Ý kiến chỉ đạo trên của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam được đưa ra trên cơ sở xem xét đề nghị của Bộ TT&TT tại báo cáo kết quả nghiên cứu, rà soát, đánh giá việc thực hiện Luật Viễn thông năm 2009.

Cùng với việc yêu cầu Bộ TT&TT khẩn trương nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), trình Chính phủ trong tháng 1/2023, Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ này sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực viễn thông theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhằm tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy phát triển hoạt động viễn thông.

Bộ TT&TT được giao cùng với Bộ Tư pháp hoàn thiện báo cáo của Chính phủ về kết quả nghiên cứu, rà soát pháp luật, trong đó có nội dung nghiên cứu, rà soát Luật Viễn thông, gửi cơ quan có thẩm quyền theo đúng quy định.

Bộ TT&TT kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật Viễn thông sửa đổi trong năm 2023. (Ảnh minh họa)

Theo Bộ TT&TT, Luật Viễn thông 2009 được ban hành có ý nghĩa rất quan trọng với tiến trình phát triển, hội nhập của nền kinh tế nói chung và ngành viễn thông nói riêng. Đây là sự kiện đánh dấu bước phát triển mới của pháp luật về viễn thông ở nước ta, đặc biệt là trước xu thế toàn cầu hóa.

Thời gian qua, Luật Viễn thông và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý để hoạt động viễn thông và các hoạt động liên quan đến viễn thông phát triển. Luật tác động trực tiếp, tích cực đến sự phát triển nhanh chóng, bền vững cơ sở hạ tầng và dịch vụ viễn thông; đáp ứng ngày càng tốt hơn các nhu cầu của phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.

Đồng thời, thúc đẩy cạnh tranh, từng bước hoàn thiện thị trường viễn thông Việt Nam phát triển lành mạnh, bình đẳng và hội nhập quốc tế; mang lại ngày càng nhiều lợi ích hợp pháp cho người dân và các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động viễn thông; nâng cao và khai thác hiệu quả tài nguyên viễn thông; tăng thu cho ngân sách nhà nước; hoàn thiện và nâng cao hiệu quả của quản lý nhà nước về viễn thông trong điều kiện hội tụ của công nghệ và dịch vụ.

Tuy nhiên, trải qua hơn 10 năm thi hành, một số quy định của Luật Viễn thông đã bộc lộ một số hạn chế, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu trong thực tiễn. Cụ thể như xu thế phát triển hội tụ công nghệ ngày càng sâu rộng nên các đặc thù của CNTT, truyền thông, phát thanh truyền hình, viễn thông, Internet ngày càng xóa đi ranh giới cụ thể, đòi hỏi văn bản quy phạm pháp luật phải thường xuyên điều chỉnh.

Bên cạnh đó, còn có những tồn tại khác như: công tác thực thi quản lý chưa theo kịp tốc độ và xu thế phát triển nhanh chóng của thị trường viễn thông, Internet; các văn bản quy phạm pháp luật chung có sự điều chỉnh, thay đổi, đòi hỏi phải có sự đồng bộ giữa các luật chung và luật quản lý chuyên ngành; các nội dung chính sách qua thời gian thực thi bộc lộ những khó khăn, chưa hiệu quả...

Vì thế, Bộ TT&TT cho rằng, sửa đổi Luật Viễn thông là việc làm cần thiết để khắc phục triệt để những vướng mắc, bất cập và bảo đảm phù hợp với thực tiễn của lĩnh vực viễn thông.

Cùng với kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật Viễn thông sửa đổi trong năm 2023, Bộ TT&TT cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phối hợp trong việc triển khai dự án xây dựng Luật Viễn thông sửa đổi.