Bộ TT&TT và UBND thành phố Hải Phòng vừa ký biên bản ghi nhớ về phối hợp thúc đẩy chuyển đổi số giai đoạn 2022 - 2025. Lễ ký kết biên bản thỏa thuận nằm trong khuôn khổ hội nghị cán bộ thành phố theo hình thức trực tuyến, nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và thực hiện Nghị quyết 03 của Ban Thường vụ Thành ủy về chuyển đổi số thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, Bộ TT&TT sẽ hỗ trợ thành phố Hải Phòng triển khai quản lý nhà nước trong các lĩnh vực TT&TT. Cụ thể là hỗ trợ thành phố phát triển mạng lưới bưu chính; phát triển hạ tầng viễn thông; xây dựng chính quyền số, thành phố thông minh, kết nối, liên thông các hệ thống thông tin giữa Trung ương và địa phương; bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng; thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp ICT, kinh tế số, xã hội số; quản lý báo chí, xuất bản, thông tin tuyên truyền.
Bộ TT&TT cũng hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, chuyên viên công tác trong lĩnh vực TT&TT; Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về an toàn, an ninh mạng, công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông, chuyển đổi số.
Về phía UBND thành phố Hải Phòng sẽ phối hợp chặt chẽ trong quản lý nhà nước ở lĩnh vực TT&TT; bố trí nguồn vốn phù hợp cho các dự án thuộc lĩnh vực hoạt động; tạo điều kiện phát triển hạ tầng viễn thông; đồng thời kiến nghị, góp ý với Bộ các vấn đề còn tồn tại và đề xuất biện pháp xử lý trong quá trình thực thi quản lý nhà nước về TT&TT tại địa phương.
Theo biên bản ghi nhớ, Bộ TT&TT sẽ phối hợp ở 11 nội dung, cụ thể: Tư vấn hỗ trợ xây dựng chính sách; Phát triển đô thị thông minh; Phát triển hạ tầng số phục vụ chuyển đổi số: Phát triển xã hội số phục vụ người dân; Hỗ trợ chuyển đổi số doanh nghiệp, chuyển đổi số tại cấp huyện, cấp xã; Triển khai bộ công cụ giám sát, quản lý trẻ em truy cập Internet; Hỗ trợ bảo đảm an toàn thông tin; Phát triển dữ liệu số, kết nối và khai thác hiệu quả các cơ sở dữ liệu quốc gia; Đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số; phát triển doanh nghiệp công nghệ số và lĩnh vực thông tin tuyên truyền.
Năm 2022, hai bên sẽ tập trung vào đẩy mạnh hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến; Triển khai trợ lý ảo phục vụ yêu cầu công tác cho cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước thành phố Hải Phòng. Dự kiến, trợ lý ảo sẽ được đưa vào sử dụng trước ngày 1/7.
Thí điểm đo lường tỉ trọng kinh tế số trong GRDP của thành phố Hải Phòng: tiến hành đo lường và công bố định kỳ. Ngoài ra, Bộ TT&TT sẽ cùng Hải Phòng hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số; Thúc đẩy đưa 100% các hộ sản xuất nông nghiệp đáp ứng tiêu chí lên sàn thương mại điện tử; Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt; Công bố các nền tảng số được thành phố lựa chọn và triển khai các nền tảng số cộng đồng.
Duy Vũ