Ông Võ Trung Trực - Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM (TN&MT TP.HCM) cho biết, thời gian tới, khi dự án Bồi thường hỗ trợ tái định cư thuộc dự án Vành đai 3 TP.HCM được phê duyệt thì 4 địa phương (gồm TP Thủ Đức và 3 huyện Bình Chánh, Hóc Môn và Củ Chi) sẽ đồng loạt ban hành thông báo thu hồi đất.
Tuyến đường Vành đai 3 trên địa bàn TP.HCM dài khoảng 47,51 km, đi qua 4 địa phương với diện tích đất chiếm dụng 397,3ha, số hộ bị ảnh hưởng khoảng 1.670 trường hợp. Trong đó, số trường hợp có nhà đất bị giải tỏa trắng là 663 trường hợp gồm số trường hợp đủ điều kiện tái định cư khoảng 410 và không đủ điều kiện tái định cư khoảng 253.
Về việc bồi thường, ngoài căn cứ vào loại đất, tới đây TP.HCM cũng xét vị trí đất để đưa ra mức giá đền bù thỏa đáng cho người dân.
"Chẳng hạn cùng một loại đất ở hoặc đất nông nghiệp thì căn cứ theo 4 vị trí để đưa ra mức giá đền bù cho phù hợp. Nếu thửa đất ở mặt tiền đường thì giá bồi thường sẽ cao hơn nơi không có đường đi"- ông Trực chia sẻ.
Hiện tại, các quận huyện đã dự toán lại giá bồi thường, hỗ trợ tái định cư với từng loại đất và theo 4 vị trí. Đối với đất ở sẽ có 4 mức bồi thường theo vị trí. Trong đó, cao nhất là đất ở có vị trí mặt tiền, dự kiến được đền bù gần 13,7-40,1 triệu đồng mỗi mét vuông (triệu đồng/m2). Các khu vực khác xa đường giá 5,1-8,9 triệu đồng/m2.
Riêng giá bồi thường, hỗ trợ đất nông nghiệp gồm có hai loại là đất trồng cây lâu năm và đất trồng cây hằng năm.
Đối với đất trồng cây lâu năm ở mặt tiền, dự kiến giá đền bù 3,3-8,2 triệu đồng/m2. Nơi không tiếp giáp đường giá 2,3-5,8 triệu đồng/m2.
Đối đất trồng cây hàng năm ở mặt tiền, dự kiến giá đền bù 2,8-7 triệu đồng/m2. Nơi không tiếp giáp đường giá 1,8-5,4 triệu đồng/m2.
"Đây là giá đền bù tạm tính, khi bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, các địa phương cùng đơn vị tư vấn độc lập sẽ thẩm định cụ thể trước khi trình Hội đồng thẩm định giá đất và UBND TP phê duyệt để áp dụng"- ông Trực thông tin thêm.
Theo Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Phan Công Bằng, hiện các địa phương của TP đang tập trung triển khai các công việc tiếp theo phục vụ công tác bồi thường giải phóng mặt bằng như đo đạc, kiểm đếm, điều tra xã hội học, tìm hiểu nguyện vọng của người dân bị ảnh hưởng bởi dự án, công tác tuyên truyền được thực hiện bằng nhiều hình thức.
“TP sẽ lắng nghe, tôn trọng, tạo điều kiện tốt nhất cho bà con ổn định cuộc sống sau khi di dời; chính sách bồi thường sẽ cân bằng giữa lợi ích của người dân và Nhà nước và việc bồi thường bảo đảm công khai, minh bạch.
Thủ tục hành chính sẽ được rút ngắn, giá bồi thường tiệm cận với giá thị trường, ưu tiên tái định cư tại chỗ, có đầy đủ hạ tầng. Dự án Vành đai 3 phấn đấu sẽ là dự án kiểu mẫu về bồi thường, hỗ trợ tái định cư và tổ chức triển khai thi công”- ông Bằng thông tin.
Dự án Vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài khoảng 76,34 km, đi qua địa phận TP.HCM và 3 tỉnh (Đồng Nai, Bình Dương, Long An); được chia thành 8 dự án thành phần vận hành độc lập. Tổng mức đầu tư dự án 75.378 tỷ đồng.
Sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư hồi tháng 6/2022, TP.HCM và 3 tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc làm việc để đẩy nhanh triển khai dự án Vành đai 3.
Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành năm 2026. Đây được xem là tuyến đường chiến lược, ngoài kết nối giao thông còn tạo hành lang đô thị, công nghiệp không chỉ 4 tỉnh thành đi qua mà cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.