anh12345 429.jpeg
Tác phẩm Người thầy được viết theo phong cách hiện đại, là truyện nhưng phi hư cấu, về huyền thoại tình báo Quốc phòng Việt Nam, Thiếu tướng Đặng Trần Đức (Ba Quốc). Ảnh: Thanh Trần

Tác phẩm Người thầy (NXB Quân đội nhân dân) được Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh ấp ủ rất lâu nhưng hoàn thành gấp rút trong thời gian ông bị bệnh rồi qua đời.

Nhân vật trung tâm trong Người thầy là ông Ba Quốc, tức Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đặng Trần Đức, một nhà tình báo xuất sắc hội tụ đầy đủ những phẩm chất của một điệp viên "chui sâu, leo cao" hoàn hảo; một nhà chỉ huy có tầm nhìn chiến lược, sắc sảo, quyết liệt và là một người thầy có cá tính đặc biệt, nghiêm khắc nhưng vô cùng nhân văn, sâu sắc.

Với 500 trang khổ lớn, được bố cục thành 7 chương theo phong cách hiện đại, Người thầy không chỉ kể lại những đóng góp quan trọng của ông Ba Quốc đối với ngành tình báo quốc phòng mà còn nói về sự mất mát, hy sinh thầm lặng của cá nhân ông và gia đình. Tác phẩm cũng đem đến cho bạn đọc câu chuyện cuộc đời, những điệp vụ, chiến công của một số nhân vật nổi tiếng, các nhà tình báo lỗi lạc cũng như người chỉ huy trực tiếp và đồng đội "vào sinh ra tử" của tác giả.

Dưới góc nhìn của tác giả, Thiếu tướng Đặng Trần Đức là một người sẵn sàng hy sinh vì đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, hết mình vì nhiệm vụ, nghiêm khắc về công việc nhưng cũng rất đời thường, quan tâm và sâu sát đối với thế hệ trẻ. Với tấm lòng kính trọng, cảm phục về người thầy của mình, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã truyền lửa cho đoàn viên, thanh niên về tình yêu, lý tưởng cách mạng của Thiếu tướng Đặng Trần Đức, về niềm tin đối với thế hệ trẻ của lớp người đi trước.

Tác giả cũng mong muốn Người thầy đến với bạn đọc nói chung, thế hệ trẻ nói riêng như một mảnh ghép rất nhỏ về quá khứ, qua đó hiểu rõ hơn về giá trị của hòa bình.

sach1.jpeg
"Mùa hè không tên" thêu lên một bức tranh về làng quê. Ảnh: NXB Trẻ

Mùa hè không tên (NXB Trẻ) của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có bối cảnh tại làng Đo Đo (Quảng Nam) - nơi tác giả sinh ra và lớn lên. Ông dựng lên một ngôi làng "đúng như cái làng tôi cảm nhận thời bé", với nhiều mảnh đời, tình tiết và thân phận.

Tác phẩm lấy cảm hứng từ những điều thân thuộc và gần gũi: khung cảnh làng quê, những trò chơi tuổi thơ tinh nghịch, rung động đầu đời, bạn bè, trường lớp…

"Qua cuốn sách này, tôi muốn thêu lên một bức tranh về làng quê thời nhỏ của mình, mà mỗi nhân vật, mỗi số phận trong đó là một sợi chỉ màu của bức tranh thêu", nhà văn nói. 

sach2.jpeg
Ảnh: Nhã Nam

Câu chuyện Chuyện con mèo dạy hải âu bay của tác Luis Sepulveda (Phương Huyền dịch, Nhã Nam phát hành), kể về cuộc gặp gỡ tình cờ giữa chú mèo mun đen mập mạp tên là Zorba và cô hải âu Kengah bị mắc kẹt trong lớp váng dầu, kiệt sức và qua đời.

Trước khi trút hơi thở cuối cùng Kengah đã cố gắng sinh quả trứng màu xanh và thỉnh cầu với Zorba 3 điều: không được ăn quả trứng của cô, hãy ấp cho quả trứng nở ra và dạy nó bay.

Qua câu chuyện có rất nhiều bài học đời sống được rút ra: Tình mẫu tử thiêng liêng, dù đã biết rằng mình không thể còn sức lực để sống vẫn cố gắng sinh bằng được quả trứng trong bụng; Câu chuyện về lời hứa, sự tận tâm và tầm quan trọng trong việc giữ lời; Bài học về sự tự tin, lòng quyết tâm kiên cường và tinh thần dũng cảm.

sach4.jpeg
Ảnh: Nhã Nam

Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu (tác giả Rosie Nguyễn, Nhã Nam phát hành), là những lời tâm sự, triết lý đơn giản nhưng sâu sắc, được tác giả đúc kết từ chính trải nghiệm trong năm tháng tuổi trẻ của mình.

Đó là những bài học trong quá trình khám phá bản thân, khuyến khích các bạn trẻ đi, trải nghiệm nhiều và cống hiến nhiều hơn: “Không phải ai đọc sách cũng thành công. Nhưng lại có một sự thực rõ ràng khác là những người thành công đọc rất nhiều sách”; “... đừng cầu nguyện để đời bạn không phải trải qua những nghịch cảnh, khó khăn. Mà cầu nguyện để bạn đủ sức lực để đương đầu với những sóng gió của cuộc đời”; “Những ngày tuổi trẻ tưởng dài rộng mênh mông nhưng kỳ thực lại rất hữu hạn ngắn ngủi, nên nếu bạn còn trẻ, hãy học cách để biến tuổi trẻ của bạn thành vô giá”

Với giọng văn gần gũi, Rosie Nguyễn không chỉ giúp người đọc nhìn rõ hơn về ý nghĩa của tuổi trẻ, mà còn khuyến khích họ sống hết mình với đam mê, đừng sợ thất bại và luôn tìm kiếm cơ hội học hỏi.