Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác năm 2019 của Học viện Công nghệ Bư chính Viên thông |
Sáng nay (9/1), Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2019. Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm tham dự và chỉ đạo hội nghị.
Theo chia sẻ của ông Trần Quang Anh, Phó Giám đốc Học viện, trong bối cảnh quy mô của một số hệ đào tạo trong năm 2019 sụt giảm nhưng Học viện Công nghệ Bư chính Viên thông vẫn giữ ổn định với tổng số 13.000 sinh viên, trong đó hệ Sau Đại học là 330 (chiếm 2,5%) và Đại học chính quy là 12.300 sinh viên (chiếm khoảng 93%).
Năm 2019, Học viện đã tuyển sinh được 3.456 sinh viên Đại học chính quy (đạt 101% so với tổng chỉ tiêu đề ra và tương đương với mức tuyển sinh năm 2019), đồng thời nằm trong nhóm các trường Đại học tuyển sinh đặt điểm cao trong cả nước. Trong khi đó, công tác tuyển sinh hệ Sau đại học gặp nhiều khó khăn khi giảm khoảng 5% so với năm 2019 do sự suy giảm chung về nhu cầu.
Các Trung tâm Đào tạo trực thuộc Học viện và Viện CNTT-TT đã tiếp tục phát triển, đã hoàn thành tốt kế hoạch được giao. Học viện cũng thông báo tuyển sinh chương trình học bổng ngành CNTT cho các nước ASEAN. 2 chương trình đào tạo liên kết quốc tế của Học viện đã được xây dựng và sẽ tuyển sinh trong năm 2020.
Xác định năm 2019 là năm đổi mới chương trình đào tạo theo 2 xu hướng là đáp ứng nhu cầu của cuộc CMCN 4.0 và chuyển đổi số của nền kinh tế và tăng cường đào tạo bằng tiếng Anh đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Do đó, Học viện đã bổ sung một số chuyên ngành như Phân tích Marketing, Kế toán quốc tế; tổ chức đổi mới chương trình Kỹ thuật Điện tử Viễn thông; mở mới 2 ngành Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa (Định hướng Robotic) và ngành IoT (dự kiến tuyển sinh năm 2020). Trường đã hoàn thành xây dựng chương trình CNTT - AI hoàn toàn bằng tiếng Anh, hoàn thành xây dựng chương trình Công nghệ thông tin chất lượng cao và xây dựng 2 đề án đào tạo liên kết với trường Đại học Anh Quốc.
Để đáp ứng xu thế mới, Học viện Bưu chính cũng đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, hướng đào tạo đến thức tiễn, hoàn thành việc quy hoạch các phòng Lab theo hướng tăng cường số lượng và tính hiện đại. Từ cái nôi Học viện Bưu chính Viễn thông, năm 2019, đã có 2.090 sinh viên tốt nghiệp, trong đó có 4 tiến sĩ, 96 thạc sỹ và gần 1.700 sinh viên Đại học chính quy.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho biết trong năm 2019, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông đã tiếp tục chứng tỏ được sức hút và khẳng định vị trí hàng đầu trong đào tạo lĩnh vực CNTT-TT. Điều này thể hiện ở việc hoàn thành các chỉ tiêu, chất lượng đào tạo học viên cũng như mức độ hài lòng về đào tạo, chất lượng cơ sở đào tạo...
Thứ trưởng yêu cầu các mục tiêu của Học viện trong năm 2020 cần bám sát khẩu hiệu và phương châm của toàn ngành TT&TT, các định hướng định hướng phát triển mới của ngành, mở ra không gian phát triển của ngành trong thập kỷ tới về bưu chính, viễn thông, CNTT... Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cũng gợi ý: Để phát triển đột phá trong năm 2020, năm bản lề cho giai đoạn phát triển 2020 – 2025, Thứ trưởng Bộ TT&TT yêu cầu Học viện phải đột phá ở 3 lĩnh vực đó là tổ chức quản trị, đào tạo và huy động nguồn lực.
Cụ thể, Học viện Bưu chính Viễn thông cần khẩn trương triển khai việc thành lập Hội đồng trường, Bộ TT&TT sẽ trao quyền tự chủ thực chất cho Trường để giải quyết công việc nhanh hơn và cơ hội để Học viện phát triển nhanh hơn trong thời gian tới. Đồng thời, trường cũng cần tiếp tục tổ chức, sắp xếp lại khối R&D để đạt kết quả cao hơn nữa và cơ chế chi tiêu nội bộ tạo động lực cho các cán bộ Học viện cùng phấn đấu.
Trong hoạt động đào tạo, học viện cần nghiên cứu, có thể đột phá triển khai Đề án đào tạo lại và đào tạo nâng cao trong công cuộc chuyển đổi số - tạo không gian, nguồn thu mới cho Học viện; Đào tạo CNTT chất lượng cao bằng tiếng Anh; Có giải pháp đột phá để mở các ngành nghề mới như công nghệ tài chính, Robotics, khoa học dữ liệu...
Bên cạnh đó, trường cũng cần huy động các nguồn lực cho đầu tư và phát triển các cơ sở vật chất của Học viện thông qua thí điểm hợp tác công tư để chuẩn bị cho sự phát triển nhanh trong tương lai.