Cuối năm 2023, Ngọc Trâm (24 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) đăng tải một video với dòng chú thích “Tại sao tôi nghỉ việc?” lên nền tảng TikTok. Clip nhanh chóng thu về hơn 300.000 lượt xem.
Video này tổng hợp hình ảnh chụp màn hình cuộc trò chuyện, tin nhắn thoại giữa cô và kế toán của công ty cũ về vấn đề lương thưởng.
Sau khi thôi việc, Ngọc Trâm không nhận được đầy đủ lương tháng cuối cùng. Liên hệ với kế toán, cô mới biết mình bị phạt đi làm muộn, vi phạm một số nội quy tại văn phòng.
Trâm bức xúc vì không được thông báo về quy chế xử phạt, thời gian áp dụng một cách rõ ràng. Khi cuộc trao đổi không đem lại kết quả thoả đáng, cô quyết định ghi lại bằng chứng, đăng tải lên mạng xã hội để vạch trần doanh nghiệp cũ.
“Tôi không chỉ đòi quyền lợi cho bản thân mà còn lên tiếng để ngăn chặn tình huống tương tự xảy ra với đồng nghiệp cũ - những người vẫn còn làm việc ở công ty này”, Trâm chia sẻ.
Theo một báo cáo được tổ chức nghiên cứu Gallup thực hiện vào năm 2023, 1/5 người lao động quyết định công khai thông tin nghỉ việc, làm lớn chuyện khi rời khỏi công ty cũ. “Loud quitting” (nghỉ việc ồn ào) là thuật ngữ chỉ hiện tượng nhân sự lên tiếng vạch trần, tố cáo doanh nghiệp sau khi thôi việc.
Xu hướng này trái ngược với “quiet quitting” (nghỉ việc trong im lặng). Các lý do chính dẫn đến loud quitting là môi trường làm việc bất công, chế độ đãi ngộ kém hay mâu thuẫn nơi công sở. Sự mâu thuẫn, thiếu gắn kết tại văn phòng khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại 8,8 nghìn tỷ USD, Forbes đưa tin.
Muôn kiểu ‘bóc phốt’
Sau khi clip của Ngọc Trâm thu hút sự chú ý, được chia sẻ nhanh chóng trên mạng xã hội, cô lập tức nhận được cuộc gọi của lãnh đạo cũ. Sếp cũ yêu cầu cô gỡ video, tránh gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của doanh nghiệp.
Trâm cương quyết chỉ xóa bài đăng “bóc phốt” sau khi cấp trên có hướng xử lý phù hợp. Cô nhanh chóng được mời đến văn phòng giải quyết khúc mắc về khoản nộp phạt trong tháng làm việc cuối.
Kết thúc cuộc trao đổi kéo dài 1 tiếng đồng hồ, Trâm được hoàn 50% số tiền phạt đã bị trừ thẳng vào lương. Giữ đúng lời hứa, cô gỡ clip trên trang cá nhân, cắt đứt mối quan hệ với công ty cũ.
“Nếu tôi không công khai sự việc trên, đơn vị công tác cũ sẽ không giải quyết nhanh chóng, thậm chí có thể để vấn đề này chìm vào quên lãng”, nhân viên văn phòng 24 tuổi nói.
Tương tự Ngọc Trâm, Thanh Bình (23 tuổi, quận Phú Nhuận, TP.HCM) cũng từng công khai nói xấu công ty cũ trên mạng xã hội. Cụ thể, Bình đăng tải bài viết chia sẻ về mối quan hệ “cơm không lành, canh không ngọt” với quản lý cũ trong một hội nhóm có hơn 500.000 thành viên.
Theo bài đăng này, sếp cũ của Bình nhiều lần gây khó dễ cho cô trong công việc, luôn chỉ trích cô trước mặt đồng nghiệp khác, trong cuộc họp chung. Thậm chí, quản lý còn sử dụng một số từ ngữ nặng nề, khiếm nhã khi nhắn tin cho Bình.
Nhân sự này chụp lại màn hình các cuộc trò chuyện, gạch chân các từ ngữ không đúng mực, công khai lên mạng xã hội. Chỉ sau một đêm, bài viết của Bình nhanh chóng thu về hơn 1.000 lượt thích và gần 200 bình luận.
Phần lớn người dùng mạng xã hội đồng cảm với Thanh Bình. Một số cũng chia sẻ câu chuyện cá nhân, hoàn cảnh tương tự của bản thân dưới phần bình luận.
“Tôi đã chịu đựng sự chèn ép này trong hơn 1 năm. Đây là việc đầu tiên tôi quyết định làm khi nghỉ việc”, Bình tâm sự.
Lãnh đạo lo lắng, HR ái ngại
Liên tục đọc những bài “bóc phốt” công ty cũ trên mạng xã hội, Trung Đức (31 tuổi, quận Hoàng Mai, Hà Nội), founder của một start-up lưu trú, lo ngại tình huống tương tự xảy ra với doanh nghiệp của mình.
Theo Đức, mâu thuẫn nội bộ, khúc mắc liên quan đến lợi ích cá nhân là những vấn đề không thể tránh khỏi trong một tổ chức. Mới điều hành công ty riêng trong gần 2 năm, anh thừa nhận chưa có nhiều kinh nghiệm xử lý, có thể vô tình khiến nhân viên ấm ức khi rời đi.
“Tôi luôn nỗ lực trao đổi trực tiếp, đàm phán với các bạn, nhưng không thể đảm bảo đưa ra cách giải quyết hợp ý nhân sự 100%”, Đức chia sẻ.
Trung Đức cho rằng trong kỷ nguyên số, thông tin có thể truyền đi nhanh chóng, công chúng không cần xác thực nguồn tin. Vì vậy, những bài đăng bêu xấu công ty cũ dễ dàng làm biến tướng hình ảnh mà doanh nghiệp nỗ lực xây dựng trong thời gian dài.
Điều này cản trở các tổ chức chiêu mộ ứng viên mới, khiến nhân sự đến sau có cái nhìn sai lệch về môi trường làm việc.
Ngoài ra, nếu những tranh chấp lớn diễn ra dẫn đến kiện tụng, công ty có khả năng mất uy tín nặng nề, gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh, tiếp cận đối tác, khách hàng mới.
Từ phía bộ phận nhân sự, chuyên viên HR Minh Hà (27 tuổi, quận 8, TP.HCM) cho biết luôn phải “làm dâu trăm họ”, đứng giữa lãnh đạo và nhân viên. Cô là người làm biên bản bàn giao, giải quyết lương thưởng, gói trợ cấp thôi việc cho nhân sự rời đi.
Đối với một số trường hợp bị sa thải, Hà dành nhiều thời gian, công sức để xử lý hồ sơ, tránh gây thêm bức xúc cho người lao động. “Tôi dành nguồn lực cho việc sa thải tương đương với khâu tuyển dụng”, chuyên viên HR 27 tuổi nói.
Khi tiến hành tuyển dụng nhân sự mới, Minh Hà cũng nghiên cứu kỹ hồ sơ, kiểm tra các kênh thông tin của ứng viên. Nếu nhận thấy ứng viên từng “nói xấu” công ty cũ trên mạng xã hội, cô lập tức đưa vào danh sách đen bất kể mức độ phù hợp với vị trí trống.
Hà cho rằng các đối tượng này có khả năng cư xử tương tự ở môi trường làm việc mới, tạo ra rắc rối cho doanh nghiệp.
Theo Forbes, hành động nói xấu tổ chức cũ một cách công khai gây ra nhiều bất lợi cho người lao động. Họ có khả năng gặp khó khăn khi tìm kiếm công việc mới, mất đi nhiều mối quan hệ.
Ở phía doanh nghiệp, Lindsay Witcher, giám đốc điều hành toàn cầu của công ty cung ứng việc làm Randstad RiseSmart (Mỹ), chia sẻ với Financial Times rằng các doanh nghiệp đang nỗ lực hạn chế rủi ro về uy tín khi thực hiện quy trình sa thải.
Cung cấp gói trợ cấp thôi việc phù hợp, giúp nhân sự tìm việc mới là những nỗ lực đáng ghi nhận, mang lại lợi thế cho công ty. Việc sa thải một cách cẩu thả không chỉ tác động xấu đến người lao động rời đi mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của những nhân viên ở lại.
Theo Znews