Thông tin được TS Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ, Bộ Y tế đưa ra tại Hội thảo phổ biến và lập kế hoạch triển khai các can thiệp nhằm giảm tử vong mẹ, tử vong trẻ em và trẻ sơ sinh, ngày 8/12. Việt Nam xác định đến năm 2030 giảm tỷ suất tử vong trẻ dưới 5 tuổi xuống dưới 15‰.
Tuy nhiên, tương tự các nước thu nhập thấp và trung bình khác, tại nước ta, can thiệp nhằm mục tiêu giảm tử vong trẻ em đang gặp một số thách thức lớn. Đó là sự khác biệt về tình trạng sức khỏe và tử vong trẻ em giữa các vùng miền, tử vong sơ sinh giảm chậm và nguy cơ một số dịch bệnh bùng phát trở lại.
Cụ thể, tỷ lệ tử vong mẹ có sự chênh lệch giữa các vùng miền và nhóm dân tộc. Trong đó, tử vong mẹ ở vùng 3 gấp 3,5 lần vùng 1, tỷ lệ tử vong mẹ ở người dân tộc H'Mông cao gấp 7-8 lần dân tộc Kinh, Tày. Nguyên nhân phổ biến nhất là băng huyết (chiếm 52%).
TS Trần Đăng Khoa phân tích thách thức đặt ra hiện nay là tử vong mẹ tăng do nguyên nhân gián tiếp như các bệnh không lây nhiễm, tình trạng trầm cảm khi mang thai và sau sinh, bệnh di truyền, chuyển hóa dị tật bẩm sinh, suy dinh dưỡng thấp còi ở miền núi và béo phì ở thành thị.
Ngoài ra, tình trạng dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi cũng được cải thiện rõ rệt giai đoạn 2010-2020, từ 17,5% giảm xuống còn 11,5%.
Thời gian tới, theo đại diện Bộ Y tế, nước ta lựa chọn các can thiệp nhằm giảm hơn nữa tử vong mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em phù hợp với điều kiện và yếu tố văn hóa của từng tỉnh, tập trung cho đối tượng ưu tiên.
Đồng thời, gắn kết chương trình sức khỏe sinh sản với các chương trình liên quan như dân số, HIV/AIDS, tiêm chủng mở rộng, dinh dưỡng, y tế dự phòng. Bên cạnh đó, phối hợp liên ngành, gắn với các chương trình xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và cuối cùng là truyền thông nâng cao nhận thức của người dân.
Ngoài ra, ngành y tế cũng chú trọng xây dựng tiêu chí về nhân lực sản/nhi theo dân số/giường bệnh và chính sách thu hút cán bộ y tế lĩnh vực này cho các tỉnh miền núi nhằm xóa dần khoảng cách giữa các vùng miền.