Mọi con mắt hướng về Bắc Kinh
Theo Bloomberg, Bắc Kinh đã ban hành một loạt hướng dẫn cho China Evergrande Group để tập đoàn này thực hiện nhằm tránh nguy cơ vỡ nợ trái phiếu USD, tập trung vào việc hoàn thành các dự án nhà ở và trả nợ cho nhà đầu tư nhỏ lẻ. Chính quyền Bắc Kinh không đưa ra hướng dẫn nào cụ thể hơn.
Còn Wall Street Journal dẫn nguồn thạo tin cho hay, giới chức địa phương xem những tín hiệu mới nhất từ chính phủ Trung Quốc như một yêu cầu chuẩn bị sẵn sàng cho khả năng xảy ra một “cơn bão”. Chính phủ yêu cầu địa phương chỉ vào cuộc vào phút cuối để ngăn ảnh hưởng lan rộng từ một vụ sụp đổ của Evergrande.
Khi được hỏi trong một cuộc họp giao ban hàng ngày vào hôm thứ tư về liệu Trung Quốc có thực hiện các biện pháp can thiệp hay không, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Zhao Lijian chỉ đề cập đến "các bộ phận có trách nhiệm".
Điều đó cho thấy Bắc Kinh dường như không có nhiều ý định “giải cứu” Evergrande, cho dù một vụ đổ vỡ của công ty này có thể gây ảnh hưởng rộng trong nền kinh tế và trên thị trường tài chính, không chỉ ở Trung Quốc mà còn trên toàn cầu.
Trước đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) và cơ quan giám sát ngân hàng của Trung Quốc đã triệu tập các giám đốc điều hành của Evergrande vào tháng 8 trong một động thái hiếm hoi và cảnh báo rằng họ cần giảm thiểu rủi ro vỡ nợ và ưu tiên sự ổn định.
Evergrande có nguy cơ trở thành "Khoảnh khắc Lehman" của Trung Quốc |
Khoản thanh toán lãi suất trái phiếu bằng USD định kỳ của Evergrande vào ngày 23/9 đã lên tới con số 83 triệu USD. Evergrande đang mắc kẹt với trái phiếu USD trị giá 2 tỷ USD sẽ đáo hạn vào tháng 3/2022. Trái phiếu ngoại tệ thường được nắm giữ bởi các nhà đầu tư nước ngoài.
Tính đến sáng 24/9 theo giờ Châu Á, Evergrande vẫn chưa đưa ra bất kỳ thông báo nào hay nộp bất kỳ hồ sơ nào lên Sàn chứng khoán Hong Kong về việc trả lãi trái phiếu USD.
Theo dữ liệu của Refinitiv Eikon, ngày 29/9, Evergrande sẽ phải thanh toán thêm một khoản lãi suất định kỳ đối với trái phiếu bằng USD kỳ hạn 7 năm. Trái phiếu này sẽ đáo hạn vào tháng 3/2024. Từ nay đến hết năm 2021, Evergrande sẽ trả lãi suất trái phiếu hàng tháng cho nhà đầu tư vào các tháng 10, 11, và 12.
Với hơn 300 tỷ USD nợ phải trả, Evergrande đã trở thành một trong những công ty quan trọng nhất về mặt hệ thống ở Trung Quốc. Ngoài nghĩa vụ đối với các nhà đầu tư và trái chủ, Evergrande còn nợ khoảng 147 tỷ USD các nghĩa vụ thương mại và các khoản phải trả khác cho các nhà cung cấp và đã nhận khoản thanh toán trước đối với các bất động sản chưa hoàn thiện từ hơn 1,5 triệu người mua nhà tính đến tháng 12/2020.
Nhiều khả năng các trái phiếu nội địa định giá bằng đồng nhân dân tệ có thể được ưu tiên nhiều hơn so với trái phiếu đồng ngoại tệ. Trái phiếu ngoại tệ chủ yếu do các tổ chức hoặc nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ, trong khi đó nhà đầu tư nội địa Trung Quốc chủ yếu nắm giữ trái phiếu nội tệ.
Tìm kiếm các giải pháp
Các nhà phân tích của Citi trong nhận định rằng, các cơ quan quản lý có thể kéo dài thời gian về vấn đề cho vay không hiệu quả của Evergrande bằng cách đề nghị các ngân hàng cho vay không rút khỏi khoản cho vay và kéo dài thời hạn trả lãi.
Theo S&P Global Ratings, họ không cho rằng Bắc Kinh sẽ cung cấp bất kỳ hỗ trợ trực tiếp nào cho Evergrande. “Chúng tôi tin rằng Bắc Kinh sẽ chỉ buộc phải can thiệp nếu có một sự lây lan sâu rộng khiến nhiều nhà phát triển lớn đỗ vỡ và gây ra rủi ro hệ thống cho nền kinh tế”, S&P Global Ratings nhận định.
Rủi ro vỡ nợ của Evergrande |
Đánh giá rủi ro, Fitch Ratings nhận định, vỡ nợ của Tập đoàn Evergrande có thể khiến nhiều lĩnh vực chịu rủi ro tín dụng cao hơn, nhưng tác động tổng thể đối với lĩnh vực ngân hàng sẽ có thể kiểm soát được.
Đưa ra các giải pháp, Andrew Collier, Giám đốc điều hành của Orient Capital Research phân tích: “Phải có các cuộc đàm phán về việc tái cấp vốn hệ thống của Evergrande bởi các ủy quyền của Nhà nước. Nếu một phần nợ của Evergrande được phép vỡ nợ, điều đó sẽ gây ra câu hỏi về tất cả các khoản nợ còn lại của họ và Chính phủ sẽ không muốn xảy ra một cuộc khủng hoảng lớn hơn như vậy”.
Nhà kinh tế trưởng Laurence Boone của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết, các nhà chức trách Trung Quốc có đủ khả năng để kiểm soát cuộc khủng hoảng nợ tại nhà phát triển bất động sản Evergrande và mức độ ảnh hưởng rộng lớn hơn nên được hạn chế.
Một số chuyên gia kinh tế tỏ ra bi quan hơn khi cho rằng sự sụp đổ của Evergrande có thể trở thành hiện tượng "Lehman Brothers" của Trung Quốc.
Bảo Anh
Đại gia một thời rơi vào bi đát, cú nổ 9.000 tỷ tụt đáy còn 500 tỷ
Đại gia số 1 trong ngành truyền thông Việt Nam rơi vào thời kỳ khủng hoảng chưa từng có và chưa có tín hiệu hồi phục. Doanh nghiệp tiếp tục lỗ và ở trong diện đáng lo ngại.