Nhận định được ông Nguyễn Trường Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin y tế quốc gia (Bộ Y tế), đưa ra khi trao đổi với VietNamNet bên lề Hội nghị Hội nghị tổng kết, đánh giá các hoạt động chuyển đổi số năm 2023, ngày 10/4.
Ông Nam cho hay "bệnh án điện tử là mắt xích cốt lõi trong chuyển đổi số", giúp bệnh viện quản lý minh bạch, khai thác dữ liệu và phục vụ nghiên cứu khoa học hiệu quả hơn.
Hơn 70 đơn vị bỏ bệnh án giấy chuyển sang điện tử, chưa có bệnh viện hạng đặc biệt nào
Về mạng lưới cơ sở khám chữa bệnh ở Việt Nam, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết Việt Nam hiện có gần 1.500 bệnh viện công lập, khoảng 11.500 trạm y tế, hơn 300 bệnh viện tư nhân, gần 70.000 phòng khám tư. Trong số các bệnh viện có khoảng 135 cơ sở hạng I trở lên.
Vậy nhưng, theo dữ liệu cải cách hành chính từ website Bộ Y tế, đến đầu tháng 4, cả nước mới có hơn 70 cơ sở y tế gồm cả công lập và tư nhân chính thức công bố chuyển từ bệnh án giấy sang bệnh án điện tử. Các bệnh viện công lập mới nhất công bố chuyển sang dùng bệnh án điện tử là Phổi Trung ương, Sản Nhi Vĩnh Phúc, Tâm thần Yên Bái, Đa khoa Móng Cái...
Không nhiều bệnh viện hạng 1, đặc biệt chưa có bệnh viện nào hạng đặc biệt (như Bạch Mai, Việt Đức, Trung ương Thái Nguyên, Trung ương Huế...) chính thức chuyển sang bệnh án điện tử thay thế bệnh án giấy. Ở tuyến Trung ương, mới nhất có Bệnh viện Phổi Trung ương công bố. Hà Nội mới có 5 bệnh viện chính thức công bố trên tổng số hơn 40 bệnh viện công lập trực thuộc (mới nhất là Bệnh viện Đa khoa Hòe Nhai).
Ông Nam cho hay con số hơn 70 bệnh viện trên đây là những nơi đã chính thức công bố bỏ bệnh án giấy. Thực tế, nhiều bệnh viện đang triển khai bệnh án điện tử nhưng chưa công bố do chưa đáp ứng đủ toàn bộ tiêu chí.
Cấu phần của bệnh án điện tử chia thành 3 giai đoạn: (1) Số hóa bệnh án; (2) Các công cụ tạo lập và quản lý dữ liệu; (3) Tạo lập liên thông dữ liệu bệnh án điện tử. Ông Nam cho hay đa phần các bệnh viện đã triển khai phần 1 và 2, nhưng liên thông thì cần nhiều yếu tố như hạ tầng, đòi hỏi đầu tư lớn, cũng là trở ngại để hoàn tất quá trình chuyển đổi sang bệnh án điện tử, bỏ bệnh án giấy.
Đầu tư triển khai bệnh án điện tử cần tối thiểu 10 tỷ đồng
Theo vị này, trung bình mức đầu tư để một bệnh viện tuyến tỉnh (300-500 giường) triển khai bệnh án điện tử là từ 10 tỷ đồng trở lên. Với các bệnh viện lớn như Bạch Mai, Việt Đức, kinh phí này lớn hơn rất nhiều. Việc đầu tư này phục vụ cho hạ tầng, triển khai các phần mềm bổ trợ như PACS (hệ thống lưu trữ và truyền hình ảnh y khoa), HIS (quản lý bệnh viện), LIS (quản lý xét nghiệm) và các phần mềm trong bệnh viện để liên thông, đồng bộ với nhau.
Nếu việc đầu tư triển khai theo từng giai đoạn, lộ trình, chi phí sẽ giảm, thay vì mức đầu tư "một cục" trước đây.
Vì thế, cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế đã đề xuất sửa đổi bổ sung một số điều trong Thông tư 46 quy định về hồ sơ bệnh án điện tử, dự kiến trong tháng 4-5 sẽ ban hành. Theo đó, ngoài đề xuất lùi thời hạn lộ trình hoàn thành, một số tiêu chí để bệnh viện công bố chuyển sang bệnh án điện tử cũng được giảm bớt, tạo điều kiện cho bệnh viện thuận lợi trong phê duyệt chủ trương đầu tư cho bệnh án điện tử.
Ông Nam lấy ví dụ chỉ cần hoàn thành các bước số hóa hoặc tiêu chí công cụ tạo lập và quản lý dữ liệu, bệnh viện có thể công bố triển khai bệnh án điện tử, thay vì phải hoàn tất 3 giai đoạn như trước.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế năm 2024, bắt buộc phải tập trung thực hiện và có kết quả tốt hơn. Bộ trưởng Lan đặc biệt quan tâm đến vấn đề thể chế, nâng cao nhận thức, rà soát xác định những rào cản, khó khăn.
"Có phải thủ trưởng đơn vị là rào cản hay không? Khi chúng tôi họp về chuyển đổi số, thủ trưởng đơn vị nào quan tâm về vấn đề này hỏi là biết ngay. Nhưng nhiều người không trả lời được, nghĩa là từ nhận thức đến chỉ đạo, triển khai thực hiện còn kém", bà Lan nói.
Liên quan đến bệnh án điện tử, lãnh đạo Trung tâm Thông tin y tế quốc gia cũng nhìn nhận thẳng thắn ngoài trở ngại về kinh phí đầu tư, vấn đề nhận thức, quyết tâm của không ít lãnh đạo bệnh viện về chuyển đổi số, bệnh án điện tử vẫn chưa chuyển biến.
Thực tế, triển khai bệnh án điện tử, quy trình, các bước trong khám chữa bệnh sẽ bị thay đổi, thời gian đầu triển khai có thể sẽ tăng thêm việc cho bác sĩ. Hơn nữa, vì liên quan nguồn đầu tư, bệnh án điện tử đâu đó sẽ có những trở ngại.
"Nhiều giám đốc bệnh viện băn khoăn khi đầu tư triển khai do văn bản quy định nhiều vướng mắc, chồng chéo, khi triển khai đâu đó e ngại rủi ro về mặt pháp lý, vì thế lãnh đạo bệnh viện e dè, chưa dám thực hiện. Không ít người cho rằng 'thôi chúng tôi đang triển khai như cũ vẫn thấy ổn mà, có sao đâu'. Khi nhận thức chưa chuyển biến thì hành động chưa thể thực hiện được”, ông Nam nói.