Theo báo cáo Kết quả cải cách hành chính năm 2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Bộ xếp thứ 05/17 bộ, cơ quan ngang bộ (tăng 04 bậc so với năm 2021) với tổng điểm 86,93/100 (tăng 0,18 điểm so với năm 2021; trong đó điểm thẩm định 62,05/68,5 = 90,58% tăng 0,02 điểm; điểm điều tra xã hội học 24,89/31,50 = 79,02% tăng 4,38 điểm).

Đối với việc đánh giá cải cách hành chính của các đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2022, giá trị trung bình Chỉ số cải cách hành chính của 11 Cục thuộc Bộ là 80,07%, giảm 1,87% với năm 2021. 07/10 Cục có Chỉ số cải cách hành chính giảm so với năm 2021. 

Trong đó, Cục Xuất bản, In và Phát hành có Chỉ số cải cách hành chính tăng nhiều nhất 4,63%; Cục Chuyển đổi số quốc gia tăng 4,27%; Cục An toàn thông tin có chỉ số tăng 4,07%. Cả 3 Cục vừa nêu đều tăng 02 bậc so với năm 2021.

Cục Thông tin đối ngoại có chỉ số giảm 3,13% so với năm 2021, nhưng tăng 3 bậc trong bảng xếp hạng, là đơn vị có kết quả cải cách hành chính tốt nhất năm 2022. Cục Thông tin cơ sở giữ nguyên vị trí thứ 2.

395523957-1351835252087371-3247386456190686481-n-1.jpeg
Dịch vụ công trực tuyến Bộ Thông tin và Truyền thông.

Bộ Thông tin và Truyền thông lý giải, nguyên nhân dẫn đến các đơn vị có kết quả Chỉ số cải cách hành chính thấp, bao gồm: Hoàn thành chậm tiến độ yêu cầu các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; Không có sáng kiến trong cải cách hành chính; Chưa hoàn thành hoặc hoàn thành chậm tiến độ đăng ký các văn bản quy phạm pháp luật được giao thực hiện; Chậm thực hiện việc công bố cải cách hành chính theo quy định; Không hoàn thành dự toán thu - chi năm 2022; Không xây dựng và ban hành kế hoạch chuyển đổi số của đơn vị; Triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến chưa đạt yêu cầu đặt ra; Kết quả cải cách hành chính năm sau không tiến bộ hơn so với năm trước; Kết quả cải cách hành chính của đơn vị làm ảnh hưởng đến kết quả cải cách hành chính của Bộ.

Bên cạnh đó, tổng quan cải cách hành chính năm 2022 của các đơn vị Khối cơ quan Bộ cho thấy: Kết quả cao và tương đối đồng đều giữa các đơn vị cả về điểm thẩm định (đạt từ 86% trở lên) và điểm điều tra xã hội học (08/08 đơn vị có kết quả điều tra xã hội học đạt trên 90%).

Ông Bùi Hoàng Phương, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay, Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030 đã nêu rõ mục tiêu cải cách hành chính là “Xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân”.

Để đạt được mục tiêu này, Nghị quyết cũng đã nêu rõ quan điểm và yêu cầu: “Cải cách hành chính phải gắn với nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy và hành động sáng tạo; đổi mới lề lối làm việc, phương thức quản trị hiện đại, trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước; tận dụng có hiệu quả thành tựu, tiến bộ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.

Nghị quyết cũng đã xác định rõ trọng tâm cải cách hành chính trong giai đoạn này là: Cải cách thể chế; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.

Ông Bùi Hoàng Phương cũng nhấn mạnh, việc thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính của Bộ Thông tin và Truyền thông không chỉ là công việc nội bộ của Bộ Thông tin và Truyền thông mà Bộ còn có vai trò, trách nhiệm to lớn trong công cuộc cải cách hành chính của đất nước, thúc đẩy chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương, xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, góp phần xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, phục vụ nhân dân.

Trong 7 lĩnh vực được đánh giá, xếp hạng thì lĩnh vực “cải cách chế độ công vụ - xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức” và chỉ số “Xây dựng và phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số” của Bộ xếp thứ nhất. Đây cũng là 2 lĩnh vực trọng tâm cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2030. 

Để hoàn thiện thể chế, chính sách về chuyển đổi số; đi đầu, nêu gương trong công tác chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số trong những năm tiếp theo, các cán bộ, công chức viên chức của Bộ Thông tin và Truyền thông cần chủ động nâng cao nhận thức, trách nhiệm hơn nữa để việc cải cách hành chính trong Bộ đạt nhiều kết quả hơn nữa.

Thanh Hải