Chiều 3/11, Trung tâm Chứng thực điện tử Quốc gia (Bộ TT&TT) đã trao Giấy phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng cho Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT). Đây là một trong những đơn vị đầu tiên được cấp phép dịch vụ chữ ký số từ xa.
Quyết định do Bộ trưởng Bộ TT&TT ký ngày 28/10/2021. Theo đó, VNPT-CA được phép cung cấp dịch vụ chứng thư số cho cá nhân, tổ chức; Chứng thư số SSL dành cho máy chủ; Chứng thư số cho phần mềm.
Đại diện Trung tâm Chứng thực điện tử Quốc gia trao giấy phép cho VNPT. Ảnh: Duy Vũ |
Về phương thức lưu khóa bí mật của thuê bao, VNPT-CA lưu khóa bí mật của thuê bao đáp ứng quy định tại Thông tư số 16 năm 2019 của Bộ TT&TT đối với mô hình ký số từ xa. Hệ thống kỹ thuật phải tuân theo các quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số đang có hiệu lực.
Mô hình chữ ký số từ xa (Remote Signing) là phương thức chữ ký số đã được phát triển tại nhiều quốc gia trên thế giới và đã được chứng minh sự tiện lợi, hiệu quả, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế một cách mạnh mẽ trong những năm gần đây. So với loại hình chữ ký số trước đây, bị phụ thuộc vào các thiết bị vật lý như USB token, chữ ký số từ xa có sự linh hoạt hơn khi có thể sử dụng trên nhiều loại thiết bị, bao gồm smartphone, laptop, tablet chứ không chỉ đơn thuần là máy tính như trước kia. Hơn thế nữa, với loại hình chữ ký số này, tốc độ ký nhanh hơn, nhiều hơn mà vẫn đảm bảo tính an toàn, pháp lý, đặc biệt phù hợp đối với các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức trong thời đại số hóa và thương mại điện tử hiện nay.
Theo ông Hà Thái Bảo, đại diện VNPT, dịch vụ chữ ký số từ xa rất khác với dịch vụ truyền thống, khóa bí mật của chứng thư được quản lý tại hạ tầng của nhà cung cấp dịch vụ, chứ không phải nằm trên thiết bị của người dùng. Do vậy, khâu trọng yếu nhất của loại hình dịch vụ này là đảm bảo an toàn của chứng thư số và chỉ được sử dụng khi thuê bao cho phép (được quy định bởi Module SAM -Signature Activate Module). VNPT hiện là đơn vị tự phát triển module quản lý kích hoạt chữ ký theo tinh thần Make in Vietnam.
Ông Bảo cũng cho rằng, mô hình ký số từ xa sẽ là nền tảng then chốt để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam, cũng như triển khai các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19, mô hình này có thể giúp cho người dân, doanh nghiệp tương tác và ký số mọi lúc, mọi nơi, trên mọi thiết bị.
Tại buổi trao giấy phép, Thiếu tướng Trần Thị Bé Nhân, Phó Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an) cho rằng, dịch vụ chữ ký số từ xa là dịch vụ mới nên thực tiễn đi trước một bước, trong khi đó các quy định vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, bổ sung để tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động trong lĩnh vực mới này.
Ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Chứng thực điện tử Quốc gia có cùng ý kiến này. Ông Nghĩa chia sẻ, dịch vụ chữ ký số từ xa có yêu cầu cao đối với hệ thống. Do đó, trong quá trình thẩm định, Trung tâm Chứng thực điện tử Quốc gia cũng yêu cầu các đơn vị đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định, đồng thời chứng minh hệ thống không có khả năng can thiệp vào khóa cá nhân mới đủ điều kiện để cấp phép.
Theo ông Nghĩa, các đơn vị cung cấp dịch vụ chữ ký số trong nước cần phối hợp cùng nhau để phổ biến chữ ký số cá nhân đến với người dân, tạo cú hích lớn đối với thị trường ký số.
Duy Vũ
Ký số từ xa sẽ thúc đẩy thị trường chữ ký số tăng gấp 5 lần
Theo tính toán của Câu lạc bộ Chữ ký số và giao dịch điện tử Việt Nam, với việc dịch vụ ký số từ xa chính thức được triển khai, dự kiến quy mô thị trường chữ ký số sẽ tăng khoảng 5 lần trong 2 năm tới.