Một tuần sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 07 và Nghị quyết 30 liên quan việc quản lý, đấu thầu trang thiết bị y tế, ngày 10/3, Bộ Y tế tổ chức hội nghị kết nối gần 1.300 điểm cầu để phổ biến các văn bản này.
Ông Nguyễn Minh Lợi, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế (Bộ Y tế), cho biết những gói đầu đã được ký kết, các trang thiết bị có thể nhập khẩu được ngay. Những gói thầu mới cũng đã có cơ chế để xử lý.
Vị lãnh đạo này nhận định về cơ bản trong 3-6 tháng tới, việc cung cấp trang thiết bị y tế sẽ cơ bản đáp ứng nhu cầu của các cơ sở. Người dân tham gia khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế sẽ được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán mà không phải tự đi mua thuốc, vật tư như thời gian gần đây.
Tuy nhiên, lãnh đạo ngành y tế các địa phương vẫn còn nhiều băn khoăn khi triển khai quy định mới.
"Cái nhỏ nhất cũng phải kê khai giá"
Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hoài Nam đánh giá hai văn bản của Chính phủ giúp giải quyết tới 80-90% vấn đề mua sắm trang thiết bị y tế của các bệnh viện.
Nghị quyết 30 đã gỡ khó khăn cho các bệnh viện khi thanh toán BHYT đối với các dịch vụ thực hiện bằng "máy đặt, máy mượn". Tuy nhiên, đại diện Sở Y tế TP.HCM kiến nghị cần sớm đưa nội dung này vào luật, không thể để vướng mắc thanh toán như thời gian qua khiến bệnh viện hoang mang.
Cùng đó, theo ông Nam, “giờ cái nhỏ nhất cũng phải kê khai giá” vì thế sở này kiến nghị Bộ Y tế sớm ban hành danh mục trang thiết bị phải kê khai.
Ông Trịnh Hữu Hùng, Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa, đề xuất cần có cơ chế, quy định "dài hơi", không để hết năm 2023 các bệnh viện lại "rối bời" trong mua sắm. Một số máy móc, hóa chất độc quyền, chỉ có 1-2 doanh nghiệp cung ứng, nên bỏ đấu thầu mà hướng tới việc đàm phán giá.
Trong khi đó, đại diện ngành y tế Quảng Ninh đề nghị Bộ Y tế, các bộ hướng dẫn cụ thể, tình huống nào là cấp bách trong đơn vị y tế. Việc không có thuốc, vật tư y tế cấp cứu được coi là cấp bách chưa vì liên quan đến chỉ định thầu, chỉ định thầu rút gọn. Nếu không, dù các văn bản thông suốt, việc mua sắm cũng sẽ mất 3-6 tháng, thậm chí lâu hơn nếu doanh nghiệp không hỗ trợ.
Một số ý kiến cũng băn khoăn việc dù đã gỡ khó yêu cầu "3 báo giá" nhưng cần cẩn thận với tình huống doanh nghiệp cung cấp báo giá sát với giá nhập hay không? Nếu năm sau cơ sở cung cấp không trúng thầu hóa chất thì hệ thống máy cũ có được chuyển đến cơ sở khác để tái sử dụng?
Khó khăn không thể giải quyết ngay, cần làm từng bước
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh Nghị định 07 và Nghị quyết 30 được Chính phủ ban hành có ý nghĩa quan trọng, căn cơ, bước đầu tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, giải quyết tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế của các cơ sở.
"Những khó khăn, vướng mắc không thể giải quyết triệt để ngay mà cần làm từng bước", ông Tuyên cho biết. Theo vị lãnh đạo này, mục đích cuối cùng và xuyên suốt là không được để thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế. "Dù khó khăn thế nào cũng phải khắc phục bằng được. Có thể thiếu thuốc này nhưng có thuốc khác thay thế hoặc thiếu trang thiết bị này thì có loại khác", ông Tuyên nhấn mạnh.
Về lâu dài, các bộ, trong đó có Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phải tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện về thể chế. Một số văn bản phải hướng dẫn ngay trong năm 2023, đồng thời phải tiếp tục góp ý để hoàn thiện Luật Đấu thầu, Luật Giá, trong đó có những điểm phải thể hiện đặc thù trong công tác quản lý của ngành y tế.
Đồng thời, việc cấp số đăng ký lưu hành cũng cần đẩy nhanh. Theo lộ trình, dự kiến đến tháng 9, Bộ Y tế sẽ trình Chính phủ kế hoạch xây dựng Luật Trang thiết bị y tế.