Là 1 trong những cơ sở dữ liệu quan trọng tạo nền tảng cho phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được đưa vào vận hành từ tháng 7/2021.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là hệ thống được xác định là hệ thống thông tin cấp độ 5, đòi hỏi phải được bảo vệ ở mức cao nhất. Cũng vì thế, chỉ những hệ thống thông tin đã được Bộ Công an và Bộ TT&TT kiểm tra, đánh giá là đảm bảo an toàn thông mạng mới được kết nối, khai thác dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Triển khai nhiệm vụ được giao tại Đề án “phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06), Bộ TT&TT đã có hướng dẫn về các thành phần CNTT thiết yếu và tiêu chuẩn, định mức phục vụ triển khai Đề án này, trong đó có các yêu cầu bảo đảm an toàn, an ninh mạng.
Tuy nhiên, thực tế triển khai Đề án 06 cho thấy, một trong những điểm “nghẽn”, làm chậm tiến độ là việc nhiều hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương được đầu tư từ lâu còn rời rạc, manh mún, chưa đầy đủ, thiếu tính đồng bộ, chưa đáp ứng an toàn thông tin, an ninh mạng nên chưa thể số hóa, kết nối, chia sẻ, liên thông, khai thác dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Cùng với đó, công tác bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng của nhiều cơ quan, đơn vị chưa được quan tâm đúng mức, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.
Để tháo gỡ những điểm nghẽn trên, tại Chỉ thị 05 ngày 23/2, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng CNTT đáp ứng các yêu cầu theo hướng dẫn của Bộ TT&TT tại văn bản 1552; hoàn thành kết nối giữa hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công.
Các bộ, ngành, địa phương cũng được yêu cầu chủ động phối hợp với Bộ Công an, Bộ TT&TT và các cơ quan có liên quan rà soát, kiểm tra, đánh giá an toàn hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh và chỉ đạo triển khai giải pháp bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng để kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Trong phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 vừa qua, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã khẳng định tinh thần sẵn sàng hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương trong việc đảm bảo an toàn thông tin mạng để kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Về kết nối hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hiện 63/63 địa phương đã đảm bảo an toàn thông tin mạng. Trong đó, có 20 địa phương chưa đầu tư kịp, Bộ TT&TT đã hỗ trợ bằng hạ tầng của mình.
Với khối các bộ, ngành, trong 20 bộ ngành có cung cấp dịch vụ công, hiện đã có các bộ: Quốc phòng, Công an, TT&TT, Tư pháp, LĐTB&XH, Ngoại giao, Giao thông vận tải cùng Văn phòng Chính phủ đã đảm bảo an toàn thông tin mạng, đáp ứng yêu cầu kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trong đó, một số bộ ngành cũng đã nhận được sự hỗ trợ của Bộ TT&TT.
Với 12 bộ ngành còn chưa đảm bảo an toàn thông tin mạng để kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, người đứng đầu ngành TT&TT đã đề nghị các các bộ trưởng quan tâm chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành việc kết nối ngay trong tháng 5/2023.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ TT&TT có thể hỗ trợ 12 bộ, ngành này về đảm bảo an toàn thông tin mạng để kết nối trong khi các đơn vị chưa đầu tư kịp: “Bộ, ngành nào có nhu cầu hỗ trợ thì có văn bản gửi Bộ TT&TT. Nhưng hỗ trợ miễn phí này có thời hạn 18 tháng, các bộ ngành vẫn phải chủ động, nhanh chóng đầu tư hoặc thuê dịch vụ an toàn thông tin để khi Bộ TT&TT rút đi, hệ thống vẫn hoạt động”.
Để phục vụ việc kết nối của các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thời gian qua, Bộ TT&TT cũng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong việc kiểm tra, đánh giá, hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương đáp ứng yêu cầu an toàn, an ninh mạng trước, để có thể tham gia kết nối, chia sẻ dữ liệu.
Theo thống kê của Bộ Công an, tính đến cuối tháng 4/2023, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống của 13 bộ, ngành; 1 doanh nghiệp nhà nước; 3 doanh nghiệp viễn thông và 63 địa phương. Các hệ thống đã kết nối, khai thác dữ liệu dân cư có thể kể đến như hệ thống chuyên ngành của Tổng cục Thuế, hệ thống của Cục quản lý đăng ký kinh doanh, hệ thống dữ liệu tiêm chủng…
Kết nối, khai thác dữ liệu dân cư để không dùng sổ hộ khẩu giấy khi giao dịch
Bộ Công an được giao dự thảo Công điện của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy kết nối, khai thác dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư, không yêu cầu Sổ hộ khẩu giấy trong thực hiện giao dịch với người dân trong tháng 9/2022.