Ở Tân Bằng, Cà Mau, cây bồn bồn bây giờ không còn là trồng đại, trồng chơi, mà đã trở thành mô hình kinh tế. Bởi vậy, cách trồng trọt, làm ăn được bà con nông dân tính toán, hoạch định rõ ràng.

Vào mùa nước, bồn bồn thu hoạch nhiều còn tạo việc làm cho những bà con nhàn rỗi nhờ việc nhổ, lột bồn bồn mướn. Mô hình trồng bồn bồn đem lại thu nhập khá cao, trên 100 triệu đồng/năm. Ở ấp sơ sơ cũng có 20 hộ trồng bồn bồn làm kinh tế.

{keywords}
Từ khi đưa cây bồn bồn làm kinh tế, đời sống bà con vươn lên hẳn, có không ít hộ đã thực sự thoát nghèo.

Đất nuôi tôm vỏn vẹn chỉ có 4 công, đất ít, nuôi tôm quảng canh truyền thống thất nhiều hơn thu nên cuộc sống gia đình chưa lúc nào thoát khỏi 2 chữ bẩn chật. Thấy bà con trong vùng trồng bồn bồn có đồng tiền thoải mái, cây bồn bồn không chỉ dễ trồng, dễ chăm sóc mà còn phù hợp với những hộ đất ít nên ông Võ Văn Đức quyết định chọn cây bồn bồn làm mô hình kinh tế chính của gia đình và mạnh dạn khoan cây nước để trữ nước ngọt, trồng bồn bồn quanh năm.

Ông Đức chia sẻ: “Đến nay, tôi chuyển sang trồng bồn bồn đã được 3 năm, sống khoẻ hơn trước nhiều. Ngày nào nhổ là có thu nhập đều đều, vài trăm ngàn đồng. Như mùa hạn này, mỗi ngày nhổ cũng được 20 kg, giá 17 ngàn đồng/kg, cũng được hơn 300 ngàn đồng rồi”.

Nuôi tôm lúc đặng lúc thất. Những năm đầu mới chuyển dịch khi trồng được cây lúa, có rơm rạ làm thức ăn cho tôm, môi trường nước không bị ô nhiễm, người nuôi tôm cũng có được đồng ra đồng vô. Vài năm sau, tình hình nuôi tôm càng khó khăn. Đó cũng là lý do mà anh Đào Văn Sinh quyết định từ bỏ con tôm, trồng bồn bồn làm kinh tế.

Bồn bồn, loại cây đơn sơ, hoang dại vậy mà mùa mưa, trồng xuống đâu là đâm rễ, vươn mình phát triển mạnh mẽ đến đó. Không bao lâu, cánh đồng bồn bồn đã xanh mướt. “Nhìn lại chặng đường qua, tôi thấy quyết định năm xưa là quyết định đúng đắn trong đời. Nếu không có sự mạnh dạn đổi thay ngày ấy thì cuộc sống gia đình tôi làm gì được như hôm nay”, anh Sinh chia sẻ.

Mong muốn làm giàu và khát khao tự thân vươn lên

Cây bồn bồn đã khẳng định hiệu quả, họ lại tính toán làm ăn, hy vọng sẽ có thu nhập cao hơn trên đồng đất quê mình. Nước ngọt - cá đồng, bao đời đã là mô hình sinh thái đặc trưng của vùng đất Cà Mau xa xưa. 

Tận dụng triệt để các cơ hội làm kinh tế, nông dân ấp Tân Bằng còn đang tính toán đến câu chuyện làm kinh tế từ dịch vụ câu cá giải trí. 4 khu trồng bồn bồn, với diện tích 40 ngàn mét vuông, anh Nguyễn Hoàng Thanh thả nuôi các loại cá đồng, chủ yếu là cá lóc, cá bổi. Ban đầu dự định của anh là làm kinh tế từ trồng bồn bồn, khi thấy mô hình này cho thu nhập khá cao.

Qua hơn 1 năm trồng bồn bồn, anh Thanh chợt suy nghĩ: “Hiện nay, nhiều người có sở thích câu cá giải trí, để giảm đi căng thẳng, mệt mỏi sau giờ làm việc, lao động, để thoả đam mê. Thậm chí, có người sẵn sàng bỏ ra bạc triệu để sắm cần câu ưng ý. Vậy tại sao mình có điều kiện sẵn mà không mở dịch vụ để ai có nhu cầu thì tìm đến, còn mình cũng có thu nhập”.

Mỗi người một cách tính, hướng đi riêng, nhưng chung quy lại là họ đều có ý chí vươn lên tự thân thoát nghèo.

Diệu Bình