Giải quyết vướng mắc pháp lý và phát triển công nghệ về blockchain
Theo đó, từ năm 2019, Bộ Tư pháp đã phối hợp với đơn vị liên quan cùng các chuyên gia trong các lĩnh vực công nghệ, pháp lý trong nước và quốc tế tổ chức nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài qua tài liệu; rà soát hệ thống pháp luật trong nước có liên quan. Tổ chức các hội thảo, tọa đàm với các chuyên gia, nhà khoa học để trao đổi về thực tiễn và nhu cầu xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến việc ứng dụng, phát triển các sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng công nghệ blockchain (công nghệ chuỗi khối).
Trên cơ sở đó, ngày 23/3/2020, Bộ Tư pháp đã có Báo cáo số 70/BC-BTP trình Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát khung khổ pháp lý liên quan đến việc ứng dụng, phát triển các sản phẩm, dịch vụ được phát triển trên nền tảng công nghệ blockchain và một số đề xuất cụ thể đối với công nghệ chuỗi khối này.
Báo cáo của Bộ Tư pháp có 4 vấn đề chính: Tổng quan về công nghệ và quản trị trên nền tảng công nghệ blockchain; thực tiễn ứng dụng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ blockchain và kinh nghiệm quản lý của một số quốc gia trên thế giới; thực tiễn và một số vấn đề pháp lý của việc ứng dụng, phát triển một số sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng công nghệ blockchain ở Việt Nam; và định hướng xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật và một số đề xuất.
Trên cơ sở phân tích các vấn đề công nghệ và kinh nghiệm của các nước trên thế giới cũng như thực tiễn ở Việt Nam, Báo cáo khẳng định các vướng mắc, bất cập về ứng dụng, phát triển các sản phẩm, dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ blockchain ở Việt Nam chủ yếu tập trung vào 2 nhóm vấn đề.
Thứ nhất, các vướng mắc pháp lý liên quan, trong đó chủ yếu là 2 vướng mắc chính về sự chưa rõ ràng, chưa có khung pháp lý liên quan đến huy động vốn qua việc phát hành tài sản mã hóa, tiền mã hóa (như ICO, ITO hay STO) và giao dịch tài sản mã hóa, tiền mã hóa, trong đó chủ yếu liên quan đến việc vận hành sàn giao dịch tài sản mã hóa, tiền mã hóa.
Thứ hai, chưa có hệ sinh thái khuyến khích ứng dụng, phát triển công nghệ blockchain, trong đó có việc các cơ quan nhà nước chưa thật sự tiên phong trong ứng dụng công nghệ blockchain trong quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công.
Cần lưu ý là ngoại trừ vướng mắc về pháp lý chủ yếu liên quan đến việc huy động vốn hoặc quy chế pháp lý cho các tài sản mã hóa được cung cấp bởi các nền tảng blockchain hoặc tham gia cung cấp sản phẩm dịch vụ trong một số lĩnh vực yêu cầu đáp ứng các quy định chặt chẽ (như: thanh toán, sàn giao dịch), nhiều doanh nghiệp cơ bản không gặp vướng mắc trong việc phát triển, kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ của mình (như truy xuất nguồn gốc nông sản). Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là tạo lập môi trường, hệ sinh thái thân thiện với ứng dụng công nghệ blockchain nhằm gia tăng tính công khai, minh bạch, chống gian lận.
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự kinh tế Nguyễn Thanh Tú cho biết có một số vấn đề lớn đặt ra đối công nghệ blockchain ở Việt Nam hiện nay là pháp lý và quản lý.
Về pháp lý, chúng ta chưa có luật nên cần ban hành nghị định và quản lý cần phát triển công nghệ số và ứng dụng blockchain theo kịp sự phát triển hiện nay
Trên cơ sở đó, Bộ Tư pháp đề xuất một số định hướng để xây dựng, hoàn thiện chính sách và khung pháp lý cho các sản phẩm, dịch vụ được phát triển trên nền tảng công nghệ blockchain, gồm:
Tạo môi trường tối ưu cho đổi mới sáng tạo nhưng cần đảm bảo tính trung lập về công nghệ theo hướng thị trường tự quyết định lựa chọn công nghệ; tận dụng khung pháp lý hiện hành để quản lý, xử lý các vấn đề liên quan nhưng cho phép các ngoại lệ hoặc ban hành các văn bản điều chỉnh (có thể mang tính thí điểm) trong trường hợp cần thiết cho từng vấn đề (nhóm vấn đề) cụ thể.
Kiến nghị xây dựng nghị định thí điểm về blockchain
Đó là, ưu tiên xây dựng chính sách, pháp luật thí điểm (cụ thể là các Nghị định thí điểm - sandbox) để xử lý các vấn đề “nóng” của thị trường và thực tiễn áp dụng. Trong đó, cần đẩy nhanh việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thí điểm về phát hành và giao dịch của các tài sản mã hóa được hình thành trên nền tảng công nghệ blockchain cũng như cơ chế quản lý, xử lý việc sử dụng, trao đổi, đầu tư các tài sản này.
Cơ quan Nhà nước cần tiên phong trong việc ứng dụng thành tựu về khoa học, công nghệ trong đó có công nghệ blockchain để nâng cao hiệu quả hoạt động và đổi mới phương thức quản trị, điều hành cũng như cung ứng dịch vụ công.
Duy trì cơ chế trao đổi, phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp, cộng đồng phát triển công nghệ ở tầm quốc gia cũng như quốc tế để kịp thời phát hiện và xử lý các vướng mắc, khó khăn trong quá trình phát triển các sản phẩm, dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ blockchain.
Tăng cường các hoạt động truyền thông, phổ biến, đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao hiểu biết, nhận thức của người dân, doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước về việc ứng dụng công nghệ blockchain. Từ đó, báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành liên quan về vấn đề này, trong đó có Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Lê Sơn