Nông dân đổi đời thành tỷ phú
Những ngày giữa tháng 5, hầu như sân nhà nào ở xã Đào Thịnh (Trấn Yên, Yên Bái) cũng phơi đầy những khoanh vỏ quế tươi lớn nhỏ. Còn trên khắp vườn đồi, đâu đâu cũng bắt gặp hình ảnh người tỉa lá, người bóc vỏ, người chặt cành, người cưa cây quế… Quế nơi đây đang vào vụ thu hoạch.
Chị Trần Thảo Dược ở xã Đào Thịnh kể, hơn chục năm về trước, chị cũng như hầu hết người dân trong thôn chỉ trồng sắn và lúa nương. Vậy nên, năm nào gia đình chị cũng lâm vào cảnh thiếu đói. Cho đến một ngày, thấy một ông lão trong thôn trồng quế, bóc vỏ bán được tiền triệu, chị và những hộ gia đình khác học theo, rủ nhau đi vay tiền mua cây quế giống về trồng.
Đến nay, diện tích trồng quế của gia đình chị Dược đã lên tới 10 ha, luân phiên mỗi năm thu hoạch trắng 1 ha và trồng lại lứa mới. Với 9 ha khác chưa đến kỳ thu hoạch trắng thì thu hoạch tỉa.
Với giá quế cao ngất ngưởng từ năm 2020 đến nay, mỗi héc ta quế thu hoạch trắng, chị đút túi 450-500 triệu đồng. Còn diện tích quế đang thời kỳ sinh trưởng, chị thu từ tỉa cành cũng được 60-70 triệu đồng/năm.
Từ khi trồng quế đến nay, giá quế liên tục tăng. Năm 2000, giá vỏ quế tươi chỉ 1.700 đồng/kg thì nay đã tăng lên 25.000 đồng/kg, vỏ quế khô không nạo vỏ được thu mua tới 60.000 đồng/kg. Thậm chí, đến lá quế cũng được thu mua với giá 1.800 đồng/kg. Từ khi trồng quế, nhìn đâu cũng thấy tiền, chị Dược hào hứng khoe.
Lão nông Nguyễn Trí Tuệ - Phó chủ nhiệm HTX quế Đào Thịnh - chia sẻ, sau khi xuất ngũ năm 1993, ông trở về quê hương mạnh dạn trồng trên 2.000 cây quế. Vừa làm vừa mở rộng diện tích, đến nay, gia đình ông sở hữu 20ha quế, mỗi năm cho thu nhập gần 1 tỷ đồng.
Với diện tích quế lớn, chính quyền xã Đào Thịnh khuyến khích người dân thành lập các tổ hợp tác, HTX, liên kết theo chuỗi giá trị giữa người dân với doanh nghiệp để đầu ra cho sản phẩm được ổn định, góp phần đưa thương hiệu quế Đào Thịnh vươn xa.
Từ năm 2017, được sự giúp sức từ Dự án Thương mại sinh học vùng (BioTrade) và doanh nghiệp chế biến quế, ông Tuệ đứng ra thành lập HTX Quế Đào Thịnh để làm đầu mối liên kết nông dân chuyển hướng sang canh tác quế theo quy trình hữu cơ. Doanh nghiệp cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm.
Quế được thu mua về sẽ phân loại, sơ chế thành 12 loại sản phẩm như: quế điếu thuốc, quế ống điếu, quế tăm, bột quế, tinh dầu quế… Những sản phẩm này được xuất khẩu sang Ấn Độ, các nước Trung Đông, một số thị trường cao cấp như Mỹ, EU và Nhật Bản, ông Tuệ cho hay.
Theo ông Phạm Văn Tiến, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đào Thịnh, hầu hết những người dân trồng quế ở xã đều đã thoát nghèo, có của ăn của để. Xây nhà, tậu xe.
Cây quế hiếm khi bị sâu bệnh nên trồng quế khá nhàn. Chúng còn quý ở chỗ có thể cho thu hoạch toàn thân, trừ rễ. Tính theo giá bán quế 3 năm gần đây thì 1ha quế 3-5 năm tuổi cho thu từ 40-50 triệu đồng/năm/ha, quế từ 6-7 tuổi thu được 70-80 triệu đồng/ha, cây quê 8 tuổi thu về hơn 100 triệu đồng/ha, 12-13 tuổi thu được 500-700 triệu đồng.
Nhờ vậy, ở Đào Thịnh bây giờ hàng trăm hộ dân từ nghèo đói đã trở thành tỷ phú, ông Tiến thông tin.
Chinh phục thị trường Mỹ, EU
Đào Thịnh không chỉ là xã sở hữu nhiều diện tích quế hữu cơ nhất tỉnh Yên Bái (800 ha), mà ở đây còn hình thành chuỗi liên kết sản xuất bền vững.
Theo Nguyễn Thị Huyền, Tổng giám đốc Công ty Vinasamex, do có chất lượng tốt nên sản phẩm quế hữu cơ được rất nhiều nước châu Âu như Hà Lan, Đức, Ý,... ưa chuộng.
“Khi chúng tôi tham dự những hội chợ quốc tế đầu tiên, khách hàng EU thậm chí không tin rằng Việt Nam có quế, chứ đừng nói tới quế hữu cơ. Các đối tác lớn đều nghĩ rằng chỉ Ấn Độ, Trung Quốc mới trồng được quế, hồi”, bà Huyền kể.
Thế nhưng, thời điểm này, sản phẩm quế đã chinh phục được nhiều thị trường cao cấp như EU, Mỹ, Nhật Bản… Để cung ứng đủ sản phẩm cho các khách quốc tế, doanh nghiệp của bà đang liên kết sản xuất và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho hơn 15.000 hộ nông dân. Họ tuân thủ chặt chẽ quy trình sản xuất hữu cơ với nhiều tiêu chuẩn nghiêm ngặt, vùng nguyên liệu của công ty không sử dụng phân bón hóa học, thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu.
Chia sẻ về ngành quế, ông Võ Kim Cương - chuyên gia của Dự án "Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch" (GREAT), cho rằng, cùng với hỗ trợ về quảng bá thương mại quế, thị trường châu Âu đã biết đến quế Việt Nam, từ đây nhiều doanh nghiệp đã xuất khẩu thẳng vào châu Âu thay vì xuất sang Ấn Độ và Trung Quốc.
Giới tiêu dùng và các doanh nghiệp đối tác thương mại tại châu Âu nhanh chóng nhận ra sản phẩm quế của Việt Nam có chất lượng vượt trội so với quế Trung Quốc và Indonesia nên trả giá cao hơn.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, diện tích quế ở Việt Nam hiện vào khoảng 150.000ha, chiếm 17% diện tích quế toàn cầu.
Trữ lượng vỏ quế Việt Nam ước khoảng 0,9-1,2 triệu tấn, sản lượng thu hoạch bình quân 70.000-80.000 tấn/năm. Giá trị xuất khẩu quế hồi của Việt Nam năm 2020 đạt 245,4 triệu USD, năm 2021 đạt khoảng 291,8 triệu USD.
Sản phẩm quế Việt Nam được tiêu thụ ở rộng khắp các thị trường như Mỹ, EU, Trung Đông, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ… Riêng tại Ấn Độ, 80% sản lượng quế nhập khẩu của nước này đến từ Việt Nam.
Chu Khôi
Mô hình trồng quế hữu cơ, quế sạch đã giúp bà con đồng bào dân tộc người Dao ở xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên thoát nghèo, có nguồn thu ổn định lên tới hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng mỗi năm.