Đây là một trong những nội dung được nêu tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 72 năm 2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng cùng Nghị định 27 năm 2018 về sửa đổi, bổ sung Nghị định 72. Bộ TT&TT đang lấy ý kiến vào bản dự thảo này.

{keywords}
Livestream bán hàng trên Facebook. (Ảnh: Duy Vũ)

Theo Bộ TT&TT, kể từ thời điểm Nghị định 72 được ban hành đến nay, các loại hình thông tin cung cấp trên mạng đã mở rộng đa dạng hơn. Đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của các mạng xã hội như Facebook, YouTube, TikTok, Twitter, Instagram…

Qua thực tiễn thi hành cùng với những yêu cầu mới phát sinh của quá trình hội nhập quốc tế, thực trạng phát triển về công nghệ thông tin và Internet… đã bộc lộ những bất cập, những khoảng trống pháp lý cần được hoàn thiện. Do đó, Bộ TT&TT đã xây dựng dự thảo Nghị định với nhiều nội dung, quy định mới cập nhật được tình hình hiện nay và đề xuất các quy định về quản lý hoạt động cung cấp thông tin xuyên biên giới.

Cụ thể, theo đề xuất của Bộ TT&TT, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin xuyên biên giới phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam. Đồng thời, tuân thủ những quy định chuyên ngành khi cung cấp dịch vụ tại Việt Nam như: mạng xã hội, cung cấp trò chơi điện tử trên mạng, kho ứng dụng…

Cơ quan quản lý có thẩm quyền của Việt Nam có quyền thực thi biện pháp ngăn chặn trong các trường hợp dịch vụ xuyên biên giới cung cấp thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam hoặc không hợp tác để ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm.

Bộ TT&TT đề xuất, các trang web/ứng dụng cung cấp dịch vụ nội dung có từ 100.000 lượng người truy cập thường xuyên 1 tháng phải thông báo/xác nhận thông báo hoạt động với Bộ TT&TT và phối hợp xử lý thông tin vi phạm theo quy trình.

Các dịch vụ xuyên biên giới cũng phải thực hiện quy trình ngăn chặn, gỡ bỏ dịch vụ, thông tin vi phạm trong vòng 24 giờ khi có yêu cầu từ cơ quan có thẩm quyền Việt Nam. Các doanh nghiệp viễn thông thực hiện biện pháp kỹ thuật cần thiết nhằm ngăn chặn nội dung vi phạm cung cấp tới người sử dụng tại Việt Nam;

Bộ TT&TT cũng nhấn mạnh đến quyền của người sử dụng tại Việt Nam. Theo đó, người sử dụng có quyền thông báo vi phạm yêu cầu doanh nghiệp cung cấp xuyên biên giới xử lý. Người dùng thông báo cho Bộ TT&TT về những vi phạm nội dung trên các website cung cấp dịch vụ xuyên biên giới cho người sử dụng tại Việt Nam và khởi kiện nếu doanh nghiệp cung cấp xuyên biên giới gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Các Bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm xác định nội dung vi phạm thuộc phạm vi, chuyên ngành quản lý và chuyển Bộ TT&TT là đầu mối yêu cầu các doanh nghiệp xuyên biên giới xử lý, gỡ bỏ thông tin vi phạm.

Ngoài ra, Bộ TT&TT đề xuất bổ sung thêm một trách nhiệm của mạng xã hội xuyên biên giới tại Việt Nam như: Phải có bộ phận chuyên trách tiếp nhận/giải quyết khiếu nại từ người sử dụng. Tạm khóa/xóa các nội dung (trong vòng 24 giờ) khiếu nại chính đáng từ cá nhân/tổ chức bị ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp khi nhận được yêu cầu. Tuân thủ quy định về bản quyền với báo chí khi đăng, phát những tác phẩm báo chí của các cơ quan báo chí Việt Nam;

Mạng xã hội xuyên biên giới phải yêu cầu các kênh/tài khoản tại Việt Nam có lượng người sử dụng theo dõi/đăng ký từ 10.000 người trở lên thực hiện thông báo thông tin liên hệ với Bộ TT&TT.

Các mạng xã hội xuyên biên giới chỉ cho phép các kênh/tài khoản đã thông báo với Bộ TT&TT mới được cung cấp dịch vụ  phát trực tuyến (livestream) và dịch vụ có phát sinh doanh thu.

Các doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp cho thuê chỗ lưu trữ dữ liệu có trách nhiệm thực hiện biện pháp ngăn chặn các nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam khi tự phát hiện hoặc theo yêu cầu của Bộ TT&TT trong thời gian 3 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu.

Bộ TT&TT cho rằng, các mạng xã hội nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam như Facebook, YouTube, TikTok đang chiếm ưu thế so với mạng xã hội trong nước. Theo thống kê của Bộ TT&TT, tính đến hết tháng 6/2021, Facebook có khoảng 65 triệu thành viên Việt Nam, YouTube có khoảng 60 triệu và TikTok khoảng 20 triệu.

Các mạng xã hội này chưa tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật Việt Nam. Một số quy định hiện hành đối với hoạt động cung cấp thông tin, dịch vụ qua biên giới còn nhiều hạn chế. "Đây cũng là môi trường tồn tại nhiều thông tin vi phạm pháp luật, lan truyền tin giả, gây mất ổn định xã hội và bức xúc trong xã hội, gây bất bình đẳng với doanh nghiệp trong và ngoài nước", Bộ TT&TT đánh giá.

Nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng mạng xã hội để hoạt động báo chí, tổ chức livestream nhằm cung cấp thông tin sai sự thật, xúc phạm uy tín, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân khác và thông tin, dịch vụ vi phạm pháp luật. Do đó, cần sớm bổ sung quy định điều chỉnh.

Tình trạng “báo hóa” mạng xã hội (mạng xã hội hoạt động như báo điện tử, như trang thông tin điện tử tổng hợp) đang ngày càng diễn biến phức tạp.

Duy Vũ

Chính thức ban hành bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội

Chính thức ban hành bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội

Bộ quy tắc này nhằm tạo điều kiện phát triển lành mạnh mạng xã hội tại Việt Nam, đảm bảo quyền tự do cá nhân, quyền tự do kinh doanh, không phân biệt đối xử nhà cung cấp dịch vụ trong và ngoài nước.