Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững do Thủ tướng Chính phủ chủ trì (ngày 17/2) có thông tin về 2 gói tín dụng cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Cụ thể, Bộ Xây dựng đã đề xuất gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng theo phương thức tái cấp vốn (giống gói 30.000 tỷ đồng đã thực hiện rất tốt trong giai đoạn 2013-2016 trước đây) cấp cho các ngân hàng thương mại để cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay. Trong đó dành khoảng 50% gói tín dụng cho chủ đầu tư dự án vay ưu đãi và dành khoảng 50% gói tín dụng còn lại cho khách hàng cá nhân là người mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Đồng thời, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đã thông tin về gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho xây dựng dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với lãi suất cho vay với người xây dựng và người mua nhà sẽ thấp hơn 1,5-2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ.
Liên quan đến các gói tín dụng trên, dư luận đang xôn xao trước thông tin, Bộ Xây dựng dự kiến tạm dừng đề xuất gói 110.000 tỷ đồng.
Cụ thể, thông tin trên báo chí, ông Hà Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, đơn vị này dự kiến tạm ngừng đề xuất gói 110.000 tỷ đồng để thực hiện gói 120.000 tỷ đồng của NHNN do đây là gói có sẵn, có thể thực hiện được ngay.
Trước thông tin trên, chiều nay (2/3), Phòng Thông tin và Truyền thông – Văn phòng Bộ Xây dựng phát đi thông tin cho biết, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết về phát triển thị trường bất động sản an toàn lành mạnh bền vững, trong đó có nội dung về gói tín dụng về nhà ở xã hội.
Sau khi có quyết nghị của Chính phủ, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với NHNN triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng. Văn bản này không nêu thông tin về đề xuất dừng gói tín dụng 110.000 tỷ đồng.
Trao đổi qua điện thoại với PV VietNamNet, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, Bộ Xây dựng chưa có báo cáo về việc dừng gói tín dụng 110.000 tỷ đồng. “Gói tín dụng 110.000 tỷ đồng đang ở giai đoạn đề xuất chờ Chính phủ xem xét, quyết định” – Thứ trưởng nói.
Về gói tín dụng này, trước đó, tại hội nghị ngày 17/2, Thống đốc NHNN cho rằng, việc có một gói tín dụng riêng cho lĩnh vực này là cần thiết, để tăng cung về nhà ở xã hội, giúp giảm mất cân đối với thị trường bất động sản. Nhưng nguồn vốn từ đâu cũng phải cân nhắc, tức là với nguồn vốn từ tái cấp vốn, là cung ứng tiền ra với thời gian dài hạn, có thể làm giảm tính linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ.
Vì vậy, cần tính toán nguồn vốn tổng thể trên cơ sở chính sách tiền tệ cũng đang thực hiện nhiều chỉ đạo của Chính phủ về tái cơ cấu như tái cơ cấu ngân hàng 0 đồng… và ở các lĩnh vực, các ngành kinh tế khác.
Còn về gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, lãnh đạo NHNN cho biết, NHNN sẽ giao đơn vị theo dõi, tổ chức, triển khai chương trình này. "Chúng tôi sẽ thông báo cho các ngân hàng khác nếu các ngân hàng khác tham gia thì gói này có thể sẽ được nhiều hơn", bà Hồng nói.
Trong quá trình triển khai, nếu các ngân hàng tham gia mà bị thiếu hụt về thanh khoản thì NHNN sẵn sàng tái cấp vốn cho để triển khai tiếp.
Theo chuyên gia, nếu gói tín dụng 110.000 tỷ đồng được phê duyệt thì đây sẽ là gói có lãi suất ưu đãi tốt như gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đã thực hiện trong giai đoạn 2013-2016, doanh nghiệp và người mua được vay ưu đãi lãi suất 5%/năm.
Trong khi đó, với gói 120.000 tỷ đồng, theo tính toán, lãi suất cho vay mua nhà của các ngân hàng thương mại hiện dao động từ 12-15%/năm. Như vậy lãi suất bình quân sẽ rơi vào khoảng 13,5%.
Với lãi suất cho vay nhà ở xã hội ưu đãi thấp hơn 1,5-2% lãi suất bình quân, doanh nghiệp và người mua nhà có thể vay với lãi suất 11-12%. Tuy nhiên theo nhận định chung, đây vẫn là mức lãi suất khá cao.