Lời toà soạn

Hiện nay, độ bao phủ BHYT ở nước ta đã trên 93%, phạm vi quyền lợi ngày càng được mở rộng, bảo đảm. Chất lượng dịch vụ y tế được cải thiện, nâng cao. Chính sách BHYT cũng cho thấy tính bảo đảm nguyên tắc chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia, đồng thời cũng đảm nhận nhiều chính sách phúc lợi xã hội khác. Tuy nhiên, trong 15 năm thực hiện Luật BHYT, thực tiễn đã phát sinh những vướng mắc, bất cập, hạn chế cần được điều chỉnh.

VietNamNet đăng tải tuyến bài Tháo gỡ bất cập trong chính sách BHYT nhằm nhận diện những bất cập, khó khăn mang tính cấp bách trong thực tiễn và ghi nhận các hướng tháo gỡ để góp phần bảo đảm quyền lợi BHYT phù hợp với nhu cầu của người dân trong chăm sóc sức khỏe; tạo công bằng, thuận lợi cho việc cung ứng, sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh.

Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Bạc Liêu trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết bảo hiểm y tế (BHYT) thực hiện trên nguyên tắc bảo đảm chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia BHYT. Về mức đóng, mức hưởng BHYT được quy định cụ thể trong Luật Bảo hiểm y tế và các văn bản hướng dẫn, được tính toán dựa vào khả năng đóng góp của các nhóm đối tượng, mức lương cơ sở, phạm vi quyền lợi và khả năng cân đối Quỹ Bảo hiểm y tế.

bo truong y te dao hong lan.jpeg
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan. Ảnh: Quốc hội

Theo quy định của Pháp lệnh ưu đãi người có công và Luật Bảo hiểm y tế, các đối tượng sau đây được ngân sách nhà nước đóng BHYT:

- Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng của thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên; con đẻ từ đủ 6 tuổi trở lên bị dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học đang hưởng trợ cấp hằng tháng của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.

- Người thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo; hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo.

Đối với vợ và con của thương binh, bệnh binh nếu không thuộc các đối tượng nêu trên có thể tham gia BHYT theo hình thức hộ gia đình để được giảm trừ mức đóng (người thứ 2, thứ 3, thứ 4 đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ 5 trở đi đóng bằng 40% mức đóng người thứ nhất) nếu các thành viên hộ gia đình cùng tham gia trong năm tài chính.

Người đóng BHYT theo hộ gia đình  Mức đóng hàng tháng từ 1/7/2024 (đồng) Mức đóng cả năm từ 1/7/2024 (đồng)
Người thứ 1 81.000 1.263.600
Người thứ 2 56.700 884.520
Người thứ 3 48.600 758.160
Người thứ 4 40.500 631.800
Người thứ 5 trở đi 32.400 505.440

Bên cạnh đó, Nghị định số 75/2023 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế cũng quy định UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ khả năng ngân sách của địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác trình HĐND cùng cấp quyết định mức hỗ trợ thêm, mức hỗ trợ đóng cho các đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng BHYT và không được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng BHYT theo quy định của pháp luật.

Cũng theo Bộ trưởng Y tế, các đối tượng được ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ đóng BHYT hiện nay chiếm tỷ lệ lớn. Tổng kinh phí này chiếm khoảng 40% số tiền đóng BHYT. Vì vậy, mức đóng và hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế được quy định dựa vào khả năng đóng góp của ngân sách và người tham gia bảo hiểm y tế từ nguồn ngân sách Trung ương.