Trong 42 bệnh hiểm nghèo theo quy định của Chính phủ có ung thư, đột quỵ, nhồi máu cơ tim lần đầu, viêm đa khớp dạng thấp nặng, ghép cơ quan (ghép tim, ghép gan, ghép thận), phẫu thuật động mạch vành, phẫu thuật thay van tim, bỏng nặng, bệnh cơ tim, bệnh Alzheimer hay sa sút trí tuệ...
Đề xuất này nằm trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) đang được Bộ Y tế xây dựng, lấy ý kiến rộng rãi. Dự thảo dự kiến sẽ trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 8 vào tháng 10 năm nay. Nếu được thông qua, luật sẽ có hiệu lực từ 1/1/2025.
Theo đó, Bộ Y tế đề xuất người được chẩn đoán xác định đối với một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật, thủ thuật phức tạp hoặc sử dụng kỹ thuật cao được đến thẳng cơ sở có chuyên khoa, năng lực chuyên môn kỹ thuật cao hơn, hoặc một số trường hợp cấp dưới không đủ năng lực chuyên môn theo quy định của Bộ Y tế.
Theo bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế), hiện tại, người mắc một số bệnh hiểm nghèo, bệnh nặng, bệnh cần sử dụng kỹ thuật cao phải đi theo trình tự là lấy giấy chuyển tuyến trong năm từ cơ sở y tế tuyến dưới lên cơ sở tuyến trên đủ năng lực điều trị.
Với quy định của dự thảo luật lần này, cơ quan chuyên môn sẽ lựa chọn một số bệnh người dân "rõ ràng cần lên tuyến trên", không nhất thiết phải có giấy chuyển tuyến.
Điều này được đánh giá "thuận tiện cho người dân và tránh việc phát sinh chi phí trùng lặp hai lần, tức là vừa khám ở tuyến dưới xong lại lên tuyến trên".
Tuy nhiên, theo đại diện Bộ Y tế, danh mục bệnh được phép đi lên tuyến trên mà không cần giấy chuyển tuyến sẽ được nghiên cứu cụ thể, "phải là những bệnh thực sự chỉ tuyến trên mới có thể điều trị được, đảm bảo không xảy ra tình trạng quá tải cho tuyến cuối".
Theo cơ quan thường trực xây dựng Dự thảo, mục tiêu của việc sửa đổi, bổ sung luật lần này nhằm giải quyết các vướng mắc, bất cập phát sinh, đồng thời tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ BHYT, bảo đảm thống nhất với luật, quy định khác.
Liên quan đến đề xuất thay đổi quy định về giấy chuyển tuyến, cử tri Vĩnh Long trong kiến nghị gửi ngành y tế trước kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV băn khoăn tình trạng người bệnh xin được chuyển viện từ tuyến cơ sở lên các tuyến trên gặp khó khăn, ảnh hưởng đến việc điều trị. Trong khi đó, cử tri Phú Yên kiến nghị Bộ Y tế xem xét, bỏ giấy chuyển tuyến khám chữa bệnh BHYT bởi thủ tục chuyển tuyến, cấp giấy chuyển tuyến còn gây phiền hà, thậm chí có trường hợp phát sinh tiêu cực, gây bức xúc.
Trong hai văn bản trả lời gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long và Phú Yên ngày 12/8, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho hay việc phân tuyến để phục vụ cho khám và chữa bệnh phù hợp với tình trạng của người bệnh ở từng tuyến.
"Tuyến cao hơn sẽ khám và điều trị tình trạng bệnh nặng, chuyên sâu hơn", Bộ trưởng nhấn mạnh. Căn cứ năng lực chuyên môn, khả năng đáp ứng của cơ sở và tình trạng bệnh tật, người bệnh đến khám và điều trị tại cơ sở phù hợp.
Theo đó, trường hợp tình trạng bệnh tật vượt quá khả năng chuyên môn của tuyến dưới, cơ sở thực hiện chuyển người bệnh lên tuyến trên phù hợp. Trường hợp người bệnh điều trị ở tuyến trên đã ổn định nhưng cần tiếp tục theo dõi, căn cứ tình trạng bệnh tật (đã ổn định…) và điều kiện thực tế (ví dụ cơ sở tuyến trên quá tải…), cơ sở có thể chuyển người bệnh về tuyến dưới để tiếp tục điều trị, chăm sóc. Cơ sở cấp cho người bệnh giấy chuyển tuyến theo mẫu quy định.
"Trong các trường hợp này, giấy chuyển tuyến có vai trò quan trọng, không chỉ cung cấp thông tin cần thiết như lý do chuyển tuyến, tình trạng bệnh, lịch sử điều trị mà còn là căn cứ để xác định quyền lợi và mức hưởng BHYT của người bệnh, bảo đảm quyền lợi BHYT", Bộ trưởng lý giải.
Thừa nhận trong quá trình thực hiện thủ tục chuyển tuyến và cấp giấy chuyển tuyến, người bệnh có thể gặp phải vướng mắc, bất cập, thậm chí có trường hợp phát sinh tiêu cực, nhưng Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho rằng việc bỏ quy định về giấy chuyển tuyến "có thể dẫn đến tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trung ương, ảnh hưởng đến chất lượng điều trị và mất cân đối quản lý Quỹ BHYT".