Theo hãng tin RT, đây là tuyên bố của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova vào ngày 8/7.
Bà Zakharova nhận định việc Mỹ quyết định gửi bom, đạn chùm cho Kiev cho thấy, Ukraine và những nước phương Tây ủng hộ đã “bất lực” trong việc thay đổi tình hình ở tiền tuyến.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga nói thêm, bom chùm không khác gì ngoài “một 'Wunderwaffe' (vũ khí kỳ diệu) khác mà Washington và Kiev đặt cược vào, mà không nghĩ đến những hậu quả nghiêm trọng” khi sử dụng chúng.
Bà Zakharova cáo buộc việc gửi bom, đạn chùm là ví dụ khác về “đường lối tích cực chống Nga” của Mỹ. Cũng theo bà , Washington đang tìm cách kéo dài cuộc xung đột càng lâu càng tốt, và biến nó thành “cuộc chiến đến người Ukraine cuối cùng”.
Ukraine hứa không dùng bom chùm ở Nga
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov cho biết, bom chùm do Mỹ viện trợ sẽ giúp giải phóng lãnh thổ quốc gia, và hứa không sử dụng loại vũ khí này ở Nga.
Theo hãng tin Reuters, ông Reznikov nhận định bom chùm sẽ giúp cứu sống binh sĩ Ukraine. Kiev cũng sẽ ghi lại cẩn thận hoạt động sử dụng bom, đạn chùm, và trao đổi thông tin với các đối tác.
Trước đó, vào ngày 7/7, Mỹ tuyên bố sẽ cung cấp cho Ukraine bom, đạn chùm để Kiev thực hiện cuộc phản công chống lại quân đội Nga. Đây là một phần của gói viện trợ quân sự thứ 42 mà Mỹ gửi cho Ukraine có trị giá 800 triệu USD.
"Quan điểm của chúng tôi rất đơn giản, chúng tôi cần giải phóng các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng tạm thời, và cứu mạng người dân”, ông Reznikov viết trên Twitter hôm 8/7.
"Ukraine sẽ chỉ sử dụng bom chùm để giải phóng các vùng lãnh thổ của chúng tôi được quốc tế công nhận. Những loại vũ khí này sẽ không được sử dụng trên lãnh thổ được công nhận chính thức của Nga”, ông Reznikov cho hay.
Bom chùm hiện bị hơn 100 quốc gia cấm sử dụng. Bom, đạn chùm đã được sử dụng từ Thế chiến thứ Hai, và gây thương vong cho hàng chục nghìn dân thường. Lần gần nhất Mỹ dùng bom, đạn chùm là ở Iraq vào năm 2003.