Chưa bao giờ những quả dâu tây hana chín đỏ, căng mọng trồng ở Mộc Châu đổ về Hà Nội nhiều như thời điểm hiện tại. Loại trái cây này đang "nhuộm đỏ" chợ mạng với nhiều mức giá khác nhau, hàng siêu vip lên tới gần 1 triệu đồng/kg.
Đắt ngang ngửa hàng cao cấp nhập ngoại
Việt Nam có lợi thế về sản xuất các loại trái cây với sản lượng hơn chục triệu tấn mỗi năm. Lượng trái cây này không những phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa mà còn xuất khẩu sang nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ. Năm 2022, riêng xuất khẩu trái cây tươi thu về gần 2,1 tỷ USD.
Trên thị trường, trái cây Việt được bày bán ê hề sạp chợ, siêu thị, "phủ sóng" khắp các chợ online lớn nhỏ. Mặt bằng chung, giá trái cây Việt tương đối bình dân, thậm chí có thể điểm còn "rẻ như rau". Ví như ở Vĩnh Long, cam sành đang vào vụ thu hoạch nhưng rớt giá còn 2.000-3.000 đồng/kg. Theo đó, nhiều nơi phải treo biển bán "giải cứu" loại quả này với giá 8.000-10.000 đồng/kg.
Song, cũng là trái cây Việt nhưng được nhà vườn trồng bán tại thị trường nội địa với giá vô cùng đắt đỏ, bởi là hàng cao cấp, hàng Vip.
Một cửa hàng trái cây ở Hai Bà Trưng (Hà Nội) bán hơn chục loại trái cây Việt. Nhân viên bán hàng cho biết, các loại trái cây này đều là hàng loại A hoặc hàng Vip nên giá đắt đỏ hơn rất nhiều so với mức giá bán tại chợ và siêu thị.
Đơn cử, vú sữa hoàng kim trên thị trường loại phổ thông giá dao động từ 100.000-150.000 đồng/kg, nhưng hàng Vip lên tới 255.000 đồng/kg. Hay như xoài Cát Hòa Lộc có giá gần 200.000 đồng/kg, chanh leo vàng Vip 150.000 đồng/kg, chôm chôm nhãn 155.000 đồng/kg...
Cũng theo nhân viên cửa hàng này, tất cả các loại trái cây Vip bán tại cửa hàng đều có quy trình trồng theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc hữu cơ. Khi thu hái, được tuyển trọng kỹ lưỡng từng quả một sao cho chất lượng và mẫu mã bên ngoài 10 quả như cả 10. Không những thế, các loại trái cây này đều được vận chuyển bằng đường hàng không để đảm bảo độ tươi ngon nhất.
Thời điểm này vào vụ thu hoạch dâu tây Sơn La nên loại quả này đang "nhuộm đỏ" thị trường Hà Nội. Vậy nhưng, để thưởng thức được trái dâu Vip thì người tiêu dùng phải chi ra từ 500.000-600.000 đồng/kg. Còn nếu mua vào đầu mùa hoặc cuối vụ thu hoạch, dâu Vip còn có giá trên dưới 1 triệu đồng, đắt hơn cả dâu Hàn Quốc đang bán tại Việt Nam.
Hay loại na sầu riêng cũng được một số cửa hàng rao bán với giá 500.000 đồng/kg. Loại na này được một số nhà vườn trồng ở Sơn La. Một quả na sầu riêng có trọng lượng từ 1-2,5kg (khoảng 500.000 đến 1,25 triệu đồng/quả), ngang ngửa giá na Đài Loan cùng loại.
Luôn "cháy hàng"
Anh Đinh Mạnh Khương - đầu mối bán trái cây cao cấp tại Cần Thơ, cho biết, trái cây cao cấp hay hàng Vip đều có phân khúc thị trường riêng. Những năm vừa qua, ở phân khúc này, anh thường làm mặt hàng sầu riêng Musang King và mít ruột đỏ.
Với sầu riêng Musang King, anh bán hàng chín rụng tự nhiên trồng theo chuẩn VietGAP, quả phải đủ 5 hộc múi, trọng lượng dao động từ 2-3,5kg với giá lên tới 800.000 đồng/kg. Tính ra, một quả sầu loại này giá từ 1,6-2,8 triệu đồng, đắt như mua các loại trái cây Nhật Bản.
Trong khi đó, mít ruột đỏ chuẩn xịn nếu bóc múi bán có giá 250-300 nghìn đồng/kg, đắt gấp 4-5 lần giá mít Thái bóc múi trên thị trường.
Theo anh Khương, cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao nên nhu cầu về trái cây ngon, chất lượng cũng tăng theo. Với những mặt hàng trái cây cao cấp, họ không chỉ mua ăn mà còn để làm quà biếu tặng. Do đó, trái cây Vip dù giá đắt nhưng lại rất dễ bán, thậm chí còn luôn trong tình trạng cung không đủ cầu, khách "xếp hàng" chờ mua.
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, cho rằng, ở bất cứ thị trường nào đều được chia thành những phân khúc khác nhau, từ bình dân đến cao cấp. Những người có điều kiện về kinh tế luôn muốn trải nghiệm những loại trái cây mới lạ, ngon, chất lượng đảm bảo và mẫu mã đẹp. Bởi họ không chỉ ăn mà còn mua làm quà biếu tặng.
Điều này có thể thấy được qua sự thay đổi của trái cây Trung Quốc có bán tại thị trường Việt Nam, từ món hàng giá rẻ nay thành hàng phục vụ phân khúc cao.
Ông nhận định, phân khúc thị trường cao cấp còn nhiều tiềm năng, nhưng ở nước ta chỉ có một vài doanh nghiệp liên kết sản xuất nhắm vào mảng này, nguồn cung vẫn còn hạn chế. Do đó, trái cây cao cấp nhập khẩu chiếm thị phần áp đảo.
Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan cũng cho rằng tiềm năng của ngành hàng trái cây Việt Nam còn rất lớn, đặc biệt là ở phân khúc cao cấp. Thay vì chạy đua sản lượng, phải chuyển sang cuộc đua gia tăng giá trị. Mỗi loại trái cây phải là một ngành hàng có chiến lược phát triển, đáp ứng tiêu chuẩn của từng thị trường. Ở đó, phải xác định không chỉ bán ăn tươi mà còn đưa vào chế biến sâu, làm quà biếu tặng. Theo ông, đây là những bước để gia tăng giá trị cho trái cây Việt Nam trong những năm tới.