Sớm ban hành Chiến lược phát triển Chính phủ số
Các giải pháp mới được Bộ TT&TT đề xuất với Thủ tướng Chính phủ cũng nhằm đẩy mạnh phát triển Chính phủ số.
Bộ TT&TT kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung hoàn thành dứt điểm các chỉ tiêu đặt ra trong năm 2020 tại Nghị quyết 17, đặc biệt là chỉ tiêu cung cấp 30% dịch vụ công trực tuyến mức 4. (Ảnh: Chinhphu.vn) |
Cụ thể, trong báo cáo kết quả xếp hạng Chính phủ điện tử năm 2020 theo đánh giá của Liên hợp quốc, Bộ TT&TT đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, giao Bộ đôn đốc các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai Chính phủ điện tử, nâng cao chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam theo phương pháp đánh giá của Liên hợp quốc. Tập trung chỉ đạo, đôn đốc nâng cao chỉ số Dịch vụ trực tuyến và chỉ số Hạ tầng viễn thông.
Trình Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành Chiến lược phát triển Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó rà soát nội dung để các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với những xu thế phát triển Chính phủ số và xây dựng Kế hoạch phát triển Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2023 nhằm cụ thể hoá Chiến lược này.
Khẩn trương phát triển các hệ thống kỹ thuật nền tảng quốc gia hỗ trợ cung cấp dịch vụ công trực tuyến, mở dữ liệu của cơ quan nhà nước, trước hết là: Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; Hệ thống hỗ trợ thanh toán dịch vụ công trực tuyến toàn quốc; Cổng dữ liệu quốc gia…
Đồng thời, liên hệ chặt chẽ với các cơ quan của Liên hợp quốc để cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời phục vụ khảo sát, đánh giá xếp hạng Chính phủ điện tử; đẩy mạnh công tác truyền thông, công khai trực tuyến những kết quả đạt được về triển khai Chính phủ điện tử Việt Nam để các tổ chức, cá nhân học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm.
Bộ TT&TT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GD&ĐT tập trung phát triển nguồn nhân lực đáp ứng công cuộc chuyển đổi số quốc gia, chú trọng phát triển kỹ năng số cho mọi người dân để không ai bị bỏ lại phía sau.
Nâng cao chỉ số Nguồn nhân lực theo phương pháp đánh giá Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc. Trong đó, tập trung tăng tỷ lệ nhập học từ cấp Tiểu học đến cấp Trung học phổ thông, tăng số năm đi học trung bình của người trưởng thành, tạo môi trường thuận lợi để xã hội học tập và học tập suốt đời.
Bộ TT&TT cũng đề xuất Bộ GD&ĐT ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục và đào tạo, trở thành một trong các lĩnh vực đi đầu trong chuyển đổi số. Cung cấp thông tin đầy đủ về chỉ số Nguồn nhân lực phục vụ khảo sát, đánh giá xếp hạng Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc.
Với các bộ, ngành, địa phương, theo đề xuất của Bộ TT&TT, cần ưu tiên nguồn lực để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đặt ra tại Nghị quyết 17 ngày 7/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025. Cụ thể, hoàn thành dứt điểm các chỉ tiêu đặt ra trong năm 2020, đặc biệt là chỉ tiêu cung cấp 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; thực hiện cách làm mới, đẩy nhanh tiến độ, hướng tới cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ cao ngay trong năm 2021.
Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; chú trọng phát triển Chính phủ số, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số, cung cấp hiệu quả các dịch vụ số phục vụ thiết thực cuộc sống người dân như về y tế, giáo dục, an sinh xã hội, việc làm, pháp luật.
Cần nỗ lực mạnh mẽ hơn để thay đổi thứ hạng quốc gia
Trung tuần tháng 7/2020, Liên hợp quốc đã công bố Báo cáo khảo sát Chính phủ điện tử (EGDI) năm 2020. Theo Báo cáo này, Việt Nam tăng 2 bậc, xếp hạng 86/193 quốc gia trên thế giới, 24/47 nước châu Á và 6/11 nước ASEAN. Chỉ số tổng hợp của Việt Nam là 0,6667, cao hơn chỉ số trung bình thế giới và khu vực, thuộc nhóm quốc gia ở mức Cao.
Phân tích về kết quả xếp hạng, Bộ TT&TT nhận định, việc duy trì tăng hạng liên tục từ năm 2014 đến nay, từ vị trí 99 lên vị trí 86, phản ánh được những nỗ lực của Việt Nam.
Tuy nhiên, thứ hạng của Việt Nam trong khu vực ASEAN vẫn chưa thay đổi. Đáng lưu ý, khoảng cách giữa Việt Nam và các quốc gia xếp sau trong khu vực như Indonesia, Campuchia bị thu hẹp đáng kể; Nhiều quốc gia có sự tăng hạng mạnh như Indonesia tăng 19 bậc, Thái Lan tăng 16 bậc, Myanmar tăng 11 bậc. Cả 5 quốc gia xếp trên Việt Nam gồm Singapore, Malaysia, Thái Lan, Brunei, Phillipines và quốc gia xếp ngay sau Việt Nam là Indonesia đều đã tuyên bố Chiến lược phát triển Chính phủ số.
“Vì vậy, muốn thay đổi thứ hạng quốc gia, Việt Nam phải quyết tâm và nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa”, Bộ TT&TT nhấn mạnh.
Bộ TT&TT cũng cho biết, tại Nghị quyết 02 ngày 1/1/2020, Chính phủ đặt mục tiêu cải thiện thứ bậc của Việt Nam trên bảng xếp hạng Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc từ 10 đến 15 bậc. Vì vậy, ngay từ đầu năm 2020, Bộ TT&TT đã đẩy mạnh điều phối trên phạm vi toàn quốc. Những nỗ lực này của Việt Nam sẽ có tác động đến bảng xếp hạng lần tới, dự kiến công bố vào năm 2022.
Vân Anh
Phát triển Chính phủ số gắn kết chặt với chuyển đổi số, xây đô thị thông minh
Trong dự thảo Chiến lược phát triển Chính phủ số đến 2025, Bộ TT&TT xác định việc phát triển Chính phủ số gắn kết chặt chẽ với chuyển đổi số và phát triển đô thị thông minh, bảo đảm an toàn, an ninh mạng, chủ quyền số quốc gia.