Chiều 24/10, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT). Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết, dự án luật điều chỉnh cơ chế thanh toán cũng như hỗ trợ người dân khi đi khám, chữa bệnh theo cấp chuyên môn kỹ thuật.
Bởi theo Luật Khám, chữa bệnh từ 1/1/2025 thì sẽ không còn tên gọi tuyến huyện, tuyến tỉnh, tuyến xã mà theo cấp chuyên môn kỹ thuật.
Bộ trưởng nhấn mạnh mục tiêu cao nhất "làm thế nào để thuận tiện nhất cho người tham gia BHYT và tạo điều kiện tốt nhất cho công tác khám, chữa bệnh". Nếu được Quốc hội thông qua sẽ giúp tháo gỡ khó khăn cơ bản, nhất là vấn đề chuyển tuyến là sao vừa đáp ứng yêu cầu chăm sóc cho người dân tốt hơn nhưng phải phát triển y tế cơ sở.
"BHYT là một trong những yếu tố rất quan trọng để chúng ta xây dựng hệ thống y tế Việt Nam ổn định và vững vàng", bà Lan khẳng định.
Về phát triển hệ thống y tế cơ sở, y tế chuyên sâu, theo Bộ trưởng, phải có chính sách để ngay cả bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện cũng đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật và người dân khám chữa bệnh tại địa phương chứ không phải đi đâu xa, về tận Hà Nội hay TPHCM.
Về đảm bảo thuốc chữa bệnh, vật tư y tế, Bộ trưởng Đào Hồng Lan chia sẻ "đây là yêu cầu và gắn với trách nhiệm của các cơ sở y tế". Luật pháp có điều chỉnh nhưng thực tế không phải mọi gói thầu đều có thể mua được ngay thuốc, trang thiết bị y tế.
Bộ trưởng dẫn chứng, Bệnh viện đa khoa Đức Giang (Hà Nội) khi các gói thầu mở ra thì mua được 95% gói thầu có nghĩa 5% thuốc, thiết bị không có trong thị trường hoặc giá cả thay đổi nên không bán.
Bộ Y tế đề xuất giải pháp ngoài tháo gỡ cơ chế đấu thầu mua sắm, dự thảo luật đưa ra quy định điều chỉnh thuốc giữa các cơ sở y tế.
"Có thể tháng trước, quý trước bệnh viện A mua được rồi nhưng bệnh viện B cần thì có thể điều chuyển với nhau và được thanh toán theo quỹ BHYT để có ngay thuốc cứu chữa cho người dân, tránh trường hợp là người dân phải tự ra ngoài mua thuốc.
Thực sự đối với bác sĩ không mong muốn bệnh dân ra ngoài mua thuốc, bởi vì mua ngoài còn liên quan đến chất lượng, điều trị. Việc điều chỉnh thuốc là nội dung rất mới và sẽ là một trong những giải pháp giải quyết vấn đề thiếu thuốc", Bộ trưởng phân tích.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức (Đoàn ĐBQH TPHCM) cho biết, trước đây bệnh viện chia làm 4 tuyến xã, huyện, tỉnh, Trung ương. Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định còn 3 cấp: cấp ban đầu (tạm hiểu là trạm y tế xã), cấp cơ bản (bệnh viện huyện và một số bệnh viện tỉnh), cấp chuyên sâu (bệnh viện Trung ương, đa khoa chuyên sâu và một số bệnh viện tỉnh đủ dịch vụ kỹ thuật được công nhận).
Ông nhận định xu hướng xóa bỏ địa giới hành chính trong khám chữa bệnh BHYT là “chủ trương rất tốt, rất đúng”, nhưng không nên bỏ hoàn toàn giấy chuyển tuyến trong BHYT, mà chỉ bỏ trong trường hợp khám chữa bệnh cấp ban đầu, cấp cơ bản.
“Mình cứ nghĩ giấy chuyển tuyến phiền phức nhưng lại rất cần thiết trong ngành y”, ông Thức nói. Theo ông, nếu bỏ giấy chuyển tuyến thì bệnh nhân sẽ không khám ở trạm y tế và bệnh viện huyện nữa mà lên thẳng lên bệnh viện tuyến chuyên sâu như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bạch Mai, Việt Đức… Như vậy, chỉ 1-2 năm sẽ triệt tiêu hệ thống y tế cơ sở.
Trong khi, đợt dịch vừa rồi, chúng ta nói rất nhiều về vai trò của hệ thống y tế cơ sở. “Bỏ giấy chuyển tuyến này đi thì rất nguy hiểm”, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.