Ngày 12/7, tại Hà Nội, Bộ TT&TT và Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức họp báo công bố, phát động Giải thưởng “Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam” năm 2023.
“Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam” là giải thưởng uy tín, chính thức trong lĩnh vực CNTT và Truyền thông (ICT), được Bộ TT&TT chủ trì xét và trao tặng hàng năm cho các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam có sản phẩm công nghệ số xuất sắc được nghiên cứu, thiết kế, sáng tạo, sản xuất tại Việt Nam nhằm giải các bài toán Việt Nam và đi ra quốc tế.
Việc tổ chức giải thưởng này cũng là một trong những hoạt động quan trọng để cụ thể hóa Chỉ thị 01 ngày 14/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Họp báo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng, Phó trưởng ban thường trực Ban tổ chức giải thưởng “Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam” năm 2023 nhấn mạnh: Đây là giải thưởng quốc gia về sản phẩm công nghệ số, với quy mô lớn trên toàn quốc, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đều có thể tham gia. Giải thưởng quy tụ những sản phẩm, giải pháp xuất sắc đã đạt giải cao của các hội, hiệp hội về ICT trong nước.
Năm 2023, Bộ TT&TT đã xác định một số quan điểm, định hướng lớn như năm nay là năm dữ liệu số quốc gia, là năm tạo ra các kết quả thiết thực được sử dụng rộng rãi mang tính phổ cập, là năm đưa doanh nghiệp công nghệ số và sản phẩm công nghệ số Việt Nam đi ra nước ngoài, chinh phục thế giới.
“Chuyển đổi số là cuộc cách mạng toàn dân. Chỉ khi nào toàn bộ người dân sử dụng các nền tảng số, ứng dụng số để phục vụ công việc hàng ngày của mình thì lúc đó chuyển đổi số mới có thể coi là thành công”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cũng cho hay, những năm qua, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã phát triển được nhiều nền tảng số, ứng dụng dịch vụ số. Để đưa các sản phẩm đến với người sử dụng, giải thưởng năm nay sẽ tôn vinh các sản phẩm công nghệ số xuất sắc, mang niềm tự hào trí tuệ Việt Nam, có tác động, ảnh hưởng lớn trong việc đưa hoạt động của chính quyền, người dân và doanh nghiệp lên môi trường số.
Đặc biệt, năm 2023 là năm Bộ TT&TT đồng hành cùng doanh nghiệp công nghệ số đi ra nước ngoài. Do vậy, giải thưởng “Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam” năm nay bổ sung hạng mục để tôn vinh các doanh nghiệp có sản phẩm, dịch vụ, giải pháp công nghệ số xuất sắc đã thành công tại thị trường nước ngoài, đồng thời khuyến khích, cổ vũ các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tiếp tục khát khao đi ra thế giới.
Bộ TT&TT sẽ trao các giải Vàng, giải Bạc, giải Đồng và Top 10 cho các sản phẩm công nghệ số xuất sắc nhất. Bộ TT&TT cam kết đồng hành cùng các doanh nghiệp công nghệ số, đặc biệt là những doanh nghiệp đạt giải để đưa các sản phẩm số này có thị trường rộng lớn hơn, đi xa hơn.
“Từ hôm nay, giải thưởng của chúng ta bắt đầu tìm kiếm chủ nhân của các sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam xuất sắc nhất của năm 2023”, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng tuyên bố.
Cùng với đề nghị các cơ quan truyền thông tích cực thông tin, quảng bá về giải thưởng, Thứ trưởng cũng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam hưởng ứng, tích cực tham gia để Bộ TT&TT có thể tìm kiếm, tôn vinh được các sản phẩm Make in Viet Nam xuất sắc và xứng đáng nhất năm 2023. Qua đó mang niềm tự hào của trí tuệ Việt Nam giải các bài toán đặc thù của Việt Nam, chinh phục thị trường trong nước và từ đó đi ra quốc tế.
Một điểm mới nữa của giải thưởng năm nay là Ban tổ chức mong muốn các hội, hiệp hội phát huy hơn nữa vai trò tìm kiếm, giới thiệu, khuyến nghị những sản phẩm, dịch vụ công nghệ số xuất sắc. Vì vậy, Bộ TT&TT đề nghị các hội, hiệp hội trên cơ sở kết quả các giải thưởng của đơn vị mình tổ chức, sẽ tiến cử, giới thiệu và phối hợp, kêu gọi và đồng hành tìm kiếm các doanh nghiệp tham gia giải thưởng.
Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), những sản phẩm Make in Viet Nam đã thực sự đi vào cuộc sống, mang ý nghĩa thiết thực trong công cuộc chuyển đổi số và áp dụng vào nền kinh tế số, xã hội số ở nước ta.
Trong quá trình tiếp xúc, các bạn bè quốc tế đánh giá rất cao các sản phẩm Make in Viet Nam. Trên 30% các sản phẩm Make in Viet Nam được công nhận từ năm 2020 đến nay đã thực sự đi vào được cuộc sống với độ lan tỏa cao.
Những kỳ tổ chức giải thưởng Make in Viet Nam vừa qua đã tìm ra nhiều sản phẩm rất có ý nghĩa như nền tảng quản trị tài chính của MISA, nền tảng điện toán đám mây FPT Cloud, nền tảng công nghệ số IoT Platform, nền tảng chuyển đổi số Base.vn,...
“Ban tổ chức mong muốn các đơn vị phát triển sẽ cố gắng hơn nữa để sản phẩm Make in Viet Nam có thể thuyết phục và chinh phục được khách hàng, đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của nước nhà, kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp và phù hợp với xu thế chung của thế giới. VCCI cam kết sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp để quảng bá và thương mại hóa sản phẩm”, Phó Chủ tịch VCCI nói.
Năm 2023 là năm thứ tư giải thưởng “Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam” được tổ chức. Giải thưởng hướng tới tôn vinh các sản phẩm công nghệ số xuất sắc, có tác động ảnh hưởng lớn trong việc đưa hoạt động của người dân và doanh nghiệp lên môi trường số, góp phần thúc đẩy Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số tại Việt Nam. Đồng thời, tôn vinh các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp công nghệ số Việt Nam chinh phục thế giới, đóng góp cho sự phát triển của nhân loại và làm thịnh vượng Việt Nam.
Ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp CNTT&TT, thường trực Ban tổ chức giải thưởng cho biết, cũng như các năm trước, đối tượng tham gia giải thưởng là các doanh nghiệp được thành lập theo pháp luật Việt Nam (nếu là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì người Việt Nam phải sở hữu ít nhất 51% tổng số cổ phần); đơn vị, tổ chức sự nghiệp có các sản phẩm công nghệ số được nghiên cứu, thiết kế, sáng tạo, sản xuất tại Việt Nam và đã được đưa vào ứng dụng thực tế.
Riêng với hạng mục giải thưởng Sản phẩm số tiềm năng, chỉ áp dụng đối với các tổ chức sự nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Việc bổ sung hạng hạng mục “Sản phẩm công nghệ số xuất sắc cho thị trường nước ngoài” là một điểm mới của giải thưởng “Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam” năm 2023. Đây là hạng mục nhằm tôn vinh các doanh nghiệp có sản phẩm, dịch vụ, giải pháp công nghệ số xuất sắc đã thành công tại thị trường quốc tế; đồng thời khuyến khích, cổ vũ các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tiếp tục khát khao chinh phục thế giới.
Cùng với đó, năm nay, Ban tổ chức cũng duy trì 4 hạng mục giải thưởng như năm 2022, bao gồm “Sản phẩm số xuất sắc cho Chính phủ số”, “Sản phẩm số xuất sắc cho kinh tế số”, “Sản phẩm số xuất sắc cho xã hội số” và “Sản phẩm số tiềm năng”. Bốn hạng mục này phù hợp với chủ trương, tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ TT&TT về thúc đẩy chuyển đổi số tại Việt Nam với 3 trụ cột Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số; tiếp tục khuyến khích, động viên cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số nghiên cứu, sáng tạo các sản phẩm công nghệ số mới.
Trong khuôn khổ sự kiện, đại diện các doanh nghiệp công nghệ số có sản phẩm đạt giải thưởng “Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam” qua các năm như Công ty cổ phần Rynan Technologies Vietnam, FPT Smart Cloud, MISA, NextVision, VMO Holding đã chia sẻ về ý nghĩa giải thưởng và những bước phát triển của sản phẩm sau khi tham gia giải.
Ông Lê Hồng Việt, Tổng Giám đốc FPT Smart Cloud khẳng định, đây là một giải thưởng ý nghĩa, góp phần phát động phong trào tự cường về công nghệ, phát triển những công nghệ cốt lõi để có thể thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Qua đó, giúp cho người Việt Nam có thể tự chủ về các công nghệ cốt lõi.
Cũng như các doanh nghiệp công nghệ khác, việc đạt được giải thưởng sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam có vai trò quan trọng với FPT nói chung và FPT Smart Cloud nói riêng, bởi giải thưởng đã góp phần tạo động lực cho đội ngũ phát triển sản phẩm liên tục sáng tạo, đổi mới phát triển; minh chứng cho chất lượng và tạo niềm tin thương hiệu cho sản phẩm, giải pháp. Đặc biệt, các sản phẩm, giải pháp của FPT sau khi đạt giải đều đã tăng trưởng mạnh về doanh thu cũng như người dùng.
Sau khi trải nghiệm 2 mùa giải thưởng vào các năm 2021 và 2022, đại diện Rynan Technologies Vietnam cho biết, “Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam” hơn cả một giải thưởng.
Đó là sự tôn vinh, công nhận đối với trí tuệ và sáng tạo của người Việt. Ban tổ chức giải thưởng Make in Viet Nam cũng đã giúp các doanh nghiệp trong việc tham dự các sự kiện về kết nối cung cầu các sản phẩm công nghệ số. Đây là sự hỗ trợ và là bệ phóng quan trọng với các doanh nghiệp công nghệ số vừa và nhỏ trong việc phát triển thị trường, tìm kiếm khách hàng.
Theo ông Lê Hồng Quang, Phó Tổng giám đốc thường trực Công ty cổ phần MISA, làm nên uy tín của giải thưởng này một phần là nhờ giải có quy chế lựa chọn rất chặt chẽ, tiêu chí đánh giá khắt khe. Các sản phẩm đạt giải phải chứng tỏ được hiệu năng, giá trị với xã hội.
Uy tín của giải thưởng còn đến từ việc các doanh nghiệp, tổ chức đạt giải đã được Ban tổ chức, Bộ TT&TT hỗ trợ quảng bá, từ đó gia tăng được lợi ích.
“Với những khách hàng mới, giải thưởng là một căn cứ để họ đưa vào bộ tiêu chí lựa chọn sản phẩm, giải pháp công nghệ của doanh nghiệp. Những khách hàng đang sử dụng sản phẩm cũng thấy rằng lựa chọn của đơn vị mình là đúng đắn, để họ tiếp tục tin tưởng sử dụng”, ông Lê Hồng Quang dẫn chứng.
Từng nhận giải thưởng Make in Viet Nam, NextVision cho biết sau khi đạt giải, doanh nghiệp này đã nhận được nhiều lợi ích như được tham gia đi xúc tiến thương mại của Bộ TT&TT ở một số tỉnh, tham gia Asian Tech tại Singapore. Nhờ giải thưởng Make in Viet Nam, NextVison đã có sự tăng trưởng ấn tượng và mạnh mẽ.
Chia sẻ tại họp báo công bố, phát động Giải thưởng Make in Viet Nam, Giám đốc Kinh doanh VMO Holdings Nguyễn Khánh Diệp nhận định, ngành CNTT Việt Nam có tiềm năng vô tận để trở thành một trung tâm công nghệ toàn cầu, với nội lực sẵn có từ nguồn nhân tài công nghệ trẻ tiềm năng và những thế mạnh to lớn khi được sự quan tâm từ Chính phủ. Do vậy, VMO Holdings kỳ vọng trong tương lai sẽ có nhiều doanh nghiệp Việt ra nước ngoài để ghi dấu ấn trên bản đồ CNTT thế giới.
Theo kế hoạch, thời gian nhận đăng ký và hồ sơ tham gia giải thưởng “Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam” sẽ kéo dài từ ngày 12/7/2023 đến hết ngày 12/10/2023.
Trong thời gian từ 12/7/2023 đến 11/8/2023, doanh nghiệp có thể đăng ký sơ bộ và nhận được sự hướng dẫn của Cơ quan thường trực giải thưởng để chuẩn bị hồ sơ theo Quy chế. Các doanh nghiệp sẽ gửi hồ sơ trực tuyến qua cổng thông tin điện tử tại địa chỉ giaithuong.makeinvietnam.mic.gov.vn.
Theo Bộ TT&TT, nhiều sản phẩm, giải pháp đạt giải thưởng “Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam” các năm trước đã có đóng góp thiết thực vào tiến trình chuyển đổi số Việt Nam. Năm 2022, đã có 40 sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam được vinh danh. Đây đều là những sản phẩm xuất sắc đã có tác động, ảnh hưởng lớn trong việc đưa hoạt động của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân lên môi trường số. |