Báo cáo của Bộ TT&TT đã đưa ra kế hoạch sẽ xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch nghiên cứu về tiêu chuẩn hóa 6G giai đoạn 2023 – 2025.
Trước đó, Bộ TT&TT đã công bố Việt Nam sẽ chính thức triển khai 6G và là 1 trong 10 nước đầu tiên trên thế giới có Ban chỉ đạo 6G. Việt Nam phải đi cùng top đầu thế giới về công nghệ 6G. Tần số sẽ được Bộ TT&TT cấp phép có thể vào năm 2028 trước khi thương mại hóa 6G.
Viễn thông cần có sự đổi mới lần 2 sau 30 năm. Hạ tầng viễn thông trở thành hạ tầng số. Lần đổi mới này sẽ vẫn lấy tinh thần đổi mới của lần thứ nhất là công nghệ hiện đại, đi trong nhóm đầu của thế giới, hạ tầng đi trước. Hạ tầng viễn thông, hạ tầng số phải thuộc nhóm dẫn đầu thế giới, lọt vào top 30 năm 2025. Chất lượng mạng lưới phải tương đương với các nước phát triển.
Mạng 6G hay mạng di động thế hệ thứ 6 là công nghệ tiếp bước thế hệ mạng 5G. Mạng 6G được kỳ vọng sẽ hỗ trợ băng tần rộng hơn giúp tốc độ truyền tải dữ liệu nhanh hơn mạng 5G nhiều lần. Đồng thời, mạng 6G cũng có độ phủ sóng rộng và tối ưu hơn, đáp ứng mọi yếu tố mà mạng 5G chưa thực hiện được.
Hiện nay, mạng 6G vẫn đang được nghiên cứu, dự đoán sẽ được công bố ít nhất vào năm 2028 hoặc 2030. Đây là điều dễ hiểu khi mạng 5G hiện nay vẫn chưa được sử dụng phổ biến tại nhiều quốc gia.
Về lý thuyết, mạng 6G cũng giống như mạng 5G, nhưng mọi tiêu chuẩn trên mạng 6G đã tốt hơn đáng kể. Các yếu tố có thể kể đến như tốc độ nhanh hơn, độ trễ thấp hơn, khối lượng băng thông rộng hơn.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, mạng 6G sẽ vượt xa cả tốc độ của mạng dây. Tốc độ nhanh hơn và độ trễ thấp hơn sẽ giúp kết nối thiết bị này với thiết bị khác gần như ngay lập tức.
Mạng 5G đã được nhiều lĩnh vực tiềm năng như xe hơi tự vận hành, máy bay không người lái, thành phố thông minh sử dụng. Những công nghệ này còn có thể hoạt động tốt hơn nữa trong tương lai nếu có sự giúp sức từ 6G. Nhà mạng DoCoMo (Nhật Bản) cho rằng, không gian mạng có thể hỗ trợ suy nghĩ và hành động của con người trong thời gian thực thông qua các thiết bị đeo được và thiết bị siêu nhỏ gắn trên cơ thể.
Khi tốc độ kết nối vượt quá 100Gbps sẽ tạo ra các giao diện mang lại cảm giác giống như cuộc sống thực thông qua kính thông minh hoặc kính áp tròng, theo báo cáo từ các nhà khoa học.
Mạng 5G được phát triển nhằm mục đích xây dựng hệ sinh thái thông tin lấy người dùng làm trung tâm. Trong khi đó, mạng 6G sẽ được làm trọng tâm cho những công nghệ tiềm năng trong tương lai.
Đối với cả chính phủ và các doanh nghiệp, công nghệ không dây di động thế hệ thứ 6 là một miếng bánh tiềm năng không thể lớn hơn. Bất kỳ ai nắm được công nghệ và đăng ký bằng sáng chế liên quan công nghệ này sẽ là người chiến thắng trong cuộc cách mạng công nghiệp tiếp theo.
Với tốc độ được cho là gấp hơn trăm lần tốc độ cực đại của 5G, 6G có thể là chìa khoá đưa những ý tưởng trước đây chỉ nằm ở mục khoa học viễn tưởng vào đời sống hàng ngày của con người, từ chiếu phát hình ảnh ba chiều theo thời gian thực, taxi bay hay bộ não và cơ thể con người được kết nối Internet.
Và cuộc đua về công nghệ này đang ngày càng nóng dần, đặc biệt giữa hai quốc gia đang dẫn đầu công nghệ thế giới hiện nay, Mỹ và Trung Quốc.
“Nỗ lực này quan trọng tới mức có thể coi nó là "cuộc chạy đua vũ trang" ở một mức độ nào đó”, Peter Vetter, trưởng bộ phận thiết bị tại Bell Labs, chi nhánh của Nokia Oyj, cho biết. “Các quốc gia sẽ cần đội ngũ nhà nghiên cứu đông đảo để duy trì tính cạnh tranh”.
Dù các công ty công nghệ Trung Quốc đã gặp nhiều khó khăn với sự giám sát chặt chẽ cả ở trong nước và quốc tế, Mỹ đã không thể cản được Trung Quốc trở thành quốc gia dẫn đầu về công nghệ 5G.
Công nghệ 6G tiên tiến sẽ là giải pháp để Mỹ có thể giành lại lợi thế trong cuộc đua sáng tạo này.
“Câu chuyện của 5G sẽ không lặp lại tại khu vực Bắc Mỹ lần nữa. Cuộc đua dẫn đầu 6G sẽ trở nên khốc liệt hơn rất nhiều”, Vikrant Gandhi, Giám đốc thương mại cấp cao về ứng dụng khoa học công nghệ và truyền thông tại Frost&Sullivan, công ty tư vấn tại Mỹ, khẳng định.
Rõ ràng, công nghệ 6G đã là một trong những trọng tâm đối với cả Mỹ và Trung Quốc. Tại Bắc Mỹ, một liên minh đã được thành lập nhằm thúc đẩy sự dẫn đầu của khu vực trong công nghệ không dây thế hệ thứ 6, bao gồm các gã khổng lồ công nghệ như Apple, AT&T, Qualcomm, Google và Samsung.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng không giấu diếm ý định phát triển công nghệ 6G để góp phần hiện đại hoá lực lượng quân đội. Tờ Tin tức Quốc phòng Trung Quốc (CNDN) khẳng định 6G có thế mạnh công nghệ khác biệt và tiềm năng ứng dụng trong quân sự phong phú hơn so với công nghệ 5G.