Quan sát các mẫu ô tô đang bán trên thị trường, người dùng sẽ nhận thấy vật liệu sử dụng cho trần xe sẽ thường là vải nỉ, một số xe cao cấp được bọc da cao cấp hoặc da tổng hợp. Lý do được các nhà sản xuất ô tô sử dụng vải nỉ một cách phổ biến vì vật liệu này thường có giá thành rẻ, có khả năng tiêu âm và chống nóng hiệu quả.
Nhưng vải nỉ lại là vật liệu dễ bám bẩn và lưu giữ mùi, nhanh cũ theo thời gian và khó vệ sinh, khiến cho nội thất xe mất thẩm mỹ. Điều này phần nào ảnh hưởng đến giá trị bán lại khi chủ xe có nhu cầu chuyển nhượng sau một thời gian sử dụng.
Với những người dùng mua xe để chạy dịch vụ, việc giữ nội thất luôn mới sẽ giúp khả năng thanh khoản sau khi đã thu hồi vốn. Vì vậy, đại đa số chủ xe chạy dịch vụ đã lựa chọn cách bọc nilon trần xe ngay từ khi mới mua. Những người mua xe với mục đích sử dụng gia đình rất hiếm khi làm điều này.
Hiện tại, ngoài nilon, người dùng có thể lựa chọn nhiều chất liệu khác như simili (da nhân tạo), da PU hoặc da lộn. Tuy nhiên, bọc trần nilon vẫn là sự lựa chọn nhiều nhất của các chủ xe chạy dịch vụ.
Vậy tại sao nilon lại được nhiều người lựa chọn để bọc trần xe. Đơn giản vì giá bọc trần xe bằng nilon là rẻ nhất trong các vật liệu bọc trần. Giá bọc nilon trần xe khoảng từ 300.000 – 500.000 đồng, tuỳ dòng xe 4 hay 7 chỗ.
Tiếp đó, nilon không hút nước nên chống ẩm rất tốt, đồng thời chống bám bẩn và chống bám mùi nên dễ dàng vệ sinh chỉ với một chiếc khăn ẩm.
Cuối cùng là do chỉ phủ bọc lớp nilon lên lớp nỉ nên gần như không làm ảnh hưởng đến lớp nỉ nguyên bản của trần xe. Vì vậy, trần xe có thể về "zin" một cách nhanh chóng và dễ dàng.
Thế nhưng, bên cạnh những ưu điểm trên, việc bọc nilon cho trần xe cũng gây ra một số nhược điểm. Nhiều chủ xe ô tô đã bọc trần xe nilon cho biết tiếng ồn bên trong xe nhiều hơn khi để nguyên bản, người ngồi trong cảm nhận rõ ong ong ở bên tai hoặc ù tai, gây khó chịu cho cả hành khách lẫn người lái xe.
Nguyên nhân là do nilon vốn dĩ đã có khả năng tiêu âm kém, trong khi bề mặt nilon bọc dãn căng giống như một lớp màng rung nên dễ gây ra hiện tượng dội âm thay vì tiêu âm.
Bên cạnh đó, trần xe thường được uốn cong dạng mái vòm nên khi bọc, nilon sẽ không thể ôm sát vào trần xe ảnh hưởng đến độ thoáng của trần xe. Ngoài ra, nilon là vật liệu dễ rách, vì thế nếu vô tình để vật sắc nhọn đâm vào thì chủ xe sẽ phải mang xe đi bọc lại từ đầu.
Hiện tại, có khá nhiều gara ô tô tư nhân cung cấp dịch vụ bọc nilon trần xe, tuy nhiên với những người có kinh nghiệm sử dụng xe lâu năm, phương pháp này không được khuyên dùng.
Ngô Minh
Bạn có bình luận thế nào về việc có nên bọc nilon trần xe? Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!