pháp luật, tổ chức triển khai thực hiện cho đến huy động nguồn lực. Cho đến nay, dưới sự quan tâm của Chính phủ, các bộ ngành và địa phương, Bộ trưởng khẳng định đề án này có thể đảm bảo tính khả thi.
Về vấn đề thứ hai, Bộ trưởng cho biết để chuyển đổi từ nhà ở xã hội sang nhà ở thương mại cần đáp ứng nhiều điều kiện như đảm bảo quy hoạch, đảm bảo phù hợp chương trình kế hoạch phát triển nhà ở và phù hợp với quy định pháp luật có liên quan.
Trả lời đại biểu về giải pháp lộ trình của đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, đề án trình Chính phủ chia làm 2 giai đoạn.
Theo đó, giai đoạn 2021-2025, trên cơ sở xác định nhu cầu nhà ở xã hội của các địa phương và khả năng đáp ứng, Bộ Xây dựng xác định mục tiêu 570.000 căn nhà (đáp ứng khoảng 46% nhu cầu). Giai đoạn 2035-2030, hoàn thành 845.000 căn hộ (đáp ứng khoảng 73% nhu cầu).
“Giải pháp thực hiện từ hoàn thiện chính sách pháp luật để tháo gỡ khó khăn vướng mắc đến triển khai thực hiện tháo gỡ khó khăn trong thủ tục về đất đai, quy hoạch, nguồn vốn cho nhà ở xã hội, đảm bảo nghiên cứu chính sách sẽ xác định được quỹ đất, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu để thực hiện đề án”, Bộ trưởng nói.
Troé ngoe thiếu vẫn "ế"
Có thể thấy, trong thời gian qua, nhà ở xã hội luôn trong cảnh khan hiếm nguồn cung. Đây được đánh giá là một trong những nguyên nhân khiến nhiều dự án nhà ở xã hội rơi vào cảnh cháy hàng với tỷ lệ “chọi” hồ sơ bốc thăm để được suất mua không kém thi đại học. Cũng chính việc khan hiếm nguồn cung trong khi nhu cầu quá lớn đã làm nảy sinh tình trạng “cò mồi” người dân muốn mua nhà ở xã hội phải trả chênh lệch.
Tuy nhiên, thực tế trên thị trường Hà Nội vẫn có tình trạng “ế” nhà ở xã hội phải mở bán nhiều lần như tại dự án Bamboo Garden. Đây là dự án do Công ty CP Tập đoàn CEO (CEO Group) làm chủ đầu tư ở Quốc Oai (Hà Nội). Dự án có tổng số 432 căn hộ, trong đó có 346 căn hộ để bán, 86 căn hộ để cho thuê. Giá bán tạm tính căn hộ nhà ở xã hội chưa tới 10 triệu đồng đồng/m2 (đã bao gồm thuế VAT và phí bảo trì) nhưng chủ đầu tư phải ròng rã mở bán tới 21 lần trong 5 năm mới bán hết 346 căn hộ.
Được biết, dự án nhà ở xã hội Bamboo Garden vốn là dự án thương mại nhưng được Tập đoàn CEO xin chuyển đổi thành nhà ở xã hội vào năm 2014. Được hưởng những ưu đãi của nhà nước dành cho chủ đầu tư, dự án Bamboo Garden được bán trong thời điểm còn gói tín dụng cho vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng nhưng trái ngược với nhiều dự án nhà ở xã hội phải tranh nhau xếp hàng mua dự án lại không nhận được sự quan tâm của người dân. Dù có nhu cầu mua nhà nhưng nhiều người không mấy mặn mà với dự án này là do quá xa trung tâm...
Hay tại dự án nhà ở xã hội và dịch vụ thương mại AZ Thăng Long (tên thương mại Bright City) tại huyện Hoài Đức (Hà Nội), cuối tháng 1/2022, Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long, chủ đầu tư dự án tiếp tục thông báo tiếp nhận hồ sơ mua, thuê NƠXH đợt 24 các tòa A1.1; A1.2; A2; A3 tại dự án.
Dự án có tổng số 1.496 căn hộ, trong đó có 264 căn bán thương mại; 911 căn hộ để bán và 312 căn hộ để cho thuê. Giá bán dự kiến căn hộ tại dự án này là hơn 14 triệu đồng/m2 (chưa gồm thuế VAT và 2% phí bảo trì). Thế nhưng, từ lần mở bán đầu tiên vào năm 2015 đến lần mở bán lần thứ 23, dự án mới bán được 847 căn và 113 căn nhà cho thuê.
Đây vốn là dự án nhà ở thương mại, nhưng trong suốt quá trình triển khai, dự án đã nhiều lần “đắp chiếu”. Đến năm 2014, chủ đầu tư xin chuyển dự án này sang dự án nhà ở xã hội. AZ Thăng Long là dự án nhà ở xã hội nằm trong gói tín dụng 30.000 tỷ đồng.
Được khởi công từ 11/2014 và theo hợp đồng mua bán căn hộ, chủ đầu tư phải bàn giao nhà cho cư dân vào tháng 11/2017. Tuy nhiên, khi gói 30.000 tỷ kết thúc, dự án đã gặp khó khăn về nguồn vốn khiến việc triển khai và bàn giao nhà cho người dân chậm.
Đánh giá về thực trạng này, nhiều chuyên gia bất động sản cho rằng, người dân mua nhà để ở và nơi đó còn phải có những công trình đáp ứng nhu cầu tối thiểu trong cuộc sống của họ như các tiện ích, trường học, bệnh viện, hạ tầng giao thông…
Trong khi đó, các khu vực xa trung tâm thường thiếu nhiều điều kiện về kết nối giao thông với các khu vực khác, chất lượng hạ tầng xã hội và dịch vụ thấp. Còn những nơi có nhiều cơ quan, doanh nghiệp, các tổ chức phát sinh nhiều lao động làm việc lại rất ít dự án nhà giá rẻ, bình dân. Điều này gây ra nghịch lý thực tế nhu cầu về nhà ở của người dân vẫn rất lớn đặc biệt với những đối tượng có mức thu nhập thấp, trung bình nhưng vẫn có những dự án mở bán hết năm này qua năm khác vẫn cứ ế. Đây cũng là vấn đề thực tế đặt ra cần nhìn nhận khi thực hiện xây dựng phát triển nhà ở xã hội.
Nghịch cảnh nhà xã hội chỗ mồi ‘đút tiền’ mua suất, nơi ế suốt 5 năm
Dù dự án nhà ở xã hội (NƠXH) mới đang làm hạ tầng, nhiều "cò" mồi đã rao giá đặt cọc 30 - 50 triệu đồng và hứa nếu không mua được sẽ trả lại cọc, để chọn được căn, người mua phải mất thêm 70 - 100 triệu đồng.